Một gia đình liệt sĩ mỏi mòn chờ thi hành bản án đã có hiệu lực từ 9 năm trước

Thứ Năm, 14/11/2013, 13:16
Trong đơn gửi đến Báo CAND, bà Mãng bày tỏ tâm trạng bức xúc: “Bản thân tôi là con liệt sĩ (liệt sĩ Nguyễn Văn Ngựa, là đảng viên, hy sinh ngày 15/10/1968 - PV). Tôi nhận thấy rằng, cơ quan THA dân sự huyện Giồng Trôm đã không làm hết trách nhiệm của mình, không thực hiện đúng theo bản án đã có hiệu lực pháp luật”.

Trong văn bản trả lời PV Báo CAND vào ngày 30/10 vừa qua, ông Nguyễn Văn Tu - Cục trưởng Cục Thi hành án (THA) dân sự tỉnh Bến Tre bất ngờ giải thích nguyên nhân khiến bản án phúc thẩm số 122/DSPT ngày 31/12/2004 của TAND tỉnh Bến Tre chậm được thi hành là do… chờ ý kiến hồi đáp của trên xem xét lại tính đúng đắn của bản án này (?). Lần giở lại hồ sơ, chúng tôi càng bất ngờ hơn khi thấy liên quan đến vụ việc này, có khá nhiều ý kiến (trong đó có ý kiến của Tổng cục trưởng THA dân sự Bộ Tư pháp) chỉ đạo hoặc yêu cầu Cơ quan THA thi hành nghiêm túc bản án đã có hiệu lực theo pháp luật. Thế nhưng, cơ quan THA địa phương đã liên tiếp phớt lờ; gây thiệt hại và bức xúc cho bên được THA là gia đình liệt sĩ.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 122/DSPT ngày 31/12/2004, TAND tỉnh Bến Tre tuyên y án sơ thẩm, bác kháng cáo và buộc bà Châu Thị Yến và ông Châu Văn Nhiên (tạm gọi là phía bà Yến) phải di dời nhà tạm, trả lại cho bà Nguyễn Thị Mãng (SN 1955, hiện ngụ tại 115B1, Khu phố 1, phường 8, TP Bến Tre, Bến Tre - PV) 3.032m2 đất tọa lạc ấp 3, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) và bà Mãng phải có nghĩa vụ trả lại số tiền 40.370.000 đồng hoa lợi trên đất mà phía bà Yến đang canh tác.

Sau khi án có hiệu lực, do phía bà Yến không tự nguyện THA nên ngày 4/3/2005, cơ quan THA dân sự huyện Giồng Trôm đã ban hành quyết định THA số 267; sau đó, tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, phía bà Yến cho nhiều người cản trở lực lượng thi hành nhiệm vụ nên việc cưỡng chế bất thành. Cơ quan THA huyện tiếp tục ra quyết định cưỡng chế THA lần 2 nhưng ngày 11/6/2007 - một ngày trước khi diễn ra việc cưỡng chế, lãnh đạo THA huyện nói do “có ý kiến của cấp trên” nên phải ngưng việc cưỡng chế. Và đến 8/12/2008, phía THA thông báo cưỡng chế lần 3 nhưng vào giờ chót, việc cưỡng chế lại tạm hoãn.

Không nhận được tài sản từ phía phải THA theo như nội dung tòa đã tuyên, bà Mãng bức xúc đã gửi đơn đến nhiều cơ quan địa phương và TW “kêu cứu”.

Trong đơn gửi đến Báo CAND, bà Mãng bày tỏ tâm trạng bức xúc: “Bản thân tôi là con liệt sĩ (liệt sĩ Nguyễn Văn Ngựa, là đảng viên, hy sinh ngày 15/10/1968 - PV). Tôi nhận thấy rằng, cơ quan THA dân sự huyện Giồng Trôm đã không làm hết trách nhiệm của mình, không thực hiện đúng theo bản án đã có hiệu lực pháp luật”.

Bà Mãng hiện vẫn chưa thể nhận được tài sản theo nội dung bản án 122 ngày 31/12/2004 mà TAND tỉnh Bến Tre đã tuyên.

Đối với những cơ quan nhận được đơn của bà Mãng (trong đó có Văn phòng Chủ tịch nước, Tổng cục THA dân sự - Bộ Tư pháp, Văn phòng UBND Tỉnh Bến Tre, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bến tre,…), hầu hết đều có văn bản yêu cầu Cục trưởng THA dân sự tỉnh Bến Tre chỉ đạo THA dân sự huyện Giồng Trôm có biện pháp tổ chức thi hành bản án 122/DSPT ngày 31/12/2004 theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, phía THA dân sự tỉnh Bến Tre cứ thể hiện thái độ chần chừ, thiếu nghiêm túc và cương quyết; khiến cho nhiều cơ quan tốn khá nhiều thời gian, giấy mực.

Trong một văn bản có liên quan, ông Nguyễn Hữu Phước – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, sau phiếu chuyển đơn đề ngày 17/7/2008 của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, đến ngày 22/8/2008, Đoàn ĐBQH tỉnh có văn bản đề nghị THA dân sự Giồng Trôm có báo cáo cụ thể về quá trình thụ lý, tổ chức thi hành bản án; đồng thời yêu cơ quan này sớm tổ chức thi hành bản án 122… Đoàn ĐBQH sau đó nhận được văn bản phản hồi từ cơ quan THA dân sự huyện và tỉnh, cho biết sẽ tiếp tục tổ chức cưỡng chế thi hành bản án nói trên nhưng đến cuối năm 2008, bản án vẫn chưa được thi hành. Bà Mãng tiếp tục có đơn và Đoàn ĐBQH vào ngày 10/12/2008, tiếp tục có kiến nghị đề nghị thi hành bản án. 

Đến ngày 20/7/2009, THA dân sự tỉnh bất ngờ có văn bản 468/KN-THA kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH tỉnh có văn bản… kiến nghị Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao xem xét giám đốc thẩm lại vụ án(?). Do xét thấy bản án 122 đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (quy định chỉ 3 năm kể từ khi bản án của tòa có hiệu lực pháp luật), với lại hồ sơ hiện có của vụ án cũng không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm nên Đoàn ĐBQH tỉnh không kiến nghị xem xét lại bản án nêu trên. Bà Mãng lại tiếp tục đến Đoàn ĐBQH tỉnh yêu cầu đôn đốc, giám sát việc thi hành bản án 122. Và căn cứ vào Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, ngày 16/12/2010, Đoàn ĐBQH tiếp tục có văn bản đề nghị Chi cục THA dân sự huyện Giồng Trôm sớm tổ chức thi hành bản án 122… Thế nhưng, vụ việc vẫn giẫm chân tại chỗ.

Càng lạ lùng hơn, với góc độ ngành dọc, Tổng cục THA dân sự - Bộ Tư pháp cũng đã rất nhiều lần có văn bản chỉ đạo, song chuyện không hề… tiến triển.

Vào ngày cuối tháng 10/2013 vừa qua, trong văn bản trả lời thắc mắc của PV Báo CAND, ông Nguyễn Văn Tu – Cục trưởng THA dân sự tỉnh Bến Tre bất ngờ cho biết: Việc án khó khăn vướng mắc chưa thể thi hành do… cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của xã Bình Hòa và một bộ phận nhân dân sinh sống quanh vùng đất giao trả chưa nhất trí cao với nội dung bản án. Nếu tổ chức THA sẽ gây dư luận không tốt trong nhân dân và ảnh hưởng tình hình trật tự, an toàn xã hội tại đia phương (?). 

Trong văn bản này, lãnh đạo Cục THA dân sự tỉnh Bến Tre còn cho rằng “để có hướng giải quyết tiếp tục vụ án này cần thiết phải có ý kiến hồi đáp của TAND tối cao về tính đúng đắn của bản án 122” bởi TAND tối cao vào ngày 7/12/2012 hồi đáp đã nhận được văn bản kiến nghị lãnh đạo tỉnh và thông báo sẽ xem xét lại vụ án.

Điều này cũng có nghĩa là bà Mãng và gia đình sẽ tiếp tục chờ dù đã chờ 9 năm qua. Còn chờ đến khi nào – tính tới thời điểm này, chưa ai trả lời được. 

Cũng cần kể thêm, chiều 8/11, khi thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng được cơ quan chức năng cung cấp thêm tài liệu về phía bà Yến. Đó là sau khi nhận được bản án 122, phía bà Yến đã có đơn khiếu nại đến TAND tối cao. Tuy nhiên, trong Công văn phúc đáp đề ngày 25/5/2005, TAND tối cao cho biết sau khi xem xét đơn và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, xét thấy không có cơ sở để chấp nhận các yêu cầu của bà Yến

Binh Huyền
.
.
.