Người dân lo lắng vì phải sống trong vùng ô nhiễm từ nhà máy thép

Thứ Sáu, 24/03/2017, 09:35
Ngày 22-3, người dân thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng), bức xúc phản ánh, vào các ngày 18 và 19-3 vừa qua, đang đêm khuya bà con trong thôn bỗng giật mình, hoảng sợ chạy tán loạn ra ngoài vì có tiếng nổ lớn xuất phát từ Nhà máy Thép Dana – Ý. Tiếng nổ gây ra độ rung lắc mạnh khiến nhiều vật dụng trong nhà họ bị ngã, đổ. Tuy nhiên, không ai biết chuyện gì xảy ra.  

Nhà máy Thép Dana – Ý hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhiều năm qua, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân. Bà Lê Thị Danh (61 tuổi, trú thôn Vân Dương 2) buồn bã nói: “Tôi sinh sống ở đây hơn 40 năm rồi, trước khi có Nhà máy Thép Dana – Ý. Từ khi nhà máy này hoạt động, gần 10 năm nay người dân trong vùng đã phải sống chung với ô nhiễm. Vừa rồi chính quyền TP Đà Nẵng có về tận thôn để ghi nhận phản ánh của bà con và người dân đồng thuận phương án di dời ra khỏi vùng ô nhiễm nghiêm trọng này”. 

Cô giáo Nguyễn Thị Điệp, Hiệu trưởng Trường Mâ-ìm non số 2 Hòa Liên, cho biết thêm: Tuy đã có chủ trương di dời, xây dựng trường tại một địa điểm khác, nhưng hiện tại cơ sở thuộc Trường Mầm non số 2 vẫn còn ở thôn Vân Dương 2, mỗi ngày đón hơn 40 trẻ đến học. Điều này đáng lo ngại vì cơ sở chỉ cách tường 2 nhà máy thép Dana – Ý và Dana - Úc chỉ hơn 100m. Được biết, vào giữa tháng 12-2016, vì quá bức xúc do ô nhiễm từ 2 nhà máy thép Dana – Ý và Dana - Úc gây ra, người dân sống gần đó đã lên tiếng phản đối. 

Nhà máy Thép Dana - Ý.

Chính quyền TP Đà Nẵng đã tổ chức đối thoại với người dân để tìm sự đồng thuận. Vào đầu tháng 1-2017, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có thông báo kết luận liên quan đến xử lý tình hình ô nhiễm môi trường tại các nhà máy thép, thuộc 2 Công ty CP thép Dana - Ý và Dana- Úc; giao trách nhiệm Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thành phố chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP khẩn trương lập dự toán kinh phí đền bù, giải tỏa, tái định cư các hộ dân tại khu vực, di dời các hộ dân nằm sát gần với khu vực 2 nhà máy thép Dana - Ý và Dana- Úc để các nhà máy này hoạt động tạm thời trong thời gian khấu hao tài sản, thu hồi vốn; đồng thời đảm bảo thời gian các nhà máy tính toán phương án lộ trình di dời cụ thể. 

Sở TN-MT xác định phạm vi di dời cụ thể, kết hợp với việc nâng cao công nghệ để đảm bảo môi trường trong thời gian tiếp tục sản xuất. Lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu các công ty CP thép Dana-Ý và Dana-Úc tiếp tục nghiên cứu áp dụng và triển khai thực hiện các biện pháp xử lý, nâng cấp, đổi mới công nghệ sản xuất để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất; thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng không để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng đến môi trường như thời gian qua.

Đồng thời, khẩn trương phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan đơn vị liên quan để triển khai việc khám tầm soát về sức khỏe miễn phí cho người dân tại khu vực bị ô nhiễm…

Đến ngày 25-2-2017, trong văn bản gửi lãnh đạo TP Đà Nẵng, Công ty CP Thép Dana- Ý “kêu khó” và “cầu cứu”: “Do nguồn lực tài chính của công ty có hạn, sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn nên không đủ khả năng trang trải kinh phí xây dựng hạ tầng và bố trí tái định cư, chỉ có đủ khả năng chi phí cho công tác giải tỏa đền bù… Vì vậy, doanh nghiệp xin đề nghị thành phố sử dụng ngân sách phục vụ cho công tác tái định cư”(?!). Tới thời điểm hiện tại, khoảng 400 hộ dân sống trong vùng ảnh hưởng ô nhiễm do hoạt động của các nhà máy thép Dana - Ý và Dana- Úc gây ra cho hay, họ vẫn chưa thấy động tĩnh gì về việc di dời…

Hoài Thu
.
.
.