Nguyên đơn thành bị đơn

Thứ Bảy, 14/02/2015, 14:33
Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương (Công ty Thái Dương) địa chỉ 33 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội, là nguyên đơn trong vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh khởi kiện tại Tòa án nhân dân (TAND) quận Hai Bà Trưng, Hà Nội từ tháng 1/2013. Sau nhiều lần hoãn vì chính nguyên đơn vắng mặt, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự này đã diễn ra trong hai ngày 9/2 và 12/2. Tại phiên tòa này, Công ty Thái Dương từ nguyên đơn trở thành bị đơn.

Góp vốn không thành

Ông Phạm Quốc Quảng ở số 184 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và bà Lương Tuyết Hạnh ở số 121 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội phản ánh:

Năm 2004, bà Hạnh và ông Quảng cùng ông Đoàn Văn Huấn (đại diện theo pháp luật của Công ty Thái Dương) nhất trí cùng góp vốn đầu tư vào Dự án khai thác đá tại khu vực Khau Tu Ka, xã An Phú, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Để làm cơ sở cho việc hợp tác kinh doanh, ngày 1/2/2007, bà Hạnh và ông Quảng cùng Công ty Thái Dương đã ký kết Hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh số 09/2007. Ngày 28/10/2010, các bên ký kết Phụ lục hợp đồng điều chỉnh một số nội dung của Hợp đồng số 09.

Phiên xét xử sơ thẩm.

Tại hợp đồng, các bên thống nhất cùng góp vốn 9 tỷ đồng. Trong đó, ông Quảng góp 30% (tương đương 2,7 tỷ đồng), bà Hạnh góp 30%; Công ty Thái Dương góp 40% (tương đương 3,6 tỷ đồng). Tính đến ngày 16/10/2010, ông Quảng đã góp 880 triệu đồng, bà Hạnh góp 890 triệu đồng. Hai bên thống nhất sẽ thành lập Chi nhánh Công ty cổ phần Dịch vụ và Dạy nghề Thái Dương để triển khai hoạt động khai thác mỏ đá.

Ngày 2/4/2010, UBND tỉnh Yên Bái đã cấp giấy chứng nhận cho Công ty Thái Dương thực hiện “Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác và chế biến đá hoa trắng khu vực Khau Tu Ka, xã An Phú, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái”. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 170 tỷ đồng.

Ngày 19/8/2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác mỏ đá này cho Công ty Thái Dương. Sau khi được cấp các giấy phép trên, ngày 24/11/2012, Công ty Thái Dương gửi Văn bản số 475 cho bà Hạnh và ông Quảng đề nghị góp tiếp phần còn lại của hợp đồng (ông Quảng là 1,82 tỷ đồng; bà Hạnh là 1,81 tỷ đồng). Văn bản cũng nêu rõ sau khi nộp tiền giai đoạn 1, ông Quảng, bà Hạnh tiếp tục chuẩn bị tiền để góp vốn giai đoạn hai.

Tuy nhiên, ngày 10/12/2012, dưới sự chứng kiến của Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Yên Bái, bà Hạnh và ông Quảng đã gặp gỡ Công ty Thái Dương và đề nghị góp nốt khoản tiền hợp tác đầu tư theo Công văn số 475 nhưng ông Đoàn Văn Huấn – đại diện Công ty Thái Dương không nhận với lý do không nhất trí với yêu cầu thành lập chi nhánh và có 30% cổ phần trong chi nhánh của ông Quảng, bà Hạnh.

Trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, bà Hạnh và ông Quảng không được tiếp cận với các thông tin về tiến độ góp vốn của Công ty Thái Dương và thông tin về việc sử dụng vốn góp của các nhà đầu tư.      

Khởi kiện rồi vắng mặt

Tháng 1/2013, Công ty Thái Dương khởi kiện ông Quảng, bà Hạnh yêu cầu xin hủy Hợp đồng số 09/2007 với lý do: phía ông Quảng, bà Hạnh có hành vi vượt quá quyền hạn của các bên góp vốn kinh doanh dự án mỏ, có hành vi đe dọa gia đình, CBCNV công ty, không thiện chí, không hợp tác với công ty…

Trong khi đó, theo phản ánh của ông Quảng, bà Hạnh, thời gian 2 năm chưa xét xử, Công ty Thái Dương đã tổ chức khai thác đá tại mỏ đá Khau Tu Ka mà không bị áp dụng bất cứ biện pháp ngăn chặn nào từ TAND quận Hai Bà Trưng. Dù chiếm tới 60% vốn góp đầu tư nhưng ông Quảng bà Hạnh không được hưởng một khoản lợi nhuận nào từ dự án.

Sau khi TAND quận Hai Bà Trưng thụ lý đơn khởi kiện, Công ty Thái Dương ủy quyền cho một người tham gia tố tụng nhưng người này đã xin rút vì lý do sức khỏe. Công ty Thái Dương cũng xin tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do chưa tìm được người ủy quyền mà ông Đoàn Văn Huấn là người đại diện đi công tác. Nhưng đề nghị này không được chấp nhận.

Từ khi thụ lý cho đến nay, TAND quận Hai Bà Trưng đã 5 lần hoãn phiên tòa, trong đó có tới 4 lần hoãn do sự vắng mặt của nguyên đơn.

Ngày 9/2, TAND quận Hai Bà Trưng tiếp tục đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh giữa Công ty Thái Dương và ông Quảng, bà Hạnh.

Cũng giống như những lần trước, đại diện Công ty Thái Dương không có mặt và đưa ra lý do người đại diện không đủ sức khỏe tham gia phiên tòa. Dù vậy, HĐXX vẫn tiếp tục xử án và quyết định đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.

Ông Quảng, bà Hạnh đưa ra yêu cầu phản tố với các nội dung: Tuyên bố không chấp nhận yêu cầu của Công ty Thái Dương, đề nghị Công ty Thái Dương tiếp tục thực hiện hợp đồng nghiêm túc và đúng thỏa thuận; đề nghị HĐXX yêu cầu Công ty Thái Dương tiếp tục thành lập chi nhánh, lập tài khoản chi nhánh để thực hiện thỏa thuận như đã cam kết; buộc Công ty Thái Dương phải bổ sung ông Quảng, bà Hạnh vào là nhà đầu tư của dự án; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.

HĐXX nhận thấy yêu cầu của ông Quảng, bà Hạnh đối với Công ty Thái Dương là chính đáng nên ngày 12/2, HĐXX tuyên án, quyết định: Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của Công ty Thái Dương, chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Quảng và bà Hạnh, buộc Công ty Thái Dương mà người đại diện là ông Đoàn Văn Huấn phải tiếp tục thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 09/2007 đã ký.

Buộc Công ty Thái Dương phải lập chi nhánh và mở tài khoản riêng của chi nhánh để thực hiện công việc khai thác, theo dõi hoạt động, lãi suất kinh doanh tại mỏ đá Khau Tu Ka theo hợp đồng đã ký; cấm thay đổi tài sản, hiện trạng đang tranh chấp tại mỏ đá; buộc Công ty Thái Dương phải bổ sung ông Quảng, bà Hạnh là nhà đầu tư dự án đã được UBND tỉnh Yên Bái cấp chứng nhận đầu tư theo tỷ lệ góp vốn.

Khi bản án có hiệu lực pháp luật, nếu Công ty Thái Dương không thực hiện các quy định trên của bản án thì ông Quảng, bà Hạnh có quyền đơn phương yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái cho phép thành lập chi nhánh để thực hiện dự án khai thác mỏ đá Khau Tu Ka theo Hợp đồng số 09/2007 với Công ty Thái Dương. Bản án của HĐXX, TAND quận Hai Bà Trưng đã bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ông Quảng, bà Hạnh.

Việt Hà
.
.
.