Không thể cố tình thay đổi quy hoạch Công viên Bãi Cháy

Thứ Ba, 03/10/2006, 13:43
Trước những vi phạm của Cty CPQT Hoàng Gia, đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản vi phạm hành chính và đình chỉ xây dựng. Nhưng khi cơ quan chức năng của TP Hạ Long tiến hành tái kiểm, các công trình bị đình chỉ này vẫn đang tiếp tục như không có chuyện gì xảy ra.

Việc chỉnh trang lại khu du lịch Bãi Cháy (cũng như việc chỉnh trang lại một số khu đô thị nói chung) là nhằm mục đích tổ chức không gian đô thị du lịch một cách khoa học, phù hợp, tiến tới cung cấp các dịch vụ chất lượng cao và đặc biệt là tạo ra diện mạo và sức hút du lịch mới cho khu du lịch Bãi Cháy.

Quy hoạch mới như thế nào?

Xuất phát từ yêu cầu đó, thành phố Hạ Long đã đề xuất với tỉnh giao Công ty CPQT Hoàng Gia khảo sát, nghiên cứu, lập quy hoạch xây dựng đô thị giải ven biển Bãi Cháy (đoạn từ khách sạn Sông Đà đến cảng tàu Bãi Cháy); cho phép thành phố thuê Viện Quy hoạch đô thị, nông thôn (thuộc Bộ Xây dựng) nghiên cứu, đề xuất phương án tổng thể chỉnh trang đô thị tuyến phía Bắc đường Hạ Long (đoạn từ khách sạn Sông Đà đến khách sạn Thăng Long); thứ ba, là cho phép thuê Viện Nghiên cứu điện khí Quế Lâm (Trung Quốc) khảo sát, đề xuất phương án và thiết kế lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trang trí đoạn đường ven biển từ bến phà Bãi Cháy đến khu du lịch Thanh Niên (đã triển khai).

Quy hoạch chi tiết công viên ven biển Bãi Cháy do Công ty CPQT Hoàng Gia đầu tư là một phần trong chương trình trên có tổ chức không gian cảnh quan thống nhất về giải pháp tiếp cận và ngôn ngữ kiến trúc vì đây là điểm nhấn quan trọng nhất trong toàn bộ dự án quy hoạch.

Theo quy hoạch chi tiết đã được UBND tỉnh phê duyệt, công viên sẽ có 7 khu chức năng: Khu A là quảng trường và bãi đỗ xe; khu B là khu dịch vụ để đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa và các dịch vụ tắm biển, ăn uống; khu C là khu vui chơi giải trí...

Tiêu chí đặt ra là hoà hợp với thiên nhiên, hạn chế tối đa việc xây dựng công trình che chắn phía biển. Khoảng cách tối thiểu giữa các công trình bằng 1,5 lần chiều dài công trình bám đường Hạ Long. Đặc biệt hàng rào công viên như hiện nay sẽ được dỡ bỏ để tạo không gian thông thoáng, thân thiện để nhân dân và du khách có thể tiếp cận với công viên từ nhiều hướng và vị trí khác nhau.

Có mâu thuẫn với chính mình(?)

Phải nói rằng, có dự án quy hoạch được phê duyệt như vậy là một nỗ lực rất đáng ghi nhận đối với chủ đầu tư là Công ty CPQT Hoàng Gia. Nhưng trên thực tế, sự việc diễn ra theo chiều hướng khác khiến dư luận ở Quảng Ninh khó hiểu về động thái của chủ đầu tư.

Để làm rõ mối hoài nghi, ngày 11/8, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh gồm UBND TP Hạ Long, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Ban Quản lý khu Công nghiệp và đầu tư nước ngoài đã tiến hành kiểm tra hoạt động xây dựng tại khu công viên quốc tế Hoàng Gia.

Tại thời điểm này, công ty CPQT Hoàng Gia đã xây dựng tới 10 công trình tại các khu B, C, E. Kết quả kiểm tra cho thấy khoảng cách giữa các công trình P3 và C14, C14 và C16, C16 và P5 tại khu B nhỏ hơn 1,5 lần chiều dài công trình bám đường Hạ Long; Công trình C27 thuộc khu C đang thi công hố móng vi phạm về khoảng cách so với quy hoạch được duyệt; Công ty cũng chưa thực hiện việc bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ theo hướng dẫn của Sở Xây dựng tại Công văn số 724/SXD ngày 7/8/2006.

Trước những vi phạm này, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty CPQT Hoàng Gia. Ngày 28/8, Chủ tịch UBND TP Hạ Long đã có Quyết định số 381/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty, trong đó yêu cầu đình chỉ xây dựng các công trình vi phạm trên, đồng thời buộc Công ty CPQT Hoàng Gia phải tháo dỡ một số bộ phận thuộc các công trình vi phạm.

Tiếp đó, ngày 15/9, UBND tỉnh lại có Công văn số 3403 gửi Công ty CPQT Hoàng Gia yêu cầu thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1987/QĐ-UBND ngày 17/7/2006 "V/v phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Công viên ven biển Bãi Cháy" và Quyết định số 381/QĐ-XPHC ngày 28/8/2006 của UBND TP Hạ Long.

Tuy nhiên, ngày 23/9, khi cơ quan chức năng của TP Hạ Long tiến hành tái kiểm, mọi hoạt động xây dựng, tại các công trình đã bị đình chỉ vẫn đang tiếp tục như không có chuyện gì xảy ra.

Giải thích về điều này trước Đoàn kiểm tra, những người có trách nhiệm của Công ty này nói rằng, ngày 28/8, Công ty đã có Văn bản số R060828 gửi UBND tỉnh "V/v xin phép được thay đổi một bộ phận nhỏ thiết kế trên cơ sở quy hoạch tổng thể không thay đổi", bất luận CV đó có được UBND tỉnh, các cấp có thẩm quyền chấp thuận hay không.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng địa phương lại cho rằng, cho đến nay tỉnh chưa có chỉ đạo nào khác về giải quyết vấn đề ngoài Công văn số 3373 ngày 15/9/2006 giao Sở Xây dựng chủ trì cùng UBND TP Hạ Long và các sở liên ngành xem xét đề xuất của Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia.

Hơn thế nữa, Công văn "xin phép" mang số hiệu R060828 thực chất là sự đối phó nhằm biến mọi vi phạm thành việc đã rồi. Rồi nữa, thời điểm Công ty xin phép là sau khi đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã lập biên bản vi phạm hành chính và UBND TP Hạ Long có quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty. Và theo đúng quy định pháp luật, Công ty phải chấp hành nghiêm chỉnh các biên bản, quyết định xử phạt hành chính.

Làm việc với các cơ quan chức năng tại Quảng Ninh, chúng tôi ghi nhận được những đánh giá rất cao về quá trình hoạt động của Công ty CPQT Hoàng Gia. Tỉnh cũng đã dành rất nhiều ưu đãi trên nhiều phương diện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Nhưng muốn hay không thì Công ty CPQT Hoàng Gia vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc, pháp luật của Nhà nước, nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của cơ quan chức năng, không cố tình biến mọi việc thành "chuyện đã rồi", không thể đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên lợi ích cộng đồng. Nhất là lợi ích đó được thiết lập tại vị trí rất nhạy cảm, là bộ mặt quan trọng nhất về diện mạo của đô thị Hạ Long

Lê Minh Triết
.
.
.