Người dân khổ sở vì sống cạnh bãi rác

Thứ Hai, 17/02/2020, 07:28
Suốt nhiều năm qua, hàng chục hộ dân ấp Tân Hiệp, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp (Bình Phước) khốn khổ bởi không khí ô nhiễm nghiêm trọng mà “thủ phạm” chính gây ra là bãi rác thải nằm cạnh khu dân cư.

Bức xúc là nguyện vọng chính đáng của người dân nơi đây vẫn chưa được giải quyết dù nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương.

Gia đình ông Nguyễn Quang Lộc (ngụ ấp Tân Hiệp, xã Tân Thành) nằm cách bãi rác thải chỉ hơn 100m. Mấy năm nay, gia đình ông không thể chăn nuôi hay trồng trọt được bởi ruồi nhặng, không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trước đây, chuồng dê 20 con từng mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình thì nay bị bỏ không. 

Ông Lộc bức xúc: “Mấy năm gần đây, do rác thải ứ đọng, ruồi nhặng phát triển mạnh mang các mầm bệnh phát tán đến vật nuôi, không chỉ dê mà gà vịt cũng không sống nổi. Thậm chí 4 người trong gia đình tôi cũng trở bệnh, người nhẹ thì bị viêm xoang, viêm phổi, người nặng thì viêm phế quản. Cuộc sống của người dân trong khu vực hoàn toàn bị đảo lộn. Điều mà tôi lo lắng nhất là nguồn nước thải từ bãi rác thẩm thấu xuống giếng, khiến nguồn nước ăn cũng bốc mùi và không thể sử dụng được”.

Người dân tự thu gom và đốt rác.

Theo ông Lộc, không chỉ những người sống cạnh bãi rác mà những lúc trời nắng gió không khí ô nhiễm phát tán hàng km ảnh hưởng trực tiếp đến cả các ấp lân cận. Người dân phải “sống mòn” trong nhiều năm nay. Do vậy, đã không ít hộ dân phải bán đất bán nhà chuyển đi nơi khác, vì không chịu được ô nhiễm. 

Đơn cử gia đình chị Nguyễn Thị Hà treo biển bán nhà đất từ 3 năm nay để chuyển nơi khác. Thế nhưng, đến nay vẫn chẳng thể bán nổi do không ai muốn mua, bức bách gia đình vay ngân hàng trên 200 triệu đồng để chuyển nhà khiến cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn hơn do nợ nần chồng chất. 

Chị Hà chia sẻ: “Nhà tôi ở gần bãi rác nên bị ô nhiễm rất nặng nề. Buổi tối, bãi rác bốc mùi hôi thối. Ban ngày nắng cũng thế, nước sinh hoạt thì không đảm bảo. Trước kia khi còn ở đây mỗi ngày, gia đình phải mua hơn 10 miếng keo dính ruồi để chống chế, trung bình mỗi tháng mất mấy trăm ngàn nhưng ruồi vẫn nhiều không xuể, nhất là mùa mưa. Tôi muốn bán nhà đi nơi khác ở nhưng chẳng ai hỏi mua”.

Trước thực trạng trên, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết. Ông Danh Tam, người đồng bào Khmer được địa phương cấp đất tái định cư diện 134 ngay cạnh bãi rác, than thở: “Trước khi chưa có bãi rác, bà con sống rất ổn định, từ ngày có bãi rác bà con phải sống chung với ruồi, nhặng, muỗi, mồng… vì rác ở đây đủ các loại từ chai lọ đến cả xác động, thực vật nhưng không thấy ai thu dọn. 

Hằng ngày, tôi phải xuống bãi rác để đốt nhưng tình trạng cũng không thuyên giảm. Hiện nay, đã có nhiều người già và trẻ em tại các hộ trong khu vực này bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp khiến chúng tôi rất lo sợ cho sức khỏe. Người dân nhiều lần kêu cứu nhưng bất thành”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho biết: Bãi rác thải khu vực ấp Tân Hiệp thuộc quy hoạch của xã và được hình thành từ trước năm 2015. UBND xã Tân Thành đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp trên địa bàn thu gom và xử lý rác. Tuy nhiên, do đơn vị xử lý bằng hình thức thủ công nên ảnh hưởng đến người dân. 

Trước thực trạng trên, địa phương sẽ họp với các đơn vị liên quan để nhanh chóng có giải pháp cụ thể, chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống sinh hoạt, gây bức xúc kéo dài trong nhân dân tại khu vực ấp Tân Hiệp…

Đức Trung
.
.
.