Nhức nhối tình hình vi phạm đất đai ở quận Tây Hồ (Hà Nội)

Thứ Tư, 13/04/2005, 10:30
Báo CAND đã có dịp phản ánh tình hình chiếm dụng trái phép hàng ngàn m2 đất bãi sông Hồng, thuộc phường Tứ Liên (Tây Hồ - Hà Nội) nhiều năm qua chưa được xử lý triệt để, gây nhức nhối trong công luận. Sau bài báo, có rất nhiều ý kiến khẳng định, đó chỉ là một vài nét chấm phá về tình trạng vi phạm đất đai ở đây.

Phóng viên Báo CAND tiếp tục điều tra và sửng sốt thấy rằng, đó chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" mà nhiều người thừa cơ  tự tung, tự tác trục lợi bạc tỷ thông qua việc lấn chiếm đất đai.

"Vi phạm như thế, thánh cũng khó vẽ nổi bản đồ"!

Sau một hồi giải thích về mảnh đất nông nghiệp đã bị xâu xé rồi trao đi, bán lại cho nhiều chủ ở các địa phương khác nhau để kiếm lời, một cán bộ quản lý ở Tây Hồ thốt lên: "Tình hình vi phạm nghiêm trọng này có thánh cũng khó vẽ nổi bản đồ". Tất nhiên, vấn đề không phải là ở chỗ vẽ bản đồ, tình hình vi phạm đất đai ở đây đang đặt những người làm công tác quản lý vào thế "khó". 

Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2001 đến 2003, toàn quận có tới 262 trường hợp vi phạm đất đai với đủ loại hình, từ lấn chiếm đất công, xâm lấn hành lang đê, bãi sông đến san lấp làm nhà trên đất nông nghiệp... Hộ ít thì chiếm dụng vài chục mét, hộ nhiều vài trăm, vài nghìn mét, thậm chí cả vài ha đất rồi bán trao tay hoặc khai thác kiếm lời. Trong đó, một số phường có nhiều vi phạm như: Nhật Tân, Quảng An, Phú Thượng, Tứ Liên đều có từ 36 đến 61 trường hợp.

Vẫn theo lời cán bộ địa chính, thì nhiều trường hợp phức tạp đến mức khó lần ra chủ đất đích thực như khu đất An Thành, thuộc phường Yên Phụ có diện tích 3.130m2, vốn là đất nông nghiệp trũng trồng rau màu. Vậy mà từ năm 1993, cả chục hộ ra sức san lấp cát, cứ mỗi người mỗi mảnh, sau đó mua bán trao tay qua hai ba lần chủ. Đến nay, theo báo cáo của cơ quan quản lý, ngoài mỗi hộ chiếm giữ vài trăm m2 đất đã xác định được danh tính thì còn 4 ô với diện tích 1.014 m2 không thể xác định được tên, địa chỉ của những ông chủ đất giấu mặt này.

Hay khu nhà 274 Lạc Long Quân (vốn là đất nông nghiệp) thuộc phường Bưởi quản lý. Trước đây, bà Nguyễn Thị Quý tự đứng ra xây dựng lều lán bán hàng. Năm 1995, thành phố thu hồi giao cho Công ty Sản xuất dịch vụ Thăng Long, nhưng không hiểu vì lý do gì đơn vị này lại không đưa vào sử dụng. Tháng 3/1999, bằng hợp đồng mua bán trái phép, ông Thông đã mua rồi lấn chiếm ao công phía sau xây nhà không phép, sau đó bán cho bà Trần Thị Tú Hoa để kiếm lời.

Tất nhiên, phường có phát hiện và lập biên bản xử lý nhiều lần nhưng rồi mọi việc đâu vẫn hoàn đấy, để người lấn chiếm thì đã trục lợi, còn đất của Nhà nước  thì chưa thể thu hồi được. Nghiêm trọng hơn, do buông lỏng quản lý, 12,7 ha đất nông nghiệp thuộc Hợp tác xã nông nghiệp Liên Châu, phường Tứ Liên  rơi vào dạng "tự do" cho các cá nhân lấn chiếm. Có cá nhân chiếm tới 1,3 ha đất mà không hề có biện pháp kiên quyết nào ngăn chặn từ phía cơ quan chức năng. Chỉ riêng ở Đạc 12 thuộc khu đất này, đã có 23 hộ sử dụng trái phép 9.503 m2 đất nông nghiệp, trong đó 21 hộ đã tự ý san lấp mặt bằng, mua bán trao tay, xây nhà hoặc tự chuyển đổi mục đích sử dụng.

Đằng sau những phi vụ lấn chiếm đó, theo phản ánh của nhân dân là một thị trường mua bán đất hết sức sôi động. Nhiều trường hợp vì nhu cầu bức thiết, sẵn sàng bỏ ra vài trăm triệu đồng để mua miếng đất mà giá trị phập phù trên mảnh giấy bằng bàn tay với vài dòng chứ sơ sài của kẻ chiếm đất ghi lại. Cũng rất lấy làm lạ là đến thời điểm này vẫn có người tâm niệm rằng, cứ mua, cứ ở đất đó đi cho đến thời điểm được coi là ổn định lâu dài thì tự khắc giấy trắng sẽ biến thành sổ đỏ, khi đó trăm cây, ngàn cây cũng có trên chính mảnh đất công. Kéo theo là hàng loạt vi la, nhà hàng, xe hơi... của các "điền chủ" mới trở thành cái gai cứa vào mắt những người lao động chân chính, gây bức xúc trong công luận.

Xử lý nửa vời, bao giờ vi phạm mới chấm dứt?

Chúng tôi không phủ nhận những cố gắng nhiều mặt của Tây Hồ để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có cả việc ngăn chặn và xử lý kịp thời nhiều trường hợp lấn chiếm đất đai. Nhưng những tài liệu mà chúng tôi có được đã cho thấy: Tình hình vi phạm đất đai trên địa bàn quận Tây Hồ, trong đó phần lớn đất ngoài đê là khá nghiêm trọng. Tuy nhiên, dù tình trạng vi phạm lấn chiếm, sang nhượng đất diễn ra khá rầm rộ nhiều năm qua, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có những biện pháp xử lý kiên quyết và hữu hiệu.

Đơn cử  như vụ việc lấn chiếm hàng ngàn mét vuông đất khu vực bãi sông, thuộc phường Tứ Liên mà Báo CAND vừa phản ánh. Đại bộ phận quần chúng nhân dân hết sức phấn khích khi được biết, các cơ quan chức năng  đã lập tức tiến hành xử lý. Nhưng rất tiếc, việc xử lý mới dừng lại ở mức chỉ buộc  tháo dỡ phần công trình trên phần diện tích đất lấn chiếm xảy ra từ năm 2005, còn phần đã xây dựng từ trước thì coi như chưa xử lý được…vì thuộc dạng tồn tại những năm trước (?!)

Như vậy, cũng trên khu đất lấn chiếm hàng ngàn m2 nhiều năm nay, đối tượng lấn chiếm chỉ cần dịch chuyển nhà xưởng lùi vào phía trong một chút là lại có thể ung dung tồn tại để chờ thời cơ lấn chiếm tiếp. Trên thực tế, kế "cầm cự" để đối phó với cơ quan chức năng của một số hộ vi phạm đất đai ở đây cùng với sự thiếu quyết liệt của nhà quản lý đã dẫn đến vụ việc kéo dài nhiều năm qua.

Chúng tôi nhận thức rất rõ rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm đất đai ở Tây Hồ như hiện nay. Trong đó, việc quận mới được thành lập phải tiếp thu những tồn tại về đất đai trước kia để lại cũng là một nguyên nhân đáng kể. Nhưng những ý kiến của người dân cho rằng, một số quyết định xử lý vi phạm đất đai của UBND quận Tây Hồ thời gian qua còn có nhiều điều cần bàn.

Chẳng hạn trong Quyết định 629/QĐ-UB ngày 13/5/2004 của UBND quận Tây Hồ về việc giải quyết một trường hợp vi phạm cụ thể tại phường Tứ Liên, phần trên của quyết định nêu rõ: "Giao cho UBND phường Tứ Liên chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện quyết định của UBND quận, thu hồi 908m2 đất nông nghiệp tại khu Đạc 10 - cụm 1 do ông Hà Văn Long đang quản lý, sử dụng vì đã lấn chiếm đất công, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất." Thế nhưng, ngay phần sau của quyết định đó lại chỉ đạo: "Giao cho UBND phường Tứ Liên chủ trì, phối hợp với Phòng Địa chính, Nhà đất và đô thị nghiên cứu, thống nhất đề xuất phương án , lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cho phép ông Hà Văn Long được tiếp tục thuê diện tích đất hiện ông Long đang sử dụng để tiếp tục sản xuất" (!?).

Chúng tôi không can thiệp vào phạm vi văn bản của cơ quan thẩm quyền, nhưng quả thật khó hiểu bởi cùng một quyết định chỉ đạo thu hồi đất, rồi cho ngay chính đối tượng lấn chiếm thuê lại để tiếp tục sản xuất, với điều kiện "ràng buộc" là khi nào Nhà nước có nhu cầu thì người thuê phải giao đất. Thử hỏi, tình trạng chiếm dụng đất đai phức tạp như hiện nay, các cấp chính quyền đang tìm mọi biện pháp ngăn chặn để thu hồi còn khó, nay lại cho họ thuê, khi nào cần sẽ phải nộp vô điều kiện liệu có khả thi? 17 trường hợp khác ở phường Tứ Liên cũng được "thu" rồi "giao" lại như thế. Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi được biết, UBND phường Tứ Liên đã tổng hợp ý kiến của cử tri báo cáo đề nghị UBND quận cương quyết xử lý vi phạm một cách triệt để.

Với những biện pháp giải quyết như hiện tại, ngay những người thừa hành trong ngành quản lý đất đai cũng ví câu chuyện tình trạng vi phạm, lấn chiếm đất tại quận Tây Hồ vẫn như chiếc đèn cù. Chỉ có một thực tế là hàng chục ngàn mét vuông đất bị chiếm dụng trái phép mà nhiều đối tượng vi phạm đã, đang và có thể sẽ bỏ túi bạc tỷ một cách ngon lành

Thanh Phong - Xuân Luận
.
.
.