Lơ lửng những mối họa cần cẩu trục

Thứ Ba, 06/07/2010, 09:31
Vụ TNLĐ nghiêm trọng (ngày 2/7) làm 3 người chết và 2 người bị thương trong khi tháo dỡ cần cẩu tháp có tải trọng nâng 7,6 tấn tại tòa nhà cao tầng ở 14 đường Tam Trinh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), thêm một lần làm dấy lên sự lo lắng về độ an toàn của các loại cần cẩu trục đang có mặt ở hầu hết các công trình xây dựng nhà cao tầng.

Dù cần cẩu tháp là một trong 24 loại thiết bị nằm trong danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo qui định của Bộ LĐ-TB&XH, cần phải được kiểm định, giám sát chặt nhưng dường như hoạt động của các đơn vị sử dụng cần cẩu tháp đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, đặc biệt là các Sở LĐ-TB&XH.

Ngày 5/7, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã có báo cáo nhanh gửi Bộ LĐ-TB&XH về tình trạng và nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn nghiêm trọng trên để Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội thì trong vòng 2 năm trở lại đây đã có nhiều tai nạn từ sử dụng các loại cần cẩu, vận thăng, đặc biệt là cần cẩu tháp tại các công trình xây dựng nhưng để xảy ra tai nạn chết người thì đây là lần đầu tiên.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, Hà Nội đã thành lập Đoàn kiểm tra gồm: Thanh tra lao động, Công an thành phố, Liên đoàn lao động và Sở Y tế Hà Nội đã tới hiện trường, khám nghiệm tử thi và đưa các nạn nhân về quê mai táng. Để xảy ra tai nạn thương tâm này, Đoàn thanh kiểm tra đang hướng đến trách nhiệm của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại C-K, địa chỉ ở 61 Dốc Lã, Yên Thường, Gia Lâm, công ty đã hợp đồng với Công ty Vinaconex 3 trong việc tháo dỡ và vận chuyển cần cẩu tháp từ công trình 14 Tam Trinh về Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nội).

Cần cẩu tháp này được sản xuất tại Đan Mạch, tải trọng nâng là 7,6 tấn, còn toàn bộ tải trọng của cần cẩu lên tới hàng trăm tấn. Trong quá trình tháo dỡ, toàn bộ dàn cần cẩu tháp bị gãy và rơi xuống.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Vũ Như Văn, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Các loại cần cẩu, trong đó có cần cẩu tháp trước khi đưa vào sử dụng phải được giám định tại các trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn. Hiện cả nước có 10 trung tâm thực hiện chức năng này thuộc Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNN, Bộ Công thương, Bộ LĐ-TB&XH…

Sau khi được giám định, các đơn vị sử dụng cần cẩu phải gửi hồ sơ, kết quả kiểm định về Sở LĐ-TB&XH các địa phương để đăng ky,á đồng thời thông báo bằng văn bản với Thanh tra lao động thuộc các Sở LĐ-TB&XH nơi cơ sở sử dụng các loại máy, thiết bị tại một địa điểm cụ thể, trong một thời gian nhất định. 

Tuy nhiên trên thực tế, việc quản lý và giám sát việc sử dụng loại thiết bị đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động này đang là bài toán đối với các địa phương. Ngay ở một địa bàn lớn như Thủ đô Hà Nội, cán bộ làm công tác về an toàn lao động cũng chỉ có 12 người.

Ông Bạch Quốc Việt tâm sự: Với địa bàn rộng trên 3.000km2, với gần 6 triệu dân mà lực lượngThanh tra lao động quá mỏng, việc kiểm tra an toàn lao động cũng chỉ phấn đấu thực hiện ở khoảng 100 doanh nghiệp trong tổng số 86.000 doanh nghiệp trên địa bàn.

Ông Việt cũng cho biết: Về việc giám sát các loại cần cẩu, đặc biệt là cần cẩu tháp, trước đây Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các đơn vị sử dụng phải được Sở LĐ-TB&XH cấp giấy chứng nhận thì việc thực hiện đăng ký của các doanh nghiệp rất cao, mỗi năm Sở cấp khoảng 5.000-6.000 giấy chứng nhận đăng ký nhưng từ khi thực hiện theo Thông tư 04/2008-Bộ LĐ-TB&XH thì mỗi năm chỉ có từ 200 - 500 đơn vị đăng ký. Còn giờ thủ tục cấp giấy chứng nhận thực chất không còn bắt buộc, có nhiều đơn vị hoạt động, sử dụng cần cẩu tháp không đăng ký với Sở.

Toàn bộ qui trình kiểm định, giám sát về an toàn kỹ thuật đều được qui đình rõ ràng. Khi vận hành, sử dụng, tháo dỡ và lắp đặt cũng có những qui định đối với người thực hiện. Riêng về cần cẩu tháp những người lái cẩu, xi nhan cẩu, lắp ráp cẩu phải được học tập an toàn, thợ lái cẩu phải có chứng chỉ lái cẩu do các trường dạy nghề cấp.

Những người làm cùng phải được đơn vị sử dụng huấn luyện và phải gửi danh sách về các Sở LĐ-TB&XH. Việc tháo dỡ, lắp đặt cần cẩu tháp phải có các kỹ thuật, chuyên gia về lĩnh vực này theo dõi, phải có kỹ sư về thiết bị nâng.

Điều này có được doanh nghiệp sử dụng thực hiện đúng hay không và trình độ của các kỹ sư và công nhân thi công có thực chất hay không, đang cần được các Bộ, ngành liên quan thắt chặt và bổ sung lực lượng để quản lý, hạn chế những tai nạn đáng tiếc như vừa xảy ra ở Hà Nội.

Một số vụ tai nạn có liên quan đến cần cẩu ở Hà Nội

 

1. Ngày 22/3/2010, tại tòa nhà 9 tầng đang thi công trên tuyến phố Thái Hà đã xảy ra một vụ tai nạn hy hữu. Khi đang hoạt động, bỗng trục cẩu khổng lồ có chiều cao hơn 20m đảm nhận việc vận chuyển vật liệu xây dựng cho công trình gẫy sập xuống. Rất may cho người dân lưu thông dưới đường là cần cẩu này sau khi gẫy sập đã đè lên ngôi nhà cao tầng kế bên.

 

2. Ngày 13/4/2005, tại công trường xây dựng chung cư 21 tầng Nam Đại Cồ Việt (Hà Nội) một mũi khoan dài 30 mét nặng gần 1 tấn đã lao từ trên cao xuống đất trúng vào cửa hàng bán tạp hóa. Hậu quả là một người đàn ông ở ngõ 16 Tạ Quang Bửu phải tử vong tại chỗ. Còn người vợ của người đàn ông xấu số trên bị thương. Nguyên nhân khiến mũi khoan rơi được xác định là do cần cẩu bị đứt dây cáp…                                             

Trần Huy - Thạch Anh

Thu Uyên
.
.
.