Lộn xộn chợ đêm di động

Thứ Sáu, 04/01/2008, 09:23
Trên đường Nguyễn Chí Thanh hay Chùa Bộc hàng hóa bày bán từ quần áo, dày dép, sách vở đến đồ lưu niệm… Khách hàng chủ yếu là sinh viên. Xe cộ của khách thì để la liệt trên vỉa hè. Thậm chí, nhiều người để luôn xe dưới lòng đường.

19h trên đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội bỗng trở nên nhộn nhịp và tấp nập bởi các quán hàng ăn uống được mở ra. Tiếng mời chào, níu kéo khách hàng, những tiếng chúc tụng nhau giữa các bàn tại quán vỉa hè ầm ĩ.

Những dụng cụ như xoong, chảo, dầu mỡ, những thực phẩm chế biến được để ngổn ngang trên vỉa hè. Những chiếc biển quảng cáo luôn sáng rực, nào ốc luộc, chân gà nướng, nem chua rán… Và khi đi qua đây người ta ngỡ tưởng rằng vỉa hè đang trở thành phố ẩm thực mà ít ai nghĩ rằng đó là cổng trước của trường Đại học Thương mại. 

Cũng nhộn nhịp không kém là các cửa hàng vỉa hè bán thú bông, hàng nước tại đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy. Chỉ kéo dài khoảng 1km nhưng những cửa hàng bán thú bông thi nhau mọc lên. Chỉ cần một cái bạt dải xuống dưới vỉa hè để cho những con thú bông không bị bẩn, mắc bóng điện sáng và như thế là đã được một gian hàng.

Hiện tại, trên địa bàn phường Dịch Vọng Hậu có 1.200 sinh viên, trong khi đó số dân tại phường chỉ có 1.800. Với số lượng sinh viên cư trú tại địa bàn phường đông như vậy nên những nhu cầu mua sắm tiêu thụ hàng hóa cũng tăng cao.

Mặc dù, Công an phường Dịch Vọng Hậu đã phối hợp với UBND phường, UBND quận Cầu Giấy để kiến nghị xây dựng chợ đêm cho sinh viên và dồn những người buôn bán hàng trên vỉa hè vào bán ở trong chợ, nhưng do nhu cầu quá lớn, nên tình trạng bán hàng trên vỉa hè tại địa bàn vẫn tồn tại.

Không giống như các mặt hàng bày bán tại đường Xuân Thủy, trên đường Nguyễn Chí Thanh, đường Chùa Bộc lại bày bán các mặt hàng phong phú hơn rất nhiều từ  quần áo, dày dép, sách vở, tranh ảnh đến đồ lưu niệm…

Khách hàng đến mua chủ yếu là sinh viên. Xe cộ của khách thì được để la liệt trên vỉa hè. Thậm chí, nhiều người tiện thể để luôn xe xuống dưới lòng đường. Người đi bộ chỉ còn lựa chọn là đi xuống dưới lòng đường hoặc phải lạng lách qua các loại hàng hóa xếp đầy vỉa hè.          

Theo Trung tá Hoàng Hữu Hoành, Phó trưởng Công an phường Dịch Vọng Hậu cho biết: Những điểm bán hàng này chủ yếu diễn ra vào buổi tối và thường tập trung chủ yếu tại cổng các trường Đại học.

Không thể phủ nhận những lợi ích mà những chợ vỉa hè di động mang lại, như tăng thêm thu nhập cho một bộ phận không nhỏ những người buôn bán, mà chủ yếu họ là những người lao động ngoại tỉnh có thu nhập không cao và thuận tiện cho sinh viên mua hàng hóa, nhưng mặt khác nó lại nảy sinh ra những vấn đề bất cập.

Mặc dù không xảy ra những vụ việc nghiêm trọng do việc buôn bán trên vỉa hè gây ra, nhưng ít nhiều nó cũng tạo cơ hội cho kẻ gian trộm cắp đồ như điện thoại di động, tiền mặt... Hơn nữa, nhiều khách hàng khi đi mua đồ, để xe dưới lòng đường làm cản trở giao thông và phần đường dành cho người đi bộ.

Cũng theo Trung tá Hoành, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xử lý các điểm bán hàng tại vỉa hè buổi tối chưa thực sự triệt để, là do chưa có một lực lượng chuyên trách về việc quản lý vỉa hè. Hiện tại thì tổ trật tự của Công an phường là những người đảm nhiệm vai trò này, trong khi đó lực lượng tại Công an của các phường còn quá mỏng.

UBND thành phố vừa lấy ý kiến của các ngành về dự thảo quy định cấm bán hàng rong, hàng ăn uống trên hè phố. Loại hình dịch vụ này được phép hoạt động trong ngõ, phố không tên.

Nếu dự thảo này được ban hành thì quy định này sẽ tác động trực tiếp đến một bộ phận không nhỏ người có thu nhập thấp và những chợ đêm di động kiểu như thế này sẽ phải ngừng hoạt động. Có như vậy mới giữ được cảnh quan văn minh và sạch đẹp của thành phố

Bích Huệ
.
.
.