Một số ý kiến về dự thảo Bộ luật Thi hành án

Thứ Năm, 16/02/2006, 07:30

Vừa qua, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Dự án hỗ trợ thực hiện chính sách của Canada đã tổ chức hội thảo một số vấn đề về Bộ luật Thi hành án. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi xin tham gia một số ý kiến liên quan đến thuật ngữ Cảnh sát tư pháp (CSTP) và tổ chức hoạt động của lực lượng CSTP.

Cảnh sát tư pháp hay cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp?

Khái  niệm CSTP là một chức danh trong hoạt động điều tra được xác định trong pháp luật tố tụng hình sự một số nước như Pháp, Đức... cũng như trong văn bản pháp luật tố tụng hình sự của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những năm 1945-1959. Sau Hiến pháp năm 1959, các văn bản pháp luật tố tụng hình sự xác định chức danh của người có thẩm quyền điều tra chủ yếu là các chức danh cụ thể trong Lực lượng Công an.

Trong Bộ luật Tố tụng hình sự 1988, 2003 và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự (năm 1989, 2004) của nước ta xác định rõ các chức danh trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án bao gồm các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên... tư pháp, trong đó quy định chức danh điều tra viên được xác định ở các cơ quan điều tra của lực lượng Cảnh sát, cơ quan điều tra của lực lượng An ninh, cơ quan điều tra trong Quân đội, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát. Vì thế không tồn tại khái niệm về CSTP nữa.

Như vậy, việc xác định khái niệm CSTP mà lại chỉ quy định chức năng nhiệm vụ cho CSTP trong một số hoạt động hỗ trợ tư pháp hỗ trợ hoạt động xét xử, thi hành án (cả hình sự và dân sự) là chưa phù hợp. Nếu có ý tưởng về việc xây dựng một lực lượng cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ các trại giam và hỗ trợ hoạt động tư pháp thì theo chúng tôi nên dùng thuật ngữ Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp sẽ chính xác hơn là CSTP và phù hợp với Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị đã xác định: “... Xây dựng lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp chính quy, đáp ứng kịp thời cho hoạt động xét xử thi hành án...”.

Cảnh sát  hỗ trợ tư pháp  nên tổ chức như thế nào?

Hoạt động hỗ trợ tư pháp đã và đang là một bộ phận rất quan trọng trong công tác của Lực lượng Công an từ Trung ương đến địa phương phối hợp thực hiện, trong đó Lực lượng Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp là lực lượng nòng cốt. Hoạt động hỗ trợ tư pháp rất đa dạng như: bảo vệ các phiên tòa... bắt giữ, áp giải bị can bị cáo, người có quyết định thi hành án, dẫn giải người làm chứng, bảo vệ trại tạm giam, nhà tạm giữ, hỗ trợ thi hành án hình sự, dân sự, trực tiếp thi hành án tử hình, quản lý kho vật chứng...

Chỉ tính riêng công tác bảo vệ phiên tòa, dẫn giải bị can, bị cáo, từ năm 2000 đến 2005, Lực lượng Công an đã tham gia bảo vệ 36.577 phiên tòa, trong đó có 30.831 phiên tòa hình sự, 4.746 phiên tòa dân sự với hàng trăm ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ công an tham gia. Riêng xét xử vụ án Năm Cam và đồng phạm, Lực lượng Công an đã phải huy động 16.786 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia phục vụ bảo vệ phiên tòa; hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ công an các tỉnh giáp ranh TP.HCM phải ứng trực; sử dụng hàng chục ngàn lượt xe, phương tiện, công cụ hỗ trợ, máy dò mìn, cổng từ, hệ thống thông tin liên lạc.

Hoạt động bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thực chất là hoạt động phối hợp  chiến đấu; vừa phải trên cơ sở quy định của pháp luật, vừa phải sử dụng các biện pháp công tác nghiệp vụ, biện pháp vũ trang, cơ động, sử dụng phương tiện, vũ khí công cụ hỗ trợ, thông tin liên lạc hiện đại với cách thức tổ chức của lực lượng vũ trang. Hoạt động hỗ trợ tư pháp dựa chủ yếu vào Lực lượng Công an địa phương, có sự tham gia của nhiều đơn vị cảnh sát, an ninh, quân đội. Nếu tách lực lượng ra khỏi Lực lượng Công an thì Lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp sẽ rất đơn độc. Yêu cầu phối hợp giữa các ngành khác nhau không phải lúc nào cũng dễ dàng và thuận lợi.

Thực tế, nếu có thành lập lực lượng ở Bộ Tư pháp thì ngành Công an vẫn phải tổ chức một Lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp khác để đảm đương công tác bảo vệ các mục tiêu, công trình trọng điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa, bảo vệ các trại tạm giam Chính phủ giao cho ngành Công an trong Nghị định 106/CP và phục vụ các công tác hỗ trợ điều tra, truy tố của Công an và Viện Kiểm sát và hoạt động hỗ trợ tư pháp của các cơ quan Biên phòng, Kiểm lâm, Hải quan (là những cơ quan có chức năng tiến hành một số hoạt động điều tra).--PageBreak--

Do vậy, Lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Lực lượng Công an để bổ trợ cho các hoạt động tư pháp của các Lực lượng Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án và ngành Tư pháp là rất hợp lý, đỡ tốn kém, đảm bảo sự chỉ huy chỉ đạo thống nhất chuyên sâu phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Lực lượng Công an hơn 60 năm qua.

Cảnh sát hỗ trợ tư pháp có nên tham gia vào công tác thi hành án dân sự?

Thi hành án dân sự là hoạt động thuần túy dân sự, theo pháp luật hiện hành hiện nay đã có cả hệ thống cơ quan thi hành án dân sự và đội ngũ chấp hành viên có đủ quyền năng pháp lý để thực hiện việc thi hành án và tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự. Điều đó rất phù hợp với hành lang pháp lý nước ta, điều kiện thực tế và thông lệ quốc tế, luật pháp nhiều nước trên thế giới, thể hiện tính dân chủ và không nên lạm dụng áp lực vũ trang để cưỡng chế các quan hệ dân sự.

Nhìn lại lịch sử pháp lý cho thấy, để hỗ trợ các hoạt động xét xử và thi hành án ở Việt Nam trước đây cũng như trong tổ chức và hoạt động tư pháp của nhiều nước Âu - Mỹ, có chức danh “Thừa phát lại” (tiếng Pháp là Huissier de juetice) làm các nhiệm vụ: tống đạt các mệnh lệnh của tòa, triệu tập các bên đương sự để tổ chức thi hành các quyết định  tư pháp. “Thừa phát lại” có thể được giao một số công việc thu nợ theo ủy thác của thẩm phán, nơi nào không có hộ giá viên thì làm công tác bán đấu giá. Có thể nói việc thi hành án dân sự hoàn toàn do các cơ quan dân sự đảm nhiệm.

Trong Hội thảo tại TP.HCM từ ngày 16 - 18/1 vừa qua về một số vấn đề Dự án Bộ luật Thi hành án, các chuyên gia Canada tham dự hội thảo cũng khẳng định: “Không có CSTP tại Canada, Cảnh sát không có vai trò gì trong các vụ việc thi hành án dân sự”. Thế nhưng trong Dự thảo Bộ luật Thi hành án lại dự định giao cho CSTP nhiệm vụ: hỗ trợ việc kê biên quyền sử dụng đất, nhà cửa, công trình, trụ sở và các bất động sản khác; kê biên các tài sản thế chấp tài khóa tại ngân hàng; kê biên tài sản doanh nghiệp; kê biên cổ phần cổ phiếu; kê biên phong tỏa tài sản bị tranh chấp; xác minh tài sản thuộc sở hữu chung của nhiều người, tài sản của người phải thi hành án dân sự đang thụ hình, tài sản của người phải thi hành án dân sự không có nơi cư trú thường xuyên hoặc chưa tìm ra được chủ....

Nếu như vậy là đã giao cho CSTP làm thay chức năng chấp hành viên và cảnh sát hóa công tác thi hành án dân sự. Điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế và tiến trình cải cách tư pháp ở nước ta. Xin trao đổi để tham khảo

.
.
.