Một số quy định mới của Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

Thứ Sáu, 18/08/2017, 08:19
Tổng kết quá trình thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS năm 1999) cho thấy một số quy định tại Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, nhiều tội phạm mới phát sinh trên thực tế chưa được bổ sung hoặc tuy đã được bổ sung nhưng chưa đầy đủ, toàn diện nhất là tội phạm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thuế, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng…


Những hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển lành mạnh, bền vững của nền kinh tế cũng như công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Do vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) so với  BLHS năm 1999 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới quan trọng ở Chương này, tập trung vào 06 nội dung cơ bản như sau:

- Bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính đối với hầu hết các tội phạm ở chương này đều bổ sung quy định hình phạt tiền là hình phạt chính (33/48 tội danh), việc bổ sung quy định mở rộng áp dụng hình phạt tiền như vậy để phù hợp với Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2-6-2015 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

- Bỏ 4 tội phạm quy định trong BLHS năm 1999, đó là tội kinh doanh trái phép (Điều 159); tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167); tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điều 170); tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung điều lệ của tổ chức tín dụng (Điều 178). Việc bỏ các tội phạm trên đảm bảo tính công khai minh bạch của Bộ luật, tránh tùy tiện trong việc áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự để xử lý tội phạm, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

- Bổ sung một số tội phạm mới để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, theo đó, BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm 16 tội danh, chủ yếu tội phạm liên quan đến lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm cụ thể là: tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Điều 206); tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212); tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215); tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216); tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a) trên cơ sở cụ thể hóa tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159 của BLHS năm 1999; đồng thời BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999 bằng 09 tội danh mới bao gồm: tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Điều 217); tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218); tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); tội vi phạm qui định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224); tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230).

- Tách một số điều luật quy định tội phạm ghép thành các điều luật quy định tội phạm độc lập, thực tiễn thi hành BLHS năm 1999 thấy rằng, việc quy định một số tội phạm ghép thuộc Chương các tội xâm phạm quản lý kinh tế là chưa phù hợp không đảm bảo được việc phân hóa trách nhiệm hình sự giữa các hành vi phạm tội, theo đó, BLHS năm 2015 đã tách tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm (Điều 155 BLHS năm 1999) thành tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190 BLHS năm 2015) và tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191 BLHS năm 2015); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157 BLHS năm 1999) thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193 BLHS năm 2015) và tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194 BLHS năm 2015); tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 190 BLHS năm 1999) thành tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234 BLHS năm 2015) và tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244 BLHS năm 2015 - thuộc chương các tội phạm về môi trường).

- Quy định các tình tiết định tính sang định lượng cụ thể đó là “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”, gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Việc quy định cụ thể các tình tiết nêu trên để bảo đảm tính minh bạch rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất pháp luật trên thực tế.

- Bổ sung quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại đối với 22 tội danh trên tổng số 48 tội danh của Chương này. Việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại về tội phạm kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quá trình hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay.

Trung tướng, GS,TS. Nguyễn Ngọc Anh - Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an
.
.
.