Lật lại hồ sơ những vi phạm đất đai ở Tứ Liên (Tây Hồ - Hà Nội)

Thứ Năm, 21/04/2005, 17:29
Sau những phản ánh của Báo CAND về tình trạng vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai ở quận Tây Hồ, Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND thành phố Hà Nội kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/4/2005. Chúng tôi tiếp tục ghi nhận những động thái sau khi có ý kiến của Thủ tướng, những tồn tại đang thách thức cơ quan chức năng và mong đợi của nhân dân đối với việc xử lý vi phạm đất đai ở đây.

Chiều 17/4, khi có mặt ở khu vực bãi sông Hồng thuộc phường Tứ Liên, Tây Hồ, chúng tôi thấy tại lô đất lấn chiếm làm xưởng đúc đồng của ông Nguyễn Định đã được máy ủi san hạ thấp ngổn ngang. Toàn bộ khu vực sản xuất, tượng đồng tại đây cũng đã được di dời. Tuy nhiên, tại khu vực vi phạm của ông Đào Văn Bình - Chủ nhiệm HTX Vận tải du lịch 27/7,  những ngôi nhà sàn vẫn đang sừng sững tồn tại.

 

Dấu hiệu việc xử lý của cơ quan chức năng có chăng chỉ mới dừng lại ở việc dỡ bỏ tường rào và một số ngói lợp trên mái. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Các cơ quan chức năng của quận Tây Hồ và phường Tứ Liên đã tiến hành cưỡng chế tháo dỡ ngôi nhà sàn vi phạm của ông Đào Văn Bình. Nhưng sau khi dỡ được 1/2 mái ngói thì ông Bình đề nghị để ông và anh em trong HTX được tự dỡ và hẹn trong 5 ngày (tức là ngày 5/4) sẽ giải tỏa xong. Tuy nhiên, đến chiều 17/4, khi trở lại khu vực này thì công trình vi phạm trên vẫn đang tồn tại, giống như những lần các cơ quan chức năng ra quyết định xử lý trước đây.

Đi sâu tìm hiểu kỹ hơn những vi phạm về đất đai tại khu vực phường Tứ Liên, chúng tôi còn được biết: Tại Công văn 664/UB-ĐCNĐ&ĐT ngày 31/12/2002 của Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Văn Dương gửi Công an quận "Yêu cầu tiến hành điều tra để xử lý những trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định quản lý sử dụng đất đai ở phường Tứ Liên" đã nêu rõ: "Theo báo cáo của tổ công tác, trong số những đối tượng vi phạm, có những đối tượng vi phạm nhiều lần, trong thời gian liên tục từ năm 1996 đến nay, cả phường và quận đã tổ chức giải tỏa nhiều đợt nhưng vẫn cố tình vi phạm, đặc biệt những đối tượng này còn tiến hành đổ đất kè bờ sông Hồng và mua bán đất trao tay nhiều lần gây tình trạng phức tạp trên địa bàn, cụ thể là các trường hợp: Ông Lê Văn Bình, SN 1967 là người đã tổ chức khai thác cát liên tục từ  nhiều năm nay đã bị xử lý từ năm 1996 nhưng đến nay vẫn tiếp tục vi phạm, hiện còn nhà ở đang tồn tại trên diện tích khoảng 70m2; đồng thời ông Bình còn kè bờ sông bằng tre và san lấp bao chiếm diện tích đất khoảng 3.000m2, trên phần đất mới bao chiếm có 2 nhà lá diện tích khoảng 20m2.

 

Ông Đào Văn Bình - Chủ nhiệm HTX Vận tải du lịch 27/7, đã san lấp và bao chiếm diện tích đất khoảng 5.000m2, trên đó đã làm 2 nhà sàn gỗ, mỗi nhà diện tích khoảng 90-100m2. Ông Lê Văn Biên, thường trú tại 216B A14 An Dương, phường Yên Phụ, SN 1968. Đây là trường hợp Công an quận đã có báo cáo đề nghị xử lý, UBND quận cũng đã có công văn đề nghị hoàn thiện hồ sơ để khởi tố hình sự.

 

Hiện ông Biên đã và đang tiếp tục san lấp, bao chiếm diện tích khoảng 20.000m2 và có dấu hiệu mua bán đất công nhiều lần. Ông Vũ Công Vinh, là lái xe, người Hà Nam, hiện đang xây dựng một nhà cấp 4 diện tích khoảng 30m2 đã hoàn thiện, diện tích san lấp bao chiếm kè bờ sông khoảng 1ha. Ông Vinh còn đứng tên trong hồ sơ xử lý cho 2 trường hợp khác, có dấu hiệu mua bán đất công nhiều lần".

 

Tại công văn này, UBND quận đã đề nghị Công an quận Tây Hồ cho tiến hành điều tra làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng nêu trên (nếu đủ điều kiện thì hoàn thiện hồ sơ để tiến hành xử lý hình sự). Rõ ràng, những vi phạm về đất đai đã diễn ra trong thời gian khá dài và được đánh giá là rất nghiêm trọng, đã từng đề nghị điều tra xem xét để xử lý hình sự.

Thế nhưng điều hết sức khó hiểu là sau tất cả những động thái đó, các trường hợp vi phạm này vẫn ngang nhiên tồn tại, có những trường hợp còn tranh thủ tiếp tục lấp sông lấn chiếm thêm diện tích vi phạm mà vẫn không bị xử lý dứt điểm. Cần phải đặt câu hỏi: Các cấp chính quyền tại đây đã không đủ năng lực để ngăn chặn những vi phạm nghiêm trọng này hay vì một lý do nào đó đã "nhắm mắt làm ngơ"?

Nhà, phố không địa chỉ (!?)

Đó là những vụ nổi cộm đã được các cơ quan chức năng điểm mặt chỉ tên. Trên thực tế, ở quận Tây Hồ còn nhiều trường hợp vi phạm khác mà điển hình là có cả trăm trường hợp đất canh tác xen lẫn đất thổ cư đã bị lấn chiếm sử dụng trái mục đích... Tất cả những vi phạm đó, theo cán bộ quản lý đất đai quận, thì đã có tài liệu xác thực chứng minh vi phạm của từng trường hợp tùy mức nặng nhẹ khác nhau.

 

Nhưng đáng tiếc là đến nay hầu như chưa giải quyết dứt điểm được các vi phạm. Bên cạnh đó, vào thời điểm hiện tại, theo những lời tố cáo của quần chúng tại khu vực này thì nhiều diện tích khác cũng đang được các "ông chủ lạ mặt" từ đâu đến quây tường, làm cổng sắt kiên cố để chiếm dụng. Khu phố không có quyết định thành lập, không có tên, không có tổ dân phố… nhưng đã sầm uất bởi nguồn đầu tư từ nhiều nơi tụ về.

 

Chưa kết luận là đất gì, nhưng có một thực tế là nhiều trường hợp vi phạm đất đai bắt nguồn từ việc hợp đồng thuê mặt bằng đất của HTX. Nhưng khi đã hết hạn hợp đồng, người thuê đất không những không trả mà còn chiếm thêm cả hécta. Sự việc đó quận Tây Hồ giải quyết nhiều năm nay chưa dứt điểm và chắc cũng đã thấm cái mệt khi phải cưỡng chế lấy lại đất đai. Ai dám khẳng định bên trong những lô đất đã xây gạch khoanh vùng kia với thời gian không phát sinh phức tạp mới!

Thanh Phong – Xuân Luận
.
.
.