Người dân Bình Quang ước mơ một cây cầu

Thứ Hai, 16/01/2017, 11:12
Hơn 1.300 người dân ở thôn Bình Quang, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) bao năm nay mong mỏi một cây cầu. Nhưng ước mơ đó không biết bao giờ mới thành sự thật.

Hơn hai chục năm nay người dân thôn Bình Quang, xã Đức Liên (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh bị ngăn cách bởi sông ngàn Sâu. Con sông này có chiều dài hơn 200 mét, độ sâu khoảng 6 mét, đã biến nơi đây thành một “ốc đảo” khiến bà con khó khăn mỗi khi thực hiện công việc đồng áng. Không chỉ thế, các em học sinh trong xã gặp không ít nguy hiểm mỗi lần ngồi đò, vượt sông để tới trường...

Mới sáng sớm tinh mơ, những người dân đã có mặt chờ đò để vượt sông.

Bình Quang vốn là một thôn nghèo thuộc xã Đức Liên sống chủ yếu vào nghề nông. Tuy nhiên, người dân nơi đây muốn lao động sản xuất nông phẩm để phục vụ nhu cầu cho cuộc sống thì bắt buộc phải vượt qua con sông Ngàn Sâu.

Không những có đất nông nghiệp, bên kia sông còn có hơn 1.300 người dân chiếm gần một nửa số hộ dân trong toàn xã thuộc hai thôn Liên Châu, Liên Hòa cùng xã đang sinh sống. Ngoài số lượng dân sinh, bên kia sông còn có 100 ha ruộng, 140 ha hoa màu và 900 ha rừng.

Máy móc, xe máy và nhiều nông cụ khác cũng được chở cùng chuyến đò cùng với người.

Có mặt tại đây, nhìn mỗi lần người dân vượt sông bằng đò nhiều người không khỏi rùng mình. Đang vào vụ mùa, từ mờ sáng mỗi ngày, bà con nông dân tập trung rất đông ở bến đò Liên Châu để chờ đò. Cứ như vậy, mỗi chuyến đò chở chặt ních người qua sông.

Nhiều người dân khẳng định, hễ vào mùa mưa lũ hằng năm, nước sông dâng cao, việc đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Bác Trần Viết Thắng (45 tuổi), buồn bã nói: “Tai nạn chìm đò thương tâm nhất vào năm 2011, trên đò lúc ấy có ba đồng chí Công an trong lúc đang vượt sông để làm nhiệm vụ thì bị chìm đò, do nước quá to và chảy xiết nên đò chìm. Trong đó có anh trai nhà tôi, khi đó đang công tác tại Công an huyện Vũ Quang”.

Người dân ở đây bao năm nay ước mơ có một cây cầu.

“Dù biết như thế này là nguy hiểm tính mạng nhưng không ngồi lên đò vượt sông sang lao động sản xuất thì biết lấy gì mà nuôi sống gia đình, nuôi các con trong gia đình ăn học … Đã lên đò rồi đâu phải có mỗi con người đâu thôi, mà còn có cả nông cụ sản xuất, máy móc phục vụ cho việc canh tác, nên việc vượt sông còn gặp nhiều trở ngại…”, anh Nguyễn Văn Sơn (47 tuổi) trong tâm tràng đầy lo lắng.

Đang vào thời điểm mực nước xuống thấp, một người nông dân dùng trâu vượt sông.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch UBMT Tổ quốc xã Đức Liên cho hay: “Trước đó, có đoàn kiểm tra về khảo sát để làm cầu dân sinh nhưng sông quá dài, không thể xây dựng được. Mỗi khi chứng kiến cảnh người dân đi làm đồng, các cháu học sinh đều phải vượt sông bằng đò để đi học mà khiến ai cũng bất an, các bậc phụ huynh làm cha, mẹ ai mà không sợ con mình bị nguy hiểm đến tính mạng. Mong là thông qua Báo CAND, ban ngành tạo điều kiện làm cầu cho người dân đi lại, thuận tiện lao động sản xuất cho bàn con, cũng như các cháu học sinh được tới trường an toàn”.

Hoàng Phong
.
.
.