Học viện quốc tế Victoria: Thực thực hư hư

Thứ Ba, 05/04/2005, 13:41
Vừa qua, Báo CAND đã có loạt bài phản ánh về những hoạt động mập mờ, đào tạo thợ nhưng lại cấp bằng thạc sỹ tại Trung tâm Đào tạo quản lý cao cấp tại 26 phố Bích Câu, Hà Nội. Mới đây, qua đường dây nóng, Báo CAND lại nhận được phản ánh của bạn đọc về hoạt động bất thường đang diễn ra tại Học viện quốc tế Victoria tại 66 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội.

Đó là dòng chữ nổi bật mà Victoria quảng bá trên tờ rơi quảng cáo được in màu trang trọng trên giấy "xịn" rất "bắt mắt". Cũng giống như Trung tâm Đào tạo quản lý cao cấp (SITC), Học viện Victoria có trụ sở rất đẹp, cửa kính trong suốt nằm sát mặt tiền. Từ ngoài đường, người ta có thể nhìn thấy một số nhân viên còn rất trẻ của học viện đang chăm chú trước máy vi tính. Dễ tin quá đi chứ, nhất là khi nghe đội ngũ nhân viên của học viện tiếp thị lại chêm vào một câu tiếng Anh.

 

Trước khi đến đây, qua điện thoại, chúng tôi được một nhân viên xưng tên Oanh tư vấn rằng, muốn có tấm bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA), chỉ phải học 12 tháng, dài hơn là 18 tháng và nếu bận công việc thì học viện sẵn sàng cho kéo dài 3 năm. Ngày 16-4, học viện sẽ khai giảng khóa học đầu tiên, dự tính khoảng 25 người. Bằng đại học thì có, nhưng với vốn tiếng Anh “lẹt đẹt” làm sao tôi có được 400 điểm TOEFL như tiêu chuẩn đầu vào của học viện. 

 

Oanh "động viên" tôi, học viện sẽ có khóa học tiếng Anh tăng cường trước và trong khóa học chính thức. 12 tháng để có được một tấm bằng thạc sỹ quốc tế, nghe cứ như mơ. Nhưng tôi thấy rụng rời khi nghe Oanh nói, người học phải nộp học phí một lần là 4.100 USD, trên 60 triệu đồng! Người mới ra trường vài năm như tôi, không bao giờ có số tiền lớn như vậy.

Ngày 28/3, để mắt thấy tai nghe những điều bạn đọc phản ánh, chúng tôi đến trụ sở của Học viện Victoria ở 66 Ngô Thì Nhậm. "Có tới 12 lý do lựa chọn Học viện quốc tế này" - một nữ nhân viên nhỏ nhẹ nói với tôi như thế! Này nhé, đến với học viện là đến với một "môi trường đào tạo quốc tế", giảng dạy toàn bằng tiếng Anh, cơ sở vật chất hiện đại. Các chuyên ngành Victoria quảng bá với người học toàn là những chuyên ngành "thời thượng" như quản trị kinh doanh, quản trị tài chính...

 

Mắt tôi hoa lên khi đọc  11 "lý do lựa chọn" còn lại, từ phương pháp giảng dạy hiện đại đến bằng cấp được quốc tế công nhận, từ cơ hội nhận ba bằng cấp quốc tế đến cơ hội học chuyển tiếp ra nước ngoài. Có cảm giác cái mẫu quảng cáo này "same same" những mẫu quảng cáo mà tôi thường được phát từ những trung tâm "dính" tới đào tạo nước ngoài. Thế mới biết, "chiêu" quảng cáo của họ rất có nghề. Nếu không làm sao có người dám mang gần một trăm triệu đến nộp để kỳ vọng vào tấm bằng thạc sỹ có tên tuổi trên thế giới (?!).

Vì sao lại có một học viện quốc tế giữa lòng Hà Nội?

Chẳng ai trả lời chính xác được cho chúng tôi câu hỏi ấy. Ngay cả cơ quan quản lý ngành Giáo dục là Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không biết vì sao lại có một học viện quốc tế đào tạo và cấp bằng cao đẳng, đại học và thạc sỹ ở ngay giữa Thủ đô. Có lẽ họ "đi tắt" chăng? Học viện quốc tế Victoria cho rằng, họ là một thành viên chính thức của Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc - ABE (The Association of Business Executives) được thành lập từ năm 1973 với mục tiêu đào tạo đội ngũ các nhà quản lý nòng cốt cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới.

 

Hơn 30 năm, bằng cấp của ABE là chìa khóa cho sự thành công của hàng triệu sinh viên và được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Đội ngũ giảng viên Việt Nam và nước ngoài tại Victoria đều có bằng cấp quốc tế với nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy và thực tiễn. Học viện quốc tế Victoria còn cho rằng, các khoá học của họ đều chịu sự quản lý của ABE và họ sẽ mang đến cho học viên cơ hội lấy bằng cử nhân và thạc sỹ quốc tế ngay tại Việt Nam cũng như hơn 100 trường đại học danh tiếng khác của Victoria - ABE tại  Anh,  Australia, Mỹ, Canada, Thụy Sỹ, Singapore…

Nhưng điều trước hết mà bạn đọc quan tâm là Victoria hoạt động dựa trên cơ sở pháp lý nào? Ông Nguyễn Tiến Lộc, xưng là "hiệu trưởng" của Học viện quốc tế Victoria cho biết, học viện được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy phép hoạt động (trước đó, qua điện thoại, cô nhân viên tên Oanh cho chúng tôi biết, họ được cấp giấy phép vào ngày 15/11/2004 do Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp).

Nhưng tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Minh Tuấn, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh sau khi kiểm tra danh sách các đơn vị được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã khẳng định, không có tên Học viện quốc tế Victoria. Tại Phòng Đầu tư nước ngoài và Quản lý sau đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), bà Nguyễn Vũ Thu Cúc, Phó Trưởng phòng cho biết, phòng chưa hề tiếp nhận hồ sơ xin hoạt động của Học viện Victoria.

Theo luật pháp Việt Nam hiện hành, bất kỳ một cơ sở đào tạo nào muốn liên kết đào tạo thạc sỹ với nước ngoài thì phải trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, thẩm định hồ sơ, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ quyết. Bản thân cơ sở đó cũng phải đang đào tạo thạc sỹ trong nước. Theo bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), một cơ sở là đại diện cho một trường, một tập đoàn giáo dục nước ngoài tại Việt Nam phải được phía Việt Nam chấp nhận và tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam.

 

Không phải cứ công ty "mẹ" ở nước ngoài làm gì là công ty "con" ở Việt Nam được làm cái đó. Bà Trần Thị Hà khuyến cáo phải xác minh cả tư cách pháp nhân của công ty "mẹ" ở nước ngoài, vì rất có thể đó chỉ là những cái tên "hữu danh vô thực".

Đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ hoạt động của Học viện quốc tế Victoria nhằm xiết lại trật tự kỷ cương và giúp nhiều người không rơi vào cảnh tiền mất tật mang

Thu Phương - Nguyễn Hưng
.
.
.