Lén sử dụng hóc môn tăng trưởng trong chăn nuôi

Thứ Sáu, 17/11/2006, 09:25
Viện KHKT nông nghiệp miền Nam phát hiện có 47/428 mẫu thức ăn công nghiệp có dương tính với bêta-Argonist (một loại hóc môn tăng trưởng bị cấm). Trong đó, phần lớn các mẫu dương tính là thức ăn công nghiệp cho heo, chỉ có 3,5% là thức ăn công nghiệp cho gà.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - Phó Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh cho biết, các chất hóc môn tăng trưởng có tác động dẫn truyền trực tiếp vào hệ thần kinh làm giãn các sợi thần kinh.

Đặc tính này đã được các dược sĩ chế làm thuốc để điều trị bệnh phổi cho bệnh nhân, nhưng sau một thời gian sử dụng lâu dài, những tác dụng phụ đáng sợ của nó khiến chính phủ một số nước châu Âu năm 1997 đã cấm sử dụng bêta - Agonist trong việc sử dụng kê toa cho bệnh nhân.

Dược sĩ chê - doanh nghiệp hứng

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ (FDA) đã cảnh báo rằng, bệnh nhân sử dụng thuốc có bêta - Agonist lâu dài chữa bệnh phổi có nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản. Các triệu chứng gây ra được ghi nhận khi ăn phải lượng chất này vượt mức cho phép sẽ bị: đau cơ, rung cơ, nhịp tim nhanh, đau đầu kéo dài.

Tháng 10/2005, FDA đã cảnh báo việc sử dụng bêta- Agonist lâu dài trên thực tế đã dẫn tới vài trường hợp tử vong. Nhưng những hoạt chất bêta-Agonist khi vào cơ thể lại tạo nên sự tái sắp xếp sự chuyển hóa bên trong, hình thành việc giảm mỡ, tăng khối cơ bắp cho cơ thể.

Chính phát hiện này đã được các nhà chăn nuôi tận dụng một cách tối đa, hữu ích và được xem như một giải pháp có để tăng năng suất gia súc với lợi ích rõ rệt: heo lớn nhanh hơn, mông vai nở hơn và có hình dáng đẹp hơn, tỉ lệ cho thịt nạc cũng cao hơn và màu sắc thịt đỏ hơn mà bỏ qua tác hại lâu dài trên cơ thể con người.

Phân tích khoa học cho thấy bêta-Agonist có thể tồn tại trong nước tiểu của động vật nuôi sau 5 ngày ngưng cấp thuốc, trong gan, thận tới 25-30 ngày và đặc biệt là trong võng mạc của mắt là 140 ngày sau khi ngưng thuốc.

Vẫn chưa có chế tài hữu hiệu

Do nguy hiểm là vậy, nên theo tiêu chuẩn quốc tế Codex áp dụng cho thịt heo về sử dụng hóc môn tăng trưởng là 0 ppb (phần tỷ, chất cấm trong thức ăn công nghiệp - TĂCN), tức là không được phép dùng. Tại nước ta, luật pháp cũng đã cấm nhưng vì lợi nhuận nên các nhà chăn nuôi vẫn lén lút cho chất hóc môn tăng trưởng vào TĂCN.

Viện KHKT nông nghiệp miền Nam đã tiếp nhận 428 mẫu TĂCN từ Cục Chăn nuôi gửi tới của 12 tỉnh, thành (đầu tháng 11) thuộc loại TĂCN hỗn hợp, đậm đặc. Qua kiểm tra cho thấy, có 47/428 mẫu (10,98%) có dương tính với bêta-Argonist. Trong đó, phần lớn các mẫu dương tính là TĂCN cho heo, chỉ có 3,5% là TĂCN cho gà.

Giám sát mẫu thịt heo tại một số chợ TP Hồ Chí Minh (2 mẫu thận và 3 mẫu thịt heo) phát hiện một mẫu thận heo có lượng Clenbuterol tồn dư tới 37ppb, cao hơn tiêu chuẩn quốc tế áp dụng cho thịt bò, ngựa tới 60 lần.

Một mẫu khác trên thịt heo có hàm lượng Salbutamol là 0,71 pbb, cao hơn mức cho phép của bò, ngựa 3 lần. Đáng chú ý nhất là khi xét nghiệm trên mẫu huyết heo (100 con) tại một lò giết heo lớn của TP cũng có 17/86 mẫu có kết quả dương tính với hóc môn tăng trưởng.

Nếu như tại nước ngoài chất hóc môn tăng trưởng chỉ ở trong thịt heo giai đoạn nuôi lấy thịt thì ở ta phát hiện cả trong giai đọan heo con sau cai sữa và cả heo nái. Trong đó, 2 loại Clenbuterol, Salbultamol được sử dụng phổ biến.

Cục Chăn nuôi cho biết, thời gian qua đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi của 64 tỉnh, thành phải tổ chức lấy mẫu TĂCN nhưng chỉ có 25 tỉnh, thành thực hiện. Qua kiểm tra qui trình sản xuất, kiểm soát chất lượng các doanh nghiệp sản xuất TĂCN phần lớn không đảm bảo qui định và không có phòng thí nghiệm. 100% DN không lưu mẫu nguyên liệu thức ăn.

Còn kiểm tra TĂCN tại nhà máy, đại lý bán buôn đều phát hiện có sử dụng hóc môn tăng trưởng. Một khó khăn trong việc kiểm soát TĂCN theo ông Lê Bá Lịch- Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam là hiện vẫn chưa có thanh tra chuyên ngành về TĂCN.

Xử lý cơ sở vi phạm cao nhất hiện nay cũng chỉ là áp dụng hình thức phạt. Mức cao nhất là 20 triệu đồng nhưng doanh nhân vẫn lãi nhiều tỷ đồng do đó không đủ sức răn đe. Nhiều doanh nhân còn sử dụng "chiêu" lách các cơ quan quản lý bằng cách thay đổi hoạt chất hoặc lúc trộn lúc không, nên kết quả kiểm tra mẫu giữa 2 lần thì hàm lượng khác nhau, do đó cơ quan chức năng rất khó xử lý…

Và bệnh cố hữu trong việc kiểm tra của cơ quan quản lý hay mắc phải là chỉ nhắc nhở tuyên truyền, khác với các nước khác, vi phạm về sử dụng chất hóc môn tăng trưởng sẽ bị công bố trên báo chí, bị đóng cửa nhà máy.

Ngày 14/11 vừa qua, một hội nghị "nói không với hóc môn tăng trưởng trong TĂCN" đã được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh giữa các nhà sản xuất TĂCN phía Nam với Hiệp hội TĂCN Việt Nam và Viện KHKT miền Nam.

Ngoài việc các doanh nghiệp chăn nuôi cùng ký vào bản cam kết, các đại biểu cũng kiến nghị thêm các giải pháp như: giám đốc nhà máy sản xuất TĂCN phải kiên quyết không sử dụng hóc môn tăng trưởng trong sản phẩm của mình, cần làm cam kết với nhà cung cấp TĂCN đảm bảo không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, lưu mẫu TĂCN ít nhất là 6 tháng sau khi xuất hàng.

Đề nghị chính phủ nghiên cứu ban hành quyết định xử phạt thật nặng cơ sở vi phạm, cần có thêm điều khoản không chỉ cấm các sản phẩm chăn nuôi này lưu hành trên thị trường mà còn phải tiêu hủy, nhất là cần trang bị những trang thiết bị kiểm tra, phân tích để phát hiện hóc môn tăng trưởng kịp thời trong sản phẩm

Huyền Nga
.
.
.