Khi nào được hoãn thi hành án tử hình?

Thứ Hai, 05/01/2015, 08:51
Hỏi: Qua phương tiện thông tin đại chúng tôi thấy có những trường hợp tử tù được hoãn thi hành án tử hình. Vậy xin hỏi Quý báo, pháp luật quy định những trường hợp nào được hoãn thi hành án tử hình và các thủ tục liên quan? (Nguyễn Thị Hoa, TP Hồ Chí Minh).

Trả lời: Những trường hợp hoãn thi hành án (THA) tử hình đã được Luật THA hình sự (có hiệu lực từ ngày 1/7/2011) nêu tại Điều 58 như sau:

Theo điểm a khoản 1 Điều 58: Người bị kết án thuộc trường hợp quy định tại Điều 35 Bộ luật Hình sự (không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử.

Trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc trường hợp phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân).

Theo điểm b, c khoản 1 Điều 58: có lý do bất khả kháng hoặc ngay trước khi THA, người chấp hành án khai báo những tình tiết mới về tội phạm.

Phụ nữ có thai sẽ được giảm án từ tử hình xuống chung thân

 Điều 10 Thông tư liên tịch 05/2013/TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 6/6/2013 (có hiệu lực từ ngày 21/7/2013) đã quy định cụ thể vấn đề này như sau:

1. Có thông tin do người bị kết án hoặc người khác khai báo, hoặc do Hội đồng THA tử hình biết được từ những nguồn tin khác mà xét thấy những thông tin này là có căn cứ và có thể làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án hoặc là chứng cứ để khởi tố vụ án mới, người phạm tội mới và nếu thi hành hình phạt tử hình đối với họ thì có thể gây khó khăn lớn cho việc giải quyết vụ án, việc mở rộng điều tra vụ án.

2. Hội đồng THA tử hình nhận được yêu cầu của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc hoãn THA tử hình.

3. Các trường hợp khác, cụ thể là:

a) Trường hợp gặp thiên tai, hỏa hoạn hoặc có trở ngại khách quan khác không thể thực hiện được việc THA tử hình, hoặc trên đường áp giải, người bị THA tử hình bị tai nạn phải đưa đến bệnh viện;

b) Trang thiết bị, dụng cụ THA tử hình bị hư hỏng; không lấy được tĩnh mạch; thuốc THA tử hình không đúng chủng loại, chất lượng, số lượng, hoặc các điều kiện khác bảo đảm cho việc THA tử hình không đáp ứng được; c) Đã THA tử hình theo đúng quy định của pháp luật nhưng người bị THA không chết.

Khi quyết định hoãn THA tử hình, Hội đồng phải lập biên bản ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm THA; họ tên, chức vụ của thành viên hội đồng THA tử hình; lý do hoãn THA.

Biên bản hoãn THA phải được tất cả các thành viên Hội đồng THA ký, lưu hồ sơ THA tử hình và báo cáo Chánh án Tòa án đã ra quyết định THA, Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp tỉnh, cấp quân khu và cơ quan THA hình sự cấp tỉnh, cấp quân khu. Cảnh sát hỗ trợ tư pháp hoặc Cảnh vệ tư pháp áp giải, bàn giao người được hoãn THA tử hình cho trại tạm giam để tiếp tục quản lý giam giữ người đó.

Trường hợp hoãn THA theo điểm a khoản 1 Điều 58 Luật THA hình sự thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trường hợp hoãn theo điểm b và điểm c khoản 1 Điều 58 mà lý do hoãn không còn thì Chánh án Tòa án ra quyết định THA yêu cầu Hội đồng THA tiếp tục thực hiện việc THA.

Luật sư Đào Ngọc Lý, Giám đốc Công ty Luật Đào Ngọc Lý
.
.
.