Ngôi từ đường trăm năm tuổi “bỗng dưng” bị… thu hồi

Thứ Hai, 07/09/2009, 12:47

Mặc dù đã liên tục hiện hữu từ cách đây gần trăm năm, nhưng "đùng một cái", ngôi từ đường của dòng tộc Đỗ Hữu tọa lạc tại số 611C Điện Biên Phủ, phường 1, quận 3 bị UBND TP HCM ra quyết định thu hồi vào năm 2000 chỉ với lý do rất đơn giản: Nhà vắng chủ! Điều này đã khiến cả dòng họ Đỗ Hữu phải bàng hoàng.

Từ đó tới nay, những người đại diện cho dòng họ này đã phải gõ cửa nhiều nơi để kêu cứu, khiếu nại. Bức xúc của những người trong dòng tộc Đỗ Hữu lên tới đỉnh điểm là vào ngày 30/7 vừa qua, khi chính quyền địa phương cử lực lượng xuống khóa cửa, ngăn cấm không cho những người thuộc dòng tộc này vào thờ cúng. Mặc dù ở đó, ngôi nhà từ đường của dòng tộc Đỗ Hữu vẫn hiện hữu cùng với hàng chục bộ hài cốt của những người thuộc thế hệ trước trong dòng tộc Đỗ Hữu đang an táng tại đây.

Lịch sử của Đỗ Hữu Từ Đường

Năm nay đã 88 tuổi, phải nhờ người nhà dìu đến cơ quan đại diện Báo CAND tại TP HCM để trình bày nỗi bức xúc, ông Đỗ Hữu Khanh - một đại diện của dòng tộc Đỗ Hữu, hiện ngụ tại phường 14, quận Bình Thạnh cho biết: "Ngay từ năm lên 5 - 6 tuổi, tôi đã theo cha tới đây để viếng nhà thờ của họ tộc và hiện mộ của cha ruột cùng mộ của các bác tôi vẫn còn đang được táng trong khuôn viên đất của Đỗ Hữu Từ Đường… vậy mà nay chính quyền phường đã cho người khóa cửa, ngăn cản việc thờ cúng cha mẹ, tổ tiên của chúng tôi".

Mặt trước của ngôi từ đường hơn trăm tuổi

Từ những nội dung do ông Khanh trình bày, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu và được biết Đỗ Hữu Từ Đường được xây dựng từ năm 1904 làm nơi thờ tự và nghĩa địa gia đình. Điều này cũng đã được chính UBND thành phố và UBND quận 3 xác nhận trong các văn bản trả lời khiếu nại của đại diện dòng tộc Đỗ Hữu, rằng "Căn nhà số 611C Điện Biên Phủ, phường 1, quận 3 nguyên là đền thờ vợ của ông Đỗ Hữu Phương, còn gọi là Đỗ Hữu Từ Đường hay đền Bà Lớn…" theo giải thích của ông Khanh và những người trong dòng tộc, sở dĩ ngôi đền này còn được gọi là đền Bà Lớn; khuôn viên đất tại đây được người dân gọi là vườn Bà Lớn… vì sự tích này xuất phát từ tấm lòng quý trọng trước những đóng góp từ thiện, giúp dân nghèo của bà khắp xứ Sài Gòn - Gia Định những năm đầu của thế kỷ trước.

Điển hình nhất của nghĩa cử này là việc vợ chồng bà bỏ tiền xây dựng ngôi trường Áo Tím khi xưa, nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Suốt từ đó tới nay, Đỗ Hữu Từ Đường là nơi thờ cúng và vào các ngày giỗ chạp, con cháu dòng họ Đỗ Hữu cả trong Nam, ngoài Bắc và người ở nước ngoài thường xuyên lui tới thăm viếng, thờ cúng. Như vậy, mặc dù Đỗ Hữu Từ Đường không phải là một di tích lịch sử văn hóa, nhưng với số tro cốt, mồ mả đang an táng trong đó cùng với những danh bia, gia phả, tháp, bài vị và nhiều hoành phi câu đối răn dạy con cháu trong dòng họ được bài trí từ cách nay cả trăm năm mà vẫn giữ được sự ngăn nắp, trang nghiêm, sạch sẽ… chứng tỏ nơi đây từ lâu đã nghiễm nhiên trở thành chốn tâm linh của cả một dòng họ; một sự thật không thể phủ nhận và không có bất cứ lý do gì để khẳng định khuôn viên Đỗ Hữu Từ Đường là "nhà vắng chủ" được.

Con cháu dòng họ Đỗ Hữu bên bia đá đặt trong khuôn viên Đỗ Hữu Từ Đường.

Tổ đình hay nhà vắng chủ?

Các đại diện trong dòng họ Đỗ Hữu cho biết, do con cháu đều ở xa, vả lại Đỗ Hữu Từ Đường từ lâu chỉ được những người trong dòng họ dùng làm nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà; cũng là muốn giữ sự tôn nghiêm, thanh tịnh nên không ai trong số cháu chắt dòng họ Đỗ Hữu - những người thừa kế hợp pháp ở lại hẳn tại đây.

Từ trước tới nay, cả dòng họ đã thống nhất thuê ông Đặng Bân làm thủ từ, hàng ngày coi sóc việc nhang khói. Ông Đặng Bân ở đây từ năm 10 tuổi cho tới lúc 98 tuổi vào năm 2002 thì ông Bân chết. Sau khi ông Bân chết, dòng tộc Đỗ Hữu đã tiếp tục trả tiền hàng tháng để thuê ông Trần Quốc Bá trông coi, nhang đèn tại Đỗ Hữu Từ Đường cho tới nay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, về tính pháp lý, khu đất thuộc khuôn viên Đỗ Hữu Từ Đường trước đây vốn rất rộng, được xác lập quyền sở hữu lần đầu tiên vào năm 1930. Suốt từ đó đến năm 1975, mặc dù còn trải qua nhiều lần chuyển giao, xác lập quyền sở hữu và thay đổi diện tích, nhưng Đỗ Hữu Từ Đường vẫn liên tục được duy trì.

Theo xác nhận từ Trung tâm Thông tin Tài nguyên - Môi trường thành phố, căn cứ vào Tờ lược giải số 5 ngày 26/5/1971 thì khu đất này thuộc quyền sở hữu của 10 đồng thừa kế của 4 nhánh như Đỗ Hữu Chẩn, Đỗ Hữu Thìn… Sau năm 1975, những đồng thừa kế này lần lượt xuất cảnh đi nước ngoài cũng như đi kiếm kế sinh nhai ở nhiều vùng quê trên cả nước nên việc duy trì viếng thăm tổ đình được giao cho những người ở lại tại TP HCM, cụ thể là ông Đỗ Hữu Khanh bởi phần tro cốt cha ông Khanh và một số chú bác ruột của ông vẫn đang đặt ở đó.

Đến năm 2000, trên bản đồ địa chính được lập cùng năm này và được các cơ quan chuyên môn của thành phố phê duyệt vẫn còn ghi rõ thửa đất thuộc khuôn viên Đỗ Hữu Từ Đường là "Đình".

Chính vì Đỗ Hữu Từ Đường là nơi quy tụ giá trị tâm linh của cả một dòng họ, nên hầu hết con cháu dòng tộc này đã ủy quyền cho những người đại diện theo đuổi việc khiếu nại quyết liệt tới các cấp chính quyền thành phố suốt những năm gần đây. Và đến ngày 30/7 vừa qua, sau khi tiếp nhận bàn giao mặt bằng, UBND phường 1, quận 3 đã đưa lực lượng dân phòng, Thanh tra xây dựng xuống khóa trái cửa Đỗ Hữu Từ Đường, không cho phép những người trong dòng họ được vào thắp nhang khói… thì nỗi bức xúc của con cháu dòng tộc Đỗ Hữu đã bị đẩy lên tới đỉnh điểm.

Điển hình là vào buổi sáng 5/8, một phụ nữ của dòng tộc Đỗ Hữu tới xin vào thắp nhang tổ tiên ông bà, bởi theo phong tục dân gian đây là ngày rằm thì bị một người mặc thường phục, tự xưng là người được UBND phường cử trông coi khuôn viên đất này ngăn cản không cho vào, đẩy ngã đến chảy máu tay. Hành động này khiến những người chứng kiến bất bình.

Việc UBND thành phố ra quyết định thu hồi khuôn viên Đỗ Hữu Từ Đường để dùng vào việc khác dường như chưa hề có tiền lệ tại thành phố cũng như các địa phương khác.

(còn nữa)

Nhóm PV điều tra
.
.
.