Người đi bộ ở Hà Nội bị đẩy xuống lòng đường

Thứ Hai, 27/02/2017, 08:04
“Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè” đã trở thành một cụm từ quen thuộc của những người viết báo, những người làm quản lý về trật tự đô thị. Nhìn vào vỉa hè, người ta thấy có một đô thị nhếch nhác với đủ thứ hoạt động tạp nham: Từ bày bán hàng, ăn uống, để ôtô, xe máy…


Lâu nay, vỉa hè đã trở thành “mỏ vàng” để người ta khai thác, nhưng thứ lợi nhuận thu được từ “mỏ vàng” này không phục vụ cho lợi ích cộng đồng được mấy mà lại chui vào túi cá nhân. TP Hồ Chí Minh đang quyết liệt lấy lại vỉa hè, còn Hà Nội thì sao?

Chiếm dụng vỉa hè - căn bệnh nan y

Đi dọc các con phố ở Hà Nội như Hàng Bông, Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn, Quán Sứ, Phủ Doãn, Lý Quốc Sư, Chân Cầm… đều dễ dàng nhìn thấy những đoạn phố bị chiếm dụng hoàn toàn để làm điểm đỗ xe, làm nơi sản xuất, kinh doanh cà phê, trà đá…

Phố Phủ Doãn tập trung hai bệnh viện lớn, nhu cầu đi lại bằng taxi, xe máy, đi bộ của người dân đều rất lớn. Thế nhưng, một bên vỉa hè thì bị sử dụng làm điểm đỗ xe máy, một bên thì bị chiếm dụng để bán hàng. Người đi bộ chẳng còn lối, buộc phải đi xuống lòng đường, nơi ôtô, xe máy qua lại tấp nập.

Người đi bộ không còn lối đi trên phố Lý Quốc Sư, Hà Nội.

Ở các tuyến phố khác, ôtô đỗ tràn ngập lòng đường, vỉa hè. Hiếm hoi mới có được một đoạn vỉa hè không có ôtô, xe máy, nhưng cũng chỉ được một bên, đó là phố Hỏa Lò. Bởi đây là phố có duy nhất một số nhà là di tích lịch sử nên vỉa hè không được đỗ ôtô, xe máy.

Nhưng, vỉa hè phía Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội thì lại là điểm đỗ ôtô, người đi bộ buộc phải xuống lòng đường hoặc qua đường đi bộ ở vỉa hè phía bên kia. Có vỉa hè còn là nơi xe máy trèo lên khi tắc đường như phố Chùa Bộc, Trường Chinh… Khu vực gần các cơ quan, công sở cũng là nơi thường xuyên bị chiếm dụng vỉa hè làm điểm đỗ xe.

Người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường là thực trạng chung trên phần lớn các con phố ở Hà Nội, nhất là khu vực phố cổ, phố cũ. Chị Trần Thị Thanh Hà ở phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội than vãn: “Cơ quan tôi ở gần nhà, muốn đi bộ hằng ngày nhưng tôi thấy đi bộ còn nguy hiểm hơn đi xe.

Vì đi được một đoạn trên vỉa hè là lại phải đi xuống lòng đường vì vướng hết xe cộ lại đến hàng quán. Thậm chí có chỗ phải đi bộ gần giữa lòng đường vì dưới lòng đường có một hàng xe ôtô đỗ. Tôi muốn dắt con đi chơi cũng lo bị va xe. Nếu người đi bộ được dành riêng lối đi, tôi chắc sẽ có nhiều người đi bộ hơn bây giờ”.

Tâm sự của chị Thanh Hà có lẽ cũng là mong muốn chung của nhiều người dân Thủ đô. Những ngày qua dư luận hoan nghênh TP Hồ Chí Minh kiên quyết lập lại trật tự, giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Dư luận mong điểm sáng này sẽ tác động đến các thành phố khác, làm thay đổi bộ mặt và văn minh đô thị. Người dân Hà Nội cũng vậy.

Hà Nội đã có nhiều quy định về quản lý lòng đường vỉa hè. Vỉa hè được giao cho chính quyền cấp phường quản lý. Thế nhưng, ngoại trừ những đoạn vỉa hè được trưng dụng làm điểm đỗ xe, thì vỉa hè chủ yếu lại là do chủ nhà mặt phố quản lý, sử dụng. Chúng tôi cũng đã từng đi theo lực lượng Cảnh sát trật tự giữ gìn trật tự đô thị.

Trên khu vực phố cổ, người dân bày bán hàng hóa tràn ra vỉa hè, khi lực lượng chức năng đến nhắc nhở, người dân thu hàng lại, nhưng khi vừa đi khỏi, người ta lại đưa hàng ra như ban đầu. Quản lý đô thị như vậy chẳng khác “ném đá ao bèo”. Vậy, nguyên nhân nào khiến tình trạng trên kéo dài thời gian hàng chục năm, và làm thế nào để có thể lập lại trật tự đô thị bắt đầu với cái vỉa hè?

Thành phố phải quản lý vỉa hè

Hà Nội lúc thì phát động năm văn minh đô thị, khi thì lấy chủ đề chỉnh trang đô thị, lúc vận động, kêu gọi, ra quân làm sạch đường phố, khi lại cấp ngân sách cho chỉnh trang mặt tiền ở một số tuyến phố, lát lại vỉa hè… Năm nào Hà Nội cũng phải chi ngân sách để làm đẹp, để tạo văn minh, trật tự, thế nhưng, hiệu quả của công tác này thì ai cũng nhận thấy. Sau mỗi đợt phát động, triển khai, mọi thứ lại trở về gần như nguyên vị trí. Nguyên nhân được giới chuyên môn và các nhà quản lý đưa ra là gia tăng ôtô, là người nghèo cần chỗ để mưu sinh, và một thứ lý do trừu tượng nữa là: văn hóa vỉa hè.

Về vấn đề này, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, câu chuyện vỉa hè đã được đặt ra mấy chục năm nay và giờ vẫn được nhắc tới. Vỉa hè là bộ phận quan trọng trong không gian đô thị, do điều kiện, hoàn cảnh, cách sống của người Hà Nội mà lâu nay vỉa hè bị  buông lỏng quản lý. 

“Người ta vẫn nói đến văn hóa vỉa hè, tôi thì cho rằng làm gì có văn hóa vỉa hè mà đó là thói quen chứ không phải là văn hóa. Có một thời kỳ bao cấp khó khăn, vỉa hè đã trở thành nơi kinh doanh, nhưng không nhiều. Ngược trở lại thời Pháp thuộc, người ta cũng không cho kinh doanh trên vỉa hè mà chỉ có hàng rong, giống như kiểu taxi vỉa hè, họ đến và đi di động chứ không cố định. Những hoạt động trên vỉa hè bị chiếm dụng thì không thể gọi là văn hóa mà cần phải dẹp để loại bỏ phức tạp về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tệ nạn xã hội, mất an ninh trật tự…. Thời trước kỷ cương chưa chặt, còn giờ thì hoạt động trên vỉa hè được coi là “mỏ vàng” mà các nhà quản lý bỏ quên hoặc cố tình bỏ quên, đẩy người đi bộ xuống lòng đường” – Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nêu quan điểm.

Về giải pháp, ông cho rằng cần phải làm một cách bền vững: “Hà Nội cần tìm ra căn nguyên thì mới giải quyết triệt để được, đầu tiên là phải sắp xếp lại kinh doanh vỉa hè, chỗ nào cho phép kinh doanh thì phải nộp thuế để tái bảo trì cơ sở hạ tầng. Cần nghiên cứu kỹ từng đoạn phố, vỉa hè, có đoạn phố phải dứt khoát không kinh doanh mà dành vỉa hè cho người đi bộ. 

Đặc biệt, chính quyền thành phố quản lý chứ không để tư nhân quản lý, không biến vỉa hè thành nhà riêng. Thực ra phố thì phải có cửa hàng cửa hiệu thì mới sinh động đô thị. Đối với vỉa hè rộng thì có thể sử dụng một phần để kinh doanh, nhưng phải đánh thuế nặng diện tích kinh doanh này. Có những phố đi bộ thì vỉa hè được dành để uống cà phê, uống bia… nhưng những tuyến phố này phải nằm trong phạm vi cho phép, trở thành vỉa hè thu hút du lịch… Phải đưa thành luật và phạt rất nặng”.

Hà Nội không thiếu quy định xử phạt nhưng thiếu sự quyết liệt, liên tục để lập trật tự vỉa hè. Trước hết, thành phố phải giải được bài toán giao thông tĩnh, phải đồng bộ trong hạ tầng, giảm xe cá nhân, quy hoạch đô thị… và phải triệt tiêu được lợi ích nhóm tại các “mỏ vàng” được gọi vỉa hè Hà Nội mới mong người dân có thể thong thả tản bộ trên làn đường dành riêng cho mình.

Việt Hà
.
.
.