Thông tin thêm về vụ cho phép thu hẹp lòng sông Đồng Nai để làm dự án bất động sản:

Lợi nhuận khủng vào túi chủ đầu tư

Thứ Bảy, 21/03/2015, 08:44
Đã nhiều ngày sau khi dư luận bức xúc lên tiếng trước thực trạng UBND tỉnh Đồng Nai cho phép một DN được lấn đất hành lang bảo vệ sông; đồng thời tiến hành san lấp, thu hẹp dòng chảy của sông Đồng Nai để làm dự án BĐS cao cấp, đến ngày 20/3 chính quyền tỉnh Đồng Nai vẫn hầu như “bế quan tỏa cảng” mọi thông tin về vấn đề này khi chưa có bất kỳ trả lời hay lý giải nào chính thức được đưa ra.
Ngay trong thông tin được chủ đầu tư dự án là Công ty CP đầu tư – kiến trúc – xây dựng Toàn Thịnh Phát đưa ra đã cho thấy kiểu làm dự án “đầu voi, đuôi chuột” khi tổng số tiền đầu tư cho dự án là một con số rất khủng, lên tới 2.200 tỷ đồng.

Nhưng theo một số đại diện giới chủ dự án bất động sản ở TP Hồ Chí Minh, thì nếu thực sự có số vốn cực lớn như vậy, sẽ không ai dại gì chia nhỏ dự án làm nhiều giai đoạn để kéo dài thời gian làm dự án lên tới 9 năm trời, vì càng kéo dài, lợi nhuận càng giảm. Xét về thực lực, trong giai đoạn 1 kéo dài từ năm 2013 - 2016, kinh phí đầu tư là 416 tỉ đồng, số tiền này sử dụng vào việc lập thủ tục đầu tư, xây dựng hạ tầng, cải tạo cảnh quan môi trường, làm hạ tầng… nhưng thực tế chủ dự án chỉ phải bỏ ra chừng 110 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, tái định cư cho một số hộ dân có đất trong chỉ giới xây dựng đường nội bộ kết nối dự án với đường Cách Mạng Tháng Tám hiện hữu để nhằm mục đích huy động vốn từ việc bán nhà.

Để có vốn làm dự án, chủ đầu tư giở chiêu thực hiện trước với khu nhà phố thương mại để bán, thu tiền mặt. Điều này được nhiều người dân xung quanh dự án khẳng định khi chủ đầu tư đã tiến hành rao bán dãy nhà phố trong dự án với giá khoảng 8 tỉ đồng mỗi căn.

San lấp, thu hẹp lòng sông Đồng Nai chỉ để làm dự án BĐS.

Do đó việc dư luận cho rằng chủ đầu tư đang kinh doanh theo kiểu “mượn đầu heo nấu cháo” không phải không có cơ sở. Ở 2 giai đoạn tiếp theo cũng vậy, tuy chỉ có mức đầu tư 800 tỉ đồng mỗi giai đoạn để phát triển khu thương mại, văn phòng, trung tâm mua sắm và để làm cao ốc văn phòng, khách sạn, khu dân cư… nhưng mỗi giai đoạn cũng sẽ kéo dài tới 3 năm.

Có mặt bằng trống, lại sẵn giấy phép và quy hoạch chi tiết 1/500, nếu đã có sẵn tiền, việc thi công chỉ kéo dài chừng hơn 1 năm là hoàn tất. Do đó mục đích của việc làm từ từ này không gì khác hơn là chờ tiền, kiểu vừa làm vừa kiếm khách bán, chuyển nhượng để huy động vốn đầu tư.  

Ngoài việc tỉnh Đồng Nai vượt thẩm quyền của các cơ quan Trung ương khi tự cho phép chủ đầu tư được miễn phần diện tích 20% quỹ đất dành để làm nhà ở xã hội trong dự án. Trong 15ha quy hoạch dự án chỉnh trang đô thị dọc sông Đồng Nai, chủ đầu tư được chọn hơn phân nửa, chủ yếu là đất mặt tiền sông Đồng Nai.

Hơn thế, trong phần diện tích 8,4ha làm dự án, có đến 7,72ha là diện tích đất lấn sông. Nên ngoài số tiền đền bù rất thấp, khoản tiền sử dụng đất và mặt nước chủ dự án nộp về cho tỉnh Đồng Nai chắc chắc sẽ không lớn bằng việc làm dự án trên các loại đất khác. DN chỉ cần mua đất đá, xà bần đổ xuống hành lang bảo vệ và lấp lòng sông đã có ngay mặt bằng làm dự án.

Sau đó rao bán ra với cái giá cao cấp ở một đô thị sầm uất như TP Biên Hòa, không thể nói sẽ không thu lãi khủng. 20m đất trong hành lang bảo vệ sông Đồng Nai ở khu vực này đã được xác định từ lâu và suốt những năm qua người dân không được phép xây cất.

Nhưng nay, chính quyền tỉnh Đồng Nai vượt quyền, ưu ái cho phép DN đầu tư dự án được xây dựng khiến người dân trong khu vực dự án bức xúc. Đây chính là vấn đề đang cần tỉnh Đồng Nai có câu trả lời thỏa đáng, rõ ràng trước dư luận.

Đ.Thắng
.
.
.