Người dân khốn khổ vì ô nhiễm kéo dài

Chủ Nhật, 14/05/2017, 09:53
Hàng trăm hộ dân sinh sống tại xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đã kéo đến trước cổng Nhà máy sản xuất ván MDF và Veneer để phản đối hoạt động của nhà máy gây ô nhiễm môi trường.

Người dân chặn cổng nhà máy thép vì gây ô nhiễm
Điều tra xử lý vụ dân bao vây nhà máy gây ô nhiễm tại Hải Phòng

Từ sáng sớm 11-5, hàng trăm hộ dân sinh sống tại xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đã kéo đến trước cổng Nhà máy sản xuất ván MDF và Veneer của Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt (đóng tại Đồn 8, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song) để phản đối hoạt động của nhà máy gây ô nhiễm môi trường.

Tại cổng nhà máy, nhiều tấm bảng hiệu được giăng lên với nội dung “Chúng tôi có nhà mà không thể ở được vì khói bụi, nước thải của Công ty Long Việt”… Ngoài ra, người dân còn đưa máy kéo, ôtô, xe máy… chắn ngang trước cổng để phản đối.

Theo phản ánh của người dân, gần một tuần nay, khu vực quanh nhà máy bốc mùi hôi thối nồng nặc phát ra từ hồ chứa nước thải trong khuôn viên nhà máy.

Nhiều gia đình sống xung quanh chịu không nổi đã phải đưa con nhỏ, người già sơ tán đi nơi khác. Trước tình trạng trên, người dân đã gọi điện báo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nhưng sự việc không được giải quyết.

Anh Văn Trọng Cường (trú thôn Thuận Tân, xã Thuận Hạnh) cho biết, tình trạng nhà máy gây ô nhiễm đã kéo dài từ lâu nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm.

“Từ đầu năm 2009, khi nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động cũng là lúc người dân chúng tôi phải chịu cảnh khói bụi, mùi hôi tra tấn. Nhiều hôm nhà máy hoạt động hết công suất đã xả bụi mù trời, cộng với mùi hôi tanh của chất thải khiến người dân rất khổ sở. Nhiều hôm ngồi ăn cơm phải mắc mùng, ngủ phải đeo khẩu trang, nước thải chảy tràn ra cả nhà. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều, chính quyền các cấp cũng đã vào cuộc giải quyết nhưng chẳng thấy tiến triển gì”, anh Cường bức xúc.

Hàng trăm hộ dân giăng biểu ngữ, phương tiện phản đối trước cổng nhà máy hơn 2 ngày qua.

Để kiểm chứng những bức xúc của người dân, chiều 12-5, phóng viên có mặt tại khu vực quanh nhà máy để ghi nhận. Ngay phía sau nhà máy, khu vực dân cư tiếp giáp với hồ chứa nước thải, mặc dù đã đứng cách xa hàng trăm mét nhưng chúng tôi cũng không thể nào chịu nổi mùi hôi thối phát ra từ đây.

Ngay sau đó, phóng viên bày tỏ yêu cầu được gặp gỡ để tìm hiểu nguyên nhân của mùi hôi thối cũng như biện pháp khắc phục nhưng lãnh đạo nhà máy nhất quyết không đồng ý. Họ cũng không trả lời bất cứ câu hỏi nào của phóng viên, không cho phóng viên quay phim, chụp ảnh trong khuôn viên nhà máy.

Đến tối cùng ngày, trước áp lực phản đối của người dân, đại diện của nhà máy và lãnh đạo UBND huyện Đắk Song cũng đã có mặt để đưa ra giải pháp xử lý, đồng thời cam kết với người dân.

Biện pháp đưa ra là sẽ cho đổ đất lấp hồ chứa nước thải để hạn chế mùi hôi. Tuy nhiên, biện pháp này đã gặp phải phản đối quyết liệt của người dân bởi họ cho rằng, nếu lấp hồ chứa thì lượng nước trong hồ sẽ tràn ra tiếp tục chảy vào vườn cây, nhà cửa, gây ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, nếu hồ bị lấp khi nhà máy tiếp tục sản xuất nước thải sẽ xả thẳng ra môi trường càng nguy hại hơn.

Sáng 13-5, trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Công, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Thuận Hạnh cho biết, kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động đã thường xuyên gây ô nhiễm môi trường.

“Chính quyền địa phương, nhà máy và nhân dân cũng đã nhiều lần họp bàn để giải quyết nhưng vẫn chưa khắc phục được. Vì vậy, bà con vẫn tiếp tục kiến nghị, tập trung trước cổng nhà máy làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương”, ông Công cho hay.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, vấn đề gây ô nhiễm môi trường tại Nhà máy MDF đã xảy ra từ lâu. Ngày 12-4-2017 vừa qua, Sở đã có thông báo kết luận kiểm tra, xác minh tình trạng ô nhiễm tại nhà máy theo phản ánh của người dân.

Theo kết luận cho thấy, qua khảo sát thực tế tại nhà của các hộ dân sống xung quanh nhà máy có bụi sợi gỗ lưu lại trên bề mặt các vật dụng sinh hoạt, cây cối và có mùi đặc trưng là cay, hắc của hóa chất phát sinh từ nhà máy MDF. Kết quả đo nồng độ bụi không khí môi trường xung quanh nhà máy cũng vượt ngưỡng từ 1,23 và 1,28 lần so với QCVN 05:2013/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí xung quanh.

“Trước thực trạng trên, ngày 3-5 vừa qua, UBND tỉnh đã ra “tối hậu thư” cho đơn vị này phải điều chỉnh công nghệ, nâng cao hiệu suất xử lý bụi, khí thải và mùi hôi thối phát sinh từ hoạt động sản xuất của nhà máy để đảm bảo xử lý bụi, khí thải đạt quy chuẩn môi trường và không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh. Thời gian thực hiện xong trước ngày 30-10-2017. Đồng thời, nhà máy phải có biện pháp khắc phục triệt để mùi hôi phát sinh từ hệ thống lưu chứa và xử lý nước thải; không để nước tồn đọng lâu ngày trong các hồ chứa lót bạt; khắc phục hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải đạt quy chuẩn môi trường trước khi thải ra môi trường; có giải pháp để bảo đảm không để nước mưa chảy tràn qua hệ thống nước thải…”, một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin.

Nhà máy đã từng bị xử phạt

Được biết, vào tháng 3-2015, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định xử phạt hành chính số tiền 150 triệu đồng đối với công ty này vì đã vi phạm hành vi thực hiện không đúng một trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, cụ thể là chưa xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Văn Thành
.
.
.