Hành vi sản xuất rượu giả bị xử lý như thế nào?

Chủ Nhật, 23/11/2014, 13:00
Hỏi: Gần đến Tết Nguyên đán, nạn sản xuất rượu giả gia tăng. Xin toà soạn cho biết, người có hành vi sản xuất rượu giả bị xử lý như thế nào? (Ông Phạm Minh Nghiệp, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình)

Trả lời: Theo quy định tại khoản 20, Điều 2, Luật An toàn thực phẩm quy đinh rượu là một loại thực phẩm. Trong thời gian qua, nhiều vụ mua bán, sản xuất rượu giả đã được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh rượu giả vẫn diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm cận kề với Tết. Hành vi sản xuất rượu giả, tùy từng trường hợp sẽ bị xử lý hành chính như sau:

Trường hợp sản xuất rượu giả không có giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị xử lý theo Điều 12, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, có nhiều mức phạt áp dụng, thấp nhất là 3 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 3 triệu đồng và cao nhất là 120 triệu đồng. Người có hành vi vi phạm còn chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất rượu giả; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; Đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm. Ngoài ra, người vi phạm còn phải áp dụng biện pháp khắc phục như buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường.

Trường hợp sản xuất rượu giả là hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ và e Khoản 8, Điều 3 của Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì sẽ bị xử lý theo Điều 14, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP và mức phạt tiền thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất là 90 triệu đồng tùy theo mức vi phạm. Người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, bao gồm: Tịch thu tang vật vi phạm; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Tùy mức độ vi phạm, hành vi sản xuất rượu giả còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự

Công ty Luật TNHH Đào và Đồng nghiệp
.
.
.