Hành vi làm giả con dấu, giả mạo chữ ký bị xử lý như thế nào?

Thứ Ba, 18/11/2014, 10:07
Hỏi: Thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin khá nhiều trường hợp làm giả con dấu, giả mạo chữ ký. Vậy những trường hợp vi phạm này sẽ bị xử lý như thế nào (Hoàng Hữu Vũ - TP Quy Nhơn, Bình Định)?

Trả lời: Hành vi làm giả con dấu, giả mạo chữ ký tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi gây ra, các đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự, cụ thể như sau:

1. Việc xử lý hành chính:

 Hành vi làm giả con dấu có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, ví dụ: phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi khắc các loại con dấu mà không có giấy phép khắc dấu hoặc các giấy tờ khác theo quy định (điểm a khoản 1); phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi sản xuất con dấu pháp nhân không đúng thủ tục theo quy định (điểm d khoản 3); phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi khắc dấu giả hoặc sử dụng con dấu giả (điểm d khoản 4). Tùy vào từng  hành vi cụ thể, các đối tượng còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 3 - 6 tháng và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi con dấu. Hành vi giả mạo chữ ký có thể bị xử lý hành chính, mức tiền phạt phụ thuộc vào việc giả mạo chữ kí trong từng lĩnh vực cụ thể, đơn cử như: Hành vi giả mạo chữ ký của người thực hiện chứng thực trong hoạt động chứng thực bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng (điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định 110/2013/NĐ-CP). Hành vi giả chữ ký của người có quyền yêu cầu đăng ký trong đơn yêu cầu đăng ký hoặc văn bản thông báo trong hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm bị phạt tiền từ 3 - 5  triệu đồng (điểm a khoản 3 Điều 45 Nghị định 110/2013/NĐ-CP). Hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan bị phạt tiền từ 10 -15 triệu đồng (khoản 1 Điều 19 Nghị định 131/2013/NĐ-CP)…

2. Việc xử lý hình sự:

Nếu hành vi làm giả con dấu, giả mạo chữ ký gây nguy hiểm cho xã hội, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự theo các tội danh tương ứng của Bộ luật Hình sự như: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139BLHS). Mức hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và mức cao nhất là tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm; tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức (Điều 267 BLHS). Mức hình phạt thấp nhất là là bị phạt tiền từ 5- 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và mức cao nhất là đến 7 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng; tội giả mạo trong công tác (Điều 284 BLHS). Mức hình phạt thấp nhất là từ 1 - 5 năm tù và mức cao nhất là 20 năm tù. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 3 - 30 triệu đồng

Công ty Luật Đào Ngọc Lý
.
.
.