Hầu hết thu phí xe đạp, xe máy đều sai phạm

Thứ Hai, 13/12/2010, 10:04
Mỗi khi phải vào bệnh viện, người dân lại đối diện muôn vàn nỗi lo chi phí. Với những người thu nhập thấp thì càng khổ. Một trong những bức xúc của người dân, là việc thu phí giữ xe tại các đóng trên địa bàn Hà Nội hầu hết đều cao hơn mức qui định của thành phố.

Vi phạm tràn lan

Quyết định số 25/2009/QĐ-UBND, UBND TP Hà Nội đã quy định cụ thể về mức phí trông giữ xe máy trên địa bàn là 2.000đ/lượt/ban ngày và ban đêm là 3.000đ/lượt, nhưng dường như các bệnh viện đều bất chấp các văn bản qui phạm pháp luật.

Trước tình hình vi phạm diễn ra phổ biến, tháng 8/2010, Hà Nội đã phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định quản lý nhà nước về giá và phí trông giữ xe tại các bệnh viện và cho thấy, đa số các bệnh viện đều sai phạm.

Biển giá vé xe nhưng không ghi giá ở cổng BV Việt Nam - Cuba (Hai Bà Trưng).

Mới chỉ kiểm tra 21 đơn vị, đoàn kiểm tra đã xử phạt hành chính 18 đơn vị với số tiền trên 120 triệu đồng, trong đó, có các điểm trông xe của các bệnh viện: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Nam - Cuba, Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Lão khoa Trung ương…

Việc vi phạm gây bức xúc trong dư luận đến mức, ngày 17/11/2010, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ký Văn bản số 23/CT-UBND, yêu cầu "Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo giám đốc các bệnh viện thuộc thành phố quản lý, tăng cường quản lý kiểm tra xử lý và chịu trách nhiệm đối với những sai phạm về thu phí trông giữ xe của khách tại điểm trông giữ xe trong khuôn viên bệnh viện, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân để xảy ra vi phạm nhiều lần".

Biển giá vé xe của Bệnh viện Việt - Đức đã bị "vô hiệu hóa".

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội "Chỉ đạo các Chi cục Thuế tổ chức rà soát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân không sử dụng vé trông giữ xe đảm bảo đúng đối tượng và do cơ quan thuế phát hành, không phát hành theo đề nghị của cá nhân nhận thầu, nhận khoán". Gần một tháng sau khi Chỉ thị của Chủ tịch UBND TP có hiệu lực, đến các bệnh viện thuộc Hà Nội, vẫn thấy tình trạng chẳng có gì thay đổi.

Ở các Bệnh viện tuyến Trung ương. Ở phòng khám 56 - Hai Bà Trưng của Bệnh viện Phụ sản Trung ương thu 4.000đ/lượt xe máy, còn ở phòng khám của Bệnh viện K và cổng chính của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt - Đức, Viện Da liễu Quốc gia v.v… đều thu 3.000đ/vé. Duy nhất, trong các bệnh viện mà chúng tôi có mặt, chỉ Bệnh viện Bạch Mai, là thu đúng quy định 2.000đ/vé, nhưng lại là vé tự tạo.

Một số bệnh viện khác, mặc dù sử dụng vé do ngành tài chính phát hành, nhưng vẫn không thu đúng với số tiền ghi theo qui định. Trong các bệnh viện, chỉ duy nhất có Bệnh viện Việt - Đức có bảng giá giữ xe theo qui định của UBND TP Hà Nội, kèm điện thoại đường dây nóng, song, người thu vé xe đứng ngay bên cạnh biển báo giá, vẫn thản nhiên thu cao hơn quy định.

Không chỉ ở các bệnh viện, ngay tại cơ quan cao nhất của ngành Y tế, là trụ sở Bộ Y tế, cũng vi phạm. "Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước" do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 2/8/2007 còn nguyên giá trị, qui định rõ: "Cơ quan có trách nhiệm bố trí khu vực để phương tiện giao thông của cán bộ, công chức, viên chức và của người đến giao dịch, làm việc. Không thu phí gửi phương tiện giao thông của người đến giao dịch, làm việc".

Vì thế, các bộ, ngành đều đã thực hiện nghiêm việc bố trí chỗ gửi xe miễn phí cho người đến làm việc với biển đề rõ là trông xe miễn phí, như Bộ Công an, Bộ VH-TT&DL, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN&PTNT v.v... Thế nhưng, ở Bộ Y tế thì dường như không biết đến qui định này.

Có thuốc "đặc trị"?

Không khó để nhận ra nguyên nhân của "căn bệnh" này: Trong khi các tổ chức, cá nhân trông giữ xe bất chấp pháp luật, quy định của TP Hà Nội, thì các bệnh viện chỉ biết thu tiền từ việc đấu thầu trông giữ xe tại khuôn viên, mà buông lỏng kiểm tra, thậm chí, còn dung túng vi phạm, khiến tình trạng như căn bệnh nan y. Đã đến lúc cần phải có thuốc "đặc trị" bằng các biện pháp xử lý kiên quyết, để các bảo vệ quyền lợi của người bệnh chứ không thể chỉ vì lợi ích của một nhóm người như hiện tại.

Trong khi ở Đà Nẵng, ngành Y tế đang ủng hộ chủ trương giảm gánh nặng cho người dân bằng việc, từ ngày 1/1/2011, các cơ quan, bệnh viện không thu tiền gửi xe của người dân khi đến làm việc, dù chỉ riêng Bệnh viện Đà Nẵng mỗi năm thu tiền gửi xe lên đến 2,5 tỉ đồng, thì tại sao các bệnh viện ở Hà Nội lại "tận thu" người bệnh đến vậy?

Dạ Miên
.
.
.