Một dự án giao thông trên 3.400 tỷ đồng tại TP Hồ Chí Minh:

Khởi động nhiều năm vẫn chưa xong chuyện… giải tỏa

Thứ Hai, 25/12/2017, 08:13
Sau nhiều năm khởi động, đến nay dự án này vẫn còn phải chờ quận 6, quận 8 và huyện Bình Chánh xác định ranh giới giải tỏa để lên phương án bồi thường. Để thúc đẩy tiến độ dự án, TP Hồ Chí Minh đã cho phép dự án này được triển khai ngay chứ không phải dừng lại để chờ quy chế về dự án đầu tư BT. 


Được đầu tư đến 3.413 tỷ đồng, dự án làm cầu, đường Bình Tiên với chiều dài hơn 3km chạy dài từ đường Minh Phụng, kết nối vào đường Tạ Quang Bửu và tuyến Nguyễn Văn Linh được đánh giá là hết sức quan trọng. Dự án sẽ phục vụ phát triển giao thông của thành phố về hướng Nam, giải tỏa ách tắc giao thông cho cả khu vực; giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh và giảm quá tải cho cầu Chà Và.

Theo Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, dự án đã được thành phố mời gọi đầu tư trong nhiều năm, trong đó tập trung vào việc khai thác quỹ đất. Dự án gồm 2 hạng mục là cầu Bình Tiên với chiều dài gần 1km vượt qua kênh Tàu Hũ và Kênh Đôi cùng 2,9km đường.

Sau nhiều năm mời gọi đầu tư và qua nhiều vòng đàm phán, đến nay thành phố đã lựa chọn được 2 liên danh nhà thầu. Phương án để triển khai dự án này hiện cũng đã được thống nhất, nhà đầu tư tự ứng tiền giải phóng mặt bằng cũng như làm cầu đường, thành phố trả lại 67% bằng quỹ đất, thời gian thực hiện từ năm 2018 đến 2020.

Riêng số tiền giải phóng mặt bằng là 1.125 tỷ đồng do liên danh nhà thầu ứng trước vốn đề trả tiền đền bù cho người dân, thành phố sẽ trả chậm sau đó. Còn lại khoản tiền đầu tư xây dựng cầu đường trên, thành phố sẽ trả nhà thầu ngay bằng quỹ đất.

Đường Bình Tiên hiện rất hẹp nhưng chưa được giải tỏa, mở rộng.

Sau nhiều năm khởi động, đến nay dự án này vẫn còn phải chờ quận 6, quận 8 và huyện Bình Chánh xác định ranh giới giải tỏa để lên phương án bồi thường. Để thúc đẩy tiến độ dự án, TP Hồ Chí Minh đã cho phép dự án này được triển khai ngay chứ không phải dừng lại để chờ quy chế về dự án đầu tư BT.

Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường khẳng định, nếu các quận, huyện đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng, dự án sẽ có thể được thực hiện ngay trong quý 1-2018. Song thời điểm này, dù chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm 2018, tiến độ giải phóng mặt bằng của 3 quận, huyện trong phạm vi dự án vẫn còn ngổn ngang; người dân hai bên đường hiện vẫn buôn bán, sinh hoạt bình thường.

Theo một số hộ dân ven tuyến đường này, địa phương cũng đã xuống khảo sát, đo đạc để lên phương án bồi thường, song chưa biết sẽ được đền bù bao nhiêu, khi nào giải tỏa, bàn giao mặt bằng nên họ vẫn phải buôn bán để lo cuộc sống.

Trong khi đó, tuyến đường này rất hẹp, bề rộng chỉ trên dưới 8m nên để mở rộng 30-40m cho bằng với bề rộng cầu Bình Tiên, sẽ có nhiều hộ trên tuyến bị giải tỏa trắng hoặc giải tỏa gần hết nhà. Do đó những hộ dân thuộc diện này hiện cũng đang lo lắng không biết sẽ được tái định cư ở đâu, buôn bán thế nào khi cuộc sống bị đảo lộn.

Sau khi tìm được 2 liên danh nhà thầu trên, dự án cầu đường Bình Tiên dự kiến khởi công trong quý 4 năm nay, nhưng kế hoạch này đã bị lỡ hẹn. Để bảo đảm tiến độ dự án, Sở GTVT đã phải tính tới phương án cho nhà thầu làm trước phần cầu dưới sông, nơi không vướng chuyện giải tỏa mặt bằng rồi chờ các quận, huyện bàn giao để làm tiếp phần còn lại. Nhưng ngay cả với giải pháp này thì các nhà thầu cũng tỏ ra sốt ruột khi chưa biết đến thời điểm nào mặt bằng sẽ được giải tỏa dứt điểm để có kế hoạch đầu tư phương tiện, nhân lực cho việc thi công.

Liên quan đến dự án mở rộng đường và xây cầu Bình Tiên, từ cách đây hơn 10 năm, khi đó Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước thành phố đã lập phương án đầu tư dự án này với số vốn chỉ có 595 tỷ đồng. Sau đó, đến năm 2010, dự án tiếp tục được nhiều doanh nghiệp đề xuất xin được đầu tư nhưng do không thỏa thuận được về phương thức đổi đất lấy hạ tầng nên dự án tiếp tục bị đình trệ.

Theo kế hoạch phát triển giao thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, dự án phải được khởi công từ năm 2011 và hoàn thành năm 2015 nhưng đến nay dự án vẫn còn trên giấy. Đi cùng với với tình trạng dự án bị treo và chậm tiến độ này, riêng mức vốn đầu tư cho phần xây lắp cầu đường cũng đã kịp đội lên thêm 900 tỷ đồng, từ mức 2.500 tỷ vào năm 2011 so với mức hơn 3.400 tỷ hiện nay. Do đó, nếu công tác giả tỏa không được làm dứt điểm để bàn giao mặt bằng đúng hạn cho nhà thầu, dự án tiếp tục đối mặt với nguy cơ đội vốn.

Để làm được điều này, trước tiên 3 quận, huyện trên phải lo được thỏa đáng quyền lợi của những hộ dân bị giải tỏa, di dời.

Đ.Thắng
.
.
.