Một cán bộ Công an hưu trí bỗng dưng mất Đảng tịch

Thứ Hai, 20/07/2015, 09:27
Liên tục nhiều năm qua, ông Chớm đã “gõ cửa” nhiều cơ quan chức năng, hỏi hồ sơ chuyển sinh hoạt Đảng của mình, đồng thời xin tiếp tục được sinh hoạt Đảng nhưng ông chưa bao giờ được toại nguyện.

Năm nay, ông Nguyễn Văn Chớm (Ba Chớm) bước vào tuổi 72. Nhà ông hiện thuộc ấp Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp). Ông kể, ông tham gia cách mạng năm 17 tuổi. Sau ngày đất nước thống nhất, ông được chuyển sang làm cán bộ Công an huyện Hồng Ngự rồi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 1982, Ba Chớm được điều động đến Tân Hộ Cơ phụ trách trại chăn nuôi của Công an huyện Hồng Ngự.

Đến ngày 15/10/1989, ông Ba Chớm được Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp ký Quyết định cho nghỉ hưu (theo chế độ tuổi quân, quy đổi được 41 năm 8 tháng). Khi Hồng Ngự tách phần giáp đất bạn Campuchia, lập thành huyện mới Tân Hồng. Ông được Công an huyện mới này hợp đồng quản lý rừng phòng hộ; được chấp thuận cho sinh hoạt Đảng tại Chi bộ văn phòng Công an huyện Tân Hồng.

“Thời đó đường đi lại khó khăn lắm. Mỗi lần tới họp lệ kỳ, tôi phải đón đò đi trước 1 ngày mới có thể dự họp đúng giờ. Nhưng tới năm 1991, tôi bỗng dưng được thông báo không tiếp tục sinh hoạt vì không có giấy chuyển sinh hoạt Đảng từ Hồng Ngự về Tân Hồng” – ông Chớm nhớ lại.

Ông Nguyễn Văn Chớm với chiếc thẻ đảng được ông trân trọng cất giữ gần 40 năm qua.

Liên tục nhiều năm qua, ông Chớm đã “gõ cửa” nhiều cơ quan chức năng, hỏi hồ sơ chuyển sinh hoạt Đảng của mình, đồng thời xin tiếp tục được sinh hoạt Đảng nhưng ông chưa bao giờ được toại nguyện. Trong Báo cáo số 17/BC/BTCTU ngày 15/10/2010, lãnh đạo Ban Tổ chức Thị ủy Hồng Ngự (năm 2008, Hồng Ngự tiếp tục tục chia tách thành 2 đơn vị gồm thị xã Hồng Ngự và huyện Hồng Ngự - PV) cho biết “đã chuyển hồ sơ Đảng cho ông Chớm”, song không nói rõ chuyển bằng cách nào. 

Ông Trần Văn Hên, nguyên cán bộ Hồ sơ - Thẻ đảng Ban Tổ chức Huyện ủy, Thị ủy Hồng Ngự cho biết thêm, trong sổ theo dõi chuyển hồ sơ đảng viên có thể hiện hồ sơ của ông Chớm đã được chuyển vào ngày 12/4/1991, nhưng ai nhận và chuyển cho ai, theo đường nào… thì không được thể hiện.

Trước đó, ngày 8/1/2009, tại buổi làm việc với Ban Tổ chức Huyện ủy Tân Hồng, lãnh đạo Ban Tổ chức Thị ủy Hồng Ngự nhận định: "Do thời gian quá lâu và cơ quan Ban Tổ chức Huyện ủy chuyển địa điểm nhiều nơi nên có khả năng hồ sơ bị thất lạc". Từ nhận định này, lãnh đạo hai đơn vị thống nhất đề xuất giải quyết Đảng tịch cho ông Chớm.

Thế nhưng, đến ngày 19/5/2009, một lãnh đạo Huyện ủy Tân Hồng đã ký Công văn 1020-CV/HU gửi Thị ủy Hồng Ngự: "Trong danh sách và hồ sơ đảng viên mà Huyện ủy Hồng Ngự bàn giao khi chia tách huyện (1989) không có tên ông Chớm nên Huyện ủy Tân Hồng không có cơ sở giải quyết. Vì vậy chuyển toàn bộ thủ tục có liên quan đến Thị ủy Hồng Ngự xem xét".

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó trưởng Phòng Tổ chức Đảng - đảng viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, qua xác minh, hồ sơ chuyển sinh hoạt Đảng của ông Chớm đã được Huyện ủy Hồng Ngự chuyển đi nhưng không chứng minh được ai mang hồ sơ đi. Huyện ủy Tân Hồng cũng chưa xác định được việc có nhận hồ sơ của ông Chớm hay không, nên Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng chưa chọn cách xử lý nào cho phù hợp.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Chớm cho biết, khi nhận quyết định nghỉ hưu, ông đã nhiều lần liên lạc với Huyện ủy và Công an Hồng Ngự về hồ sơ đảng viên. Nơi đây bảo chờ hỏi lại để chuyển sau. Vì tin tưởng và chấp hành tổ chức nên ông không làm đơn, không khiếu nại gì.

"Tuổi già rồi, tôi xin được hồi phục Đảng tịch, được sinh hoạt trở lại không phải vì danh lợi mà để lương tâm không bị day dứt, để cho con cháu biết mình khi tham gia kháng chiến đã cống hiến và được Đảng kết nạp để noi gương theo. Mình là sĩ quan Công an nhân dân, mình yêu ngành, yêu Đảng. Bao nhiêu năm rồi, dù đã nghỉ hưu, không được sinh hoạt Đảng, nhưng tôi vẫn sống chuẩn mực, giữ gìn phẩm chất của người đảng viên” - ông Chớm bộc bạch.

Cho tôi xem thẻ Đảng mà ông được cấp từ lâu ông Chớm cho biết đấy là kỷ vật mà ông luôn trân trọng, gìn giữ …

Đại tá Lê Quang - nguyên Trưởng Công an Hồng Ngự, từng có thời gian là thủ trưởng trực tiếp của ông Chớm, cho biết: “Tôi nhớ, khi nghỉ hưu, gia cảnh của anh Chớm rất khó khăn, phải làm nhiều thứ nghề để nuôi vợ và 5 người con. Phải hiểu được hoàn cảnh đó xem xét, giải quyết vấn đề của anh Chớm một cách thấu tình, đạt lý”.

Thái Bình
.
.
.