Khó xử lý vi phạm khi Quy chuẩn 41 “vênh” với Luật Giao thông đường bộ

Thứ Bảy, 27/05/2017, 05:52
Quy chuẩn 41:2016/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (Quy chuẩn 41) - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ- được ban hành và chính thức có hiệu lực thi hành từ 1-11-2016. Tuy nhiên, một số quy định tại Quy chuẩn 41 lại “vênh” với quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ đã dẫn đến hiểu lầm cho người tham gia giao thông, gây tình trạng “khó xử” cho lực lượng CSGT.

Theo ghi nhận thực tế tại nhiều địa phương thì việc điều chỉnh, thay thế, bổ sung hệ thống biển báo hiệu, vạch kẻ đường… theo Quy chuẩn 41 vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, đồng bộ dẫn đến tình trạng người bị xử phạt vi phạm khiếu nại… với CSGT.

Liên quan đến những bất cập của Quy chuẩn 41, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an dẫn giải: Tại mục 10.3.2, Điều 10 Quy chuẩn 41 quy định, ý nghĩa của tín hiệu đèn vàng “Báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ”. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”.

Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe”, thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau. Nhưng tại mục c, Điểm 3, Điều 10 của Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định “Tín hiệu vàng là phải dừng trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tính hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường”.

Thực tế hiện nay, trên một số tuyến phố, tuyến đường tình trạng “vạch dừng xe” bị mờ, chưa được kẻ lại, gây khó khăn cho người tham gia giao thông và các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT.

Quy chuẩn 41 có một số điểm gây khó khăn cho lực lượng CSGT khi xử lý vi phạm.

Tại Điểm 3.30, Điều 3, Quy chuẩn 41 quy định “Xe ôtô con (hay còn gọi là xe con) là xe ôtô được xác định theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, để chở người không quá 9 chỗ ngồi kể cả lái xe hoặc xe ôtô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1.500kg; xe ôtô con bao gồm cả các loại xe có kết cấu như xe 3 bánh nhưng có tải trọng bản thân xe lớn hơn 400kg và tải trọng toàn bộ xe cho phép nhỏ hơn 1.500kg”.

Tại Điểm 3.32, Điều 3 quy định “Ôtô tải (hay còn gọi là xe tải), là xe ôtô để chở hàng hoặc thiết bị chuyên dùng có khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 1.500kg trở lên”.

Nhưng theo Giấy chứng nhận xuất xưởng và theo giấy chứng nhận kiểm định ATKT và BVMT do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp đối với các xe ôtô chở hàng (kể cả xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở dưới 1.500kg) đều được ghi là loại phương tiện xe tải. Mặt khác, tại Khoản 4, Điều 11 của Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10-9-2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô có quy định việc gắn phù hiệu đối với xe tải kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn (theo mẫu phù hiệu tại Thông tư 63/2014/TT-BGTVT ngày 7-11-2014 Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô  và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ). Theo đó, xe có khối lượng hàng chuyên chở cho phép dưới 1.500kg được coi là xe tải.

Tại mục 38.3, Điều 38 Quy chuẩn 41 có quy định “Nếu đoạn đường phải thi hành biển hiệu lệnh có hiệu lực rất dài thì tại các đường giao nhau, biển hiệu lệnh phải được nhắc lại, đặt ngay sau nơi giao nhau theo hướng đường đang có biển hiệu lệnh phải được nhắc lại, đặt ngay sau nơi giao nhau theo hướng đường đang có biển hiệu lệnh. Nếu không có biển nhắc lại thì biển hiệu lệnh được mặc nhiên xem là hết hiệu lệnh”.

Trong khi đó, trong mục diễn giải ý nghĩa của biển số R.420 “Bắt đầu khu đông dân cư” có ghi “Biển báo số R.420 có hiệu lực khu đông dân cư đối với tất cả các tuyến đường nằm trong khu vực đô thị cho đến vị trí đặt biển báo số R.421” (Biển báo số R.421 “Hết khu dân cư”), gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Tại mục 15.2, Điều 15 Quy chuẩn 41 về “Phân loại biển báo hiệu” có quy định “… Trừ một số biển đặc biệt, các biển thể hiện hình tròn trên nền xanh lam có hình vẽ màu trắng đặc trưng cho hiệu lệnh nhằm báo cho người tham gia giao thông đường biết”. Việc thay đổi biển số R.420, R.421 từ nhóm biển chỉ dẫn có đặc trưng “… Hình chữ nhật hoặc hình vuông hoặc hình mũi tên, nền màu xanh lam” sang nhóm biển hiệu lệnh dễ gây hiểu lầm cho người tham gia giao thông.

Trước những bất cập của Quy chuẩn 41, theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục CSGT thì Cục đã đề nghị Tổng cục đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh thống nhất các nội dung trong Quy chuẩn cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.      

Đặc biệt, hiện nay, việc triển khai thực hiện theo Điều 89 Quy chuẩn 41 vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, nhiều tuyến đường bộ chưa được bổ sung, thay thế hệ thống biển báo hiệu theo quy định tại mục 98.2.1, việc thực hiện mục 89.2.3 Điều 89 chưa cụ thể hóa về loại biển và thời gian hoàn thành (thời gian biển cũ hết hiệu lực). Nhiều tuyến đường báo hiệu chưa đầy đủ, chồng chéo, không thống nhất, bố trí chưa khoa học gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Vì vậy, đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải có văn bản quy định cụ thể từng loại báo hiệu cần thay thế, bổ sung và thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành. Đối với những tuyến đường còn thiếu hệ thống báo hiệu cần bổ sung ngay. Chỉ đạo các địa phương, bổ sung, thay thế hệ thống báo hiệu đường bộ một cách đồng bộ thống nhất, đầy đủ, khoa học và đúng lộ trình.

Hương Hằng
.
.
.