Hơn 50 năm chờ một câu trả lời

Chủ Nhật, 21/06/2015, 09:50
Đã mấy chục năm nay, ông Nguyễn Minh Thường ở thôn An Tập, xã An Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, lặn lội cầm đơn đi gõ cửa các cơ quan chức năng xin chứng nhận liệt sỹ cho anh. Năm 2015, sức khỏe yếu, em gái của ông lại thay anh trai tiếp tục hành trình đi tìm “danh phận” cho người anh quân nhân, dù đã có rất nhiều quy định rõ ràng về các thủ tục công nhận liệt sỹ.

Hơn 50 năm vẫn chờ đợi

Bà Nguyễn Thị Chiến năm nay đã gần 70 tuổi, là em gái của ông Thường. Cầm tập đơn trên tay cùng các giấy tờ liên quan, mắt bà nhòe đi. Giọng nói đầy tâm trạng, bà tâm sự ngắt quãng: “Mấy chục năm nay anh tôi là Nguyễn Văn Thuật đi kháng chiến chống Pháp không trở về mà chưa được công nhận liệt sỹ. Anh trai tôi (ông Nguyễn Minh Thường - PV) gửi nhiều đơn lên các cấp nhưng chưa được trả lời, nay đã tai biến chỉ nằm một chỗ. Anh em chúng tôi mong mỏi, chờ đợi tin tức về anh hằng ngày”.

Theo trình bày của bà Chiến, anh trai bà là Nguyễn Văn Thuật SN 1933, đi kháng chiến chống Pháp tháng 3/1951, vào đơn vị C5, D10, F320. Thỉnh thoảng gia đình vẫn nhận được thư từ chiến trường.

Lá thư cuối cùng gia đình nhận được của ông Thuật là vào tháng 2/1954. Từ đó, gia đình không nhận được tin tức gì về anh. Từ năm 1954 tới năm 1957, gia đình làm đơn gửi lên Bộ Quốc phòng và Sư đoàn 320 thì được trả lời bằng một giấy báo về quân nhân “mất tích” số 161 và cấp cho gia đình 76,86 đồng cùng bằng Gia đình vẻ vang.

Bà Nguyễn Thị Chiến mong chờ được các cơ quan chức năng trả lời về trường hợp của anh trai mình.

Trong những giấy tờ gia đình lưu giữ hiện nay còn có một văn bản của Ban Thương binh xã hội tỉnh Nam Hà (cũ) gửi Ủy ban hành chính xã An Mỹ, huyện Bình Lục, ghi năm 1971 khẳng định Ủy ban hành chính tỉnh đã có quyết định trợ cấp theo Nghị định số 35/CP ngày 9/9/1960 của Hội đồng Chính phủ cho bà Nguyễn Thị Dy (mẹ quân nhân Thuật) “bị mất tích từ năm 1953”. Văn bản này cũng đề nghị Ủy ban hành chính xã thẩm tra, chứng nhận về thông tin quân nhân để “có căn cứ giải quyết chính xác việc xác nhận quân nhân là liệt sỹ theo quy định mới của Chính phủ”.

Tuy nhiên, suốt từ năm 1971, mặc dù ông Thường đã gửi đơn đi nhiều nơi, từ đơn vị làm chính sách của Bộ Quốc phòng đến Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội… Hiện nay, toàn bộ giấy tờ gốc liên quan đến quân nhân Nguyễn Văn Thuật không còn, một phần do chiến tranh thất lạc, một phần bị mất sau này. Bởi thế, việc xác nhận về quân nhân có là liệt sỹ hay không vẫn đang bị bỏ ngỏ. 

Năm 2013, Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP “Hướng dẫn xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ” được ban hành, gia đình bà Chiến lại tiếp tục làm đơn đề nghị công nhận liệt sỹ cho ông Vũ Văn Thuật. 

UBND xã An Mỹ cũng đã làm tờ trình đề nghị Ban Chính sách Huyện đội Bình Lục, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam xem xét xác nhận liệt sỹ cho ông Nguyễn Văn Thuật. Tờ trình này căn cứ vào biên bản đề nghị xác nhận liệt sỹ của Hội đồng xác nhận người có công xã An Mỹ họp ngày 13/12/2002 (về việc đề nghị xác nhận liệt sỹ còn tồn đọng theo Thông tư 09).

Cần trả lời dứt điểm     

Dù vậy, nhưng không hiểu sao, từ năm 2002 đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Thuật vẫn không nhận được trả lời chính thức. Phóng viên Báo CAND đã trao đổi với ông Vũ Xuân Thủy, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bình Lục về trường hợp của quân nhân Nguyễn Văn Thuật, ông Thủy đề nghị gia đình gửi đơn đến UBND xã để thực hiện việc xác nhận theo đúng quy trình.

Ông Hoàng Văn Võ, Chủ tịch UBND xã An Mỹ, huyện Bình Lục cho biết, trước đây trường hợp này chưa đủ cơ sở để công nhận là liệt sỹ, cần phải thu thập thêm một số chứng cứ. Trong thời gian này, xã sẽ tiếp tục mời gia đình đến để gia đình cung cấp thêm chứng cứ, tiếp nhận đề nghị của gia đình và sẽ làm các thủ tục tiếp theo.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại mục k, Khoản 1, điều 17 Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định: điều kiện xác nhận liệt sỹ có áp dụng đối với trường hợp: “Mất tin, mất tích quy định tại điểm 1, khoản 1, Điều 11 Pháp lệnh (ưu đãi người có công) sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận chưa có chứng cứ phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ”. Như vậy, trường hợp của quân nhân Nguyễn Văn Thuật có thể được công nhận là liệt sỹ nếu cơ quan chức năng có kết luận chưa có chứng cứ phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ.

Trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền đã từng làm thủ tục tìm hiểu, đề nghị cung cấp thông tin về quân nhân bằng văn bản, nhưng suốt cả quãng thời gian hơn 50 năm qua chưa có trả lời và cũng không có tin tức gì về quân nhân Nguyễn Văn Thuật. 

Các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể áp dụng theo đúng quy định của pháp luật để công nhận ông Nguyễn Văn Thuật là liệt sỹ. Trường hợp có thông tin khác xác thực thì cơ quan chức năng cần phải trả lời thỏa đáng cho gia đình bà Nguyễn Thị Chiến và ông Nguyễn Minh Thường. Đã hơn 50 năm trôi qua, họ mong mỏi điều đó biết nhường nào.

Việt Hà
.
.
.