Huyện Tiên Phước, Quảng Nam: Cần tạo điều kiện để cô giáo Nguyễn Thị Hiền có nhà ở

Thứ Tư, 05/05/2010, 16:24
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng năm 1987, cô Nguyễn Thị Hiền tự nguyện về dạy các xã vùng sâu, vùng xa Tiên Ngọc, Tiên Lãnh của huyện Tiên Phước. Đến năm 1990, cô được điều chuyển về dạy môn địa lý tại Trường THCS Lê Hồng Phong của xã Tiên Hà.

Về đây, cô làm đơn xin UBND xã Tiên Hà, cùng Ban giám hiệu nhà trường cho phép làm nhà ở để đảm bảo cuộc sống, an tâm công tác và được đồng ý cho dựng nhà tạm trong khu đất đối diện Trường THCS Lê Hồng Phong.

Cô cùng chồng và hai con nhỏ sinh hoạt trong ngôi nhà này cho đến năm học 2005-2006 thì xảy ra sự việc một số giáo viên của trường sửa điểm để nâng học sinh yếu lớp 9 lên cho đủ điểm xét tuyển tốt nghiệp, cô phản đối và tố giác các cơ quan chức năng vào cuộc. Mọi chuyện rõ ràng, các giáo viên làm sai bị kỷ luật.

Nhưng, đùng một cái... cô cũng bị thuyên chuyển về dạy Trường THCS Lê Cơ ở xã Tiên Sơn, cách nơi ở khoảng 14 cây số. Đi dạy xa, chồng vừa qua đời, không có điều kiện chăm sóc con, cô phải gửi hai con dại về cho chị ruột ở xã Tiên Mỹ. Cơn bão số 9 năm 2009 làm nhà cô xiêu vẹo, bay tôn. Xã gọi lên cho một phần quà cứu trợ mà các nhà hảo tâm tới Tiên Hà trao tặng. Công đoàn ngành Giáo dục huyện cũng quyên góp hỗ trợ hơn 2 triệu đồng.

Cộng với tiền vay mượn, tiền dành dụm, được khoảng 20 triệu đồng, cô mua vật liệu xây lại nhà ở cho kiên cố. Nào hay, đang xây thì xã cho người tới ngăn cản, lập biên bản. Trước tình cảnh đó, cô phải ở tạm trong khu tập thể Trường THCS Lê Hồng Phong và viết đơn đến các cấp có thẩm quyền nhờ can thiệp.

Nguyện vọng của cô Hiền cũng đơn giản, nếu không cho cô dựng nhà thì bố trí cho một phòng ở tập thể để ba mẹ con cô sinh sống, gần gũi nhau; đồng thời cũng đề nghị cho cô thuyên chuyển công tác về lại Trường THCS Lê Hồng Phong để có điều kiện chăm sóc hai con dại...

Bão số 9 làm nhà tạm cô Hiền bị xiêu vẹo, tốc mái, cô Hiền xây dựng lại kiên cố để đảm bảo tính mạng trong những mùa mưa bão tiếp theo, nhưng lại bị ngăn cấm? Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong hiện nay là ông Trần Hoài Linh cũng mượn đất nhà trường và xây dựng một ngôi nhà ở kiên cố, song chẳng ai đoái hoài. Việc đối xử với cô Hiền như thế có quá bất công?...

Chúng tôi trao đổi với ông Lê Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Hà, thì được biết trước mắt, xã vận động Trường THCS Lê Hồng Phong cho cô Hiền mượn một phòng tập thể ở tạm. Về lâu dài, cấp ủy và UBND xã Tiên Hà đã bàn bạc thống nhất cho cô Hiền làm nhà, nhưng phải lùi sâu vào cách nền nhà cũ khoảng 100m.

Thiết nghĩ, một giáo viên đã có nhiều năm cống hiến cho ngành Giáo dục, bám trụ công tác trên địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi như cô Hiền cần có sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương để có được nhà ở, ổn định cuộc sống lâu dài

Long Vân
.
.
.