Hiện thực hóa giấc mơ từ rạch Xuyên Tâm

Hàng ngàn hộ dân sống tạm bợ cùng dòng… “kênh thối”

Thứ Hai, 10/05/2021, 08:53
Sống ở TP Hồ Chí Minh đã hơn 20 năm và đi khắp thành phố, song những ngày có mặt ở các con hẻm nhỏ trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, chúng tôi đã hết sức ngạc nhiên khi ở một khu vực chỉ nằm cách trung tâm thành phố sung túc bậc nhất của cả nước chỉ một cây cầu, một tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, lại đang còn tồn tại những khu dân cư lụp xụp đến như vậy.


Bắt nguồn từ tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở chân cầu Bùi Hữu Nghĩa – chiếc cầu nối từ quận Bình Thạnh sang quận 1(TP Hồ Chí Minh), rạch Xuyên Tâm thực chất là hệ thống các tuyến rạch ngoằn ngoèo nối thông với nhau với tổng chiều dài khoảng 8,2km. Tuyến rạch này có 2 hướng thoát: nhánh phụ chảy vào sông Sài Gòn, còn nhánh chính vắt qua địa bàn quận Gò Vấp, chảy ra sông Vàm Thuật.

Trước đây, 2 nhánh của con rạch này đảm nhận phần lớn việc tiêu, thoát nước cho khu vực quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Tuy nhiên, khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, dòng chảy bị thu hẹp, kéo theo đó, ô nhiễm môi trường gây hối thối ở mức đáng báo động. Chính quyền TP Hồ Chí Minh đang xúc tiến hiện thực hóa ước mơ của hàng ngàn người dân sống ven rạch Xuyên Tâm.

Những căn nhà tạm bợ nằm hẳn trên mặt rạch Xuyên Tâm luôn bốc mùi hôi thối và đầy rác.

Sống ở TP Hồ Chí Minh đã hơn 20 năm và đi khắp thành phố, song những ngày có mặt ở các con hẻm nhỏ trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, chúng tôi đã hết sức ngạc nhiên khi ở một khu vực chỉ nằm cách trung tâm thành phố sung túc bậc nhất của cả nước chỉ một cây cầu, một tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, lại đang còn tồn tại những khu dân cư lụp xụp đến như vậy. 

Những con hẻm, tuyến đường nhỏ sâu hun hút chạy ngoằn ngoèo với những cây cầu quá hẹp như cầu Đò, cầu 30-4 chỉ vừa đủ 2 cho xe máy tránh nhau. Người sinh sống ở mặt tiền các tuyến hẻm này còn đỡ khổ, phía sau hẻm cũng là phần đất bờ rạch và mặt nước rạch Xuyên Tâm, nhà dân nằm đè lên mặt nước rạch đen ngòm.

Theo quan sát của chúng tôi, phần lớn nhà cửa ở đây là những căn nhà có bề rộng chỉ 2-3 mét với gác xép cơi nới, chắp vá, ọp ẹp bằng những vật liệu tạm như tôn cũ, gỗ, nhựa để che chắn thành nơi ở, nơi sinh hoạt… Nhà đất nằm trọn trên hành lang bảo vệ rạch và chìa cả ra mặt nước rạch nên đương nhiên không được xây cất, cấp giấy chứng nhận. Nhà tạm, không giấy tờ để thể thế chấp vay vốn làm ăn buôn bán, nên cuộc sống mưu sinh của đa số hộ dân ở đây cũng tạm bợ theo, chủ yếu là buôn bán lặt vặt hoặc mở dịch vụ mua bán tại nhà kiếm sống qua ngày. 

Ngay cả các hộ dân có nhà ở mặt tiền các con hẻm chạy lòng vòng ra các khu dân cư ven kênh nước đen này, việc buôn bán tại chỗ để tạo sinh kế cũng hết sức khó khăn do đường nhỏ, không có chỗ để xe máy cho khách. Nhà cửa chật hẹp, nhiều sinh hoạt của các hộ dân cũng bị đẩy từ trong nhà ra trước hẻm càng khiến việc đi lại của người dân càng thêm khó khăn. 

Nhà lấn rạch, dòng chảy bị thu hẹp khiến rác, bùn đất ứ đọng bồi lắng, cộng với lượng rác thải sinh hoạt rất lớn xả trực tiếp xuống rạch hàng ngày đã khiến tuyến rạch này bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối quanh năm. 

Vừa nói chuyện vừa thở khó nhọc trước cái nắng nóng ngột ngạt trộn vào mùi hôi nồng nặc do nước xuống trơ bùn đen, ông Tư - một người dân gắn bó với khu dân cư gần khu vực cầu Đò gần cả cuộc đời, cho hay, trước giải phóng, nhà cửa ven tuyến rạch này còn thưa thớt. Sau năm 1975, ông cùng nhiều hộ dân ở đây tham gia đi kinh tế mới, nhưng không trụ nổi với cuộc sống quá khó khăn, thiếu thốn ở vùng núi heo hút nên đã quay về chốn cũ, bám lấy thành thị để tồn tại. Theo thời gian, người dân lao động nghèo ở khắp nơi tập trung về đây chiếm đất, che chắn dựng nhà tạm để ở khiến khu vực này ngày càng đông đúc. 

Theo lời ông Tư, những hộ dân gốc ở đây phần đông do khó khăn, không có điều kiện mua nhà nơi khác cho con cái ra ở riêng và do cần mở rộng không gian sinh hoạt nên đã tự ý cơi nới. Đất rạch không được quản lý kỹ, dần dà người dân chen nhau ở kín hết cả ra mặt nước rạch. 

Không được phép làm nhà chắc chắn, những căn nhà tôn ọp ẹp nằm chênh vênh trên mặt rạch luôn phải đối mặt với nguy cơ bị đổ ụp xuống dòng nước đen bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão. Thậm chí, ngay cả việc thoát hiểm cũng là nỗi ám ảnh với những hộ dân sống trên bờ, trên mặt nước rạch khi lối ra hẻm chính phía trước đôi khi chỉ đủ một người lách qua. 

Ông Tư cho biết, nghề chính của ông trước đây là chạy xe ôm, còn vợ ông buôn bán lặt vặt. Mấy năm nay do sức khỏe yếu, ông đã phải nghỉ chạy xe ôm, còn vợ ông cũng ốm bệnh suốt nên phải ở nhà. Cùng ở với vợ chồng ông còn có vợ chồng người con gái lớn có 3 con nhỏ đang tuổi đi học và cô con gái thứ. Cả gia đình 3 thế hệ với 8 con người chen chúc trong căn nhà có bề rộng khoảng 3m nằm chìa cả nửa phía sau ra mặt kênh với diện tích vỏn vẹn 40m² cùng một căn gác xép. 

Ông bà không còn kiếm được tiền nên những năm gần đây cả 8 miệng ăn nhà ông chỉ biết trông chờ vào đồng lương tạp vụ của cô con gái lớn cùng thu nhập bấp bênh từ nghề lao động tự do của người con rể và tập vé số của cô con gái thứ 2. Nhà cửa chật chội, ngột ngạt, nên hàng ngày ông Tư thường phải xách ghế bố ra nằm, ngồi dưới gốc cây bàng sát cầu Đò để tìm chút không gian riêng. 

Hỏi ông ở đây ô nhiễm vậy có bị “ngộp” không, ông cười buồn: “Ngửi riết cũng quen rồi”. Thu nhập bấp bênh, gia đình ông được xếp vào diện hộ nghèo nên hằng năm chính quyền địa phương đều phải thăm hỏi, tặng quà vào những dịp lễ, Tết; ngay cả tấm thẻ bảo hiểm y tế của ông phòng lúc đau bệnh cũng phải nhờ phường hỗ trợ. “Đời tôi coi như bỏ khi chẳng còn sống được mấy năm, chỉ thương các con, các cháu còn trẻ…”, ông Tư nói sau tiếng thở dài. 

Theo tính toán của UBND quận Bình Thạnh, hệ thống rạch Xuyên Tâm đang tải lượng nước thải của 40% người dân trên địa bàn quận. Trong đó lượng nước thải chưa qua xử lý lên đến con số 40.000m³/ngày, đó là chưa kể lượng rác thải sinh hoạt được xả trực tiếp xuống rạch hàng ngày. 

Chưa tính số hộ dân bị ảnh hưởng ở quận Gò Vấp, theo thông tin từ ông Hồ Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm sẽ có 2.135 căn hộ dân trong quận bị ảnh hưởng, trong đó có 915 căn phải giải tỏa toàn phần và 1.220 căn giải tỏa một phần. Như vậy, những năm qua, hàng chục ngàn người dân đã phải chịu đựng cảnh sống tạm bợ, lụp xụp và sống chung với rác thải, mùi hôi thối của tuyến rạch. 

Trái ngược hẳn với vẻ sầm uất, khang trang cách đó chừng trăm mét của người dân sống ven mặt tiền đường Điện Biên Phủ cũng thuộc địa bàn quận Bình Thạnh, hay những khu dân cư lộng lẫy phía bên quận 1. 

Ông Lưu Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường 2, quận Bình Thạnh cho biết, phía cuối một tuyến hẻm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, năm 2016, dự án chung cư Mỹ Phước cũng đã được Cienco 5 hoàn thành. Với 540 hộ dân, chung cư này cũng đã góp phần giải tỏa cho cả trăm hộ dân trên và ven một đoạn rạch trong hệ thống rạch Xuyên Tâm. Tuy nhiên đường vào chung cư này khá hẹp cũng là điều gây băn khoăn cho các hộ dân chung cư và cả chính quyền địa phương trong trường hợp xảy ra cháy, phải đưa xe thang loại lớn vào chữa cháy.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, kênh, rạch là nguồn tài nguyên quý giá thiên nhiên ban tặng cho thành phố. Chẳng những có giá trị cao về cảnh quan, môi trường, giao thông, mà nếu có cơ chế chính sách phù hợp thì còn tạo ra nguồn lực lớn về kinh tế và phát triển du lịch. Nhưng do chưa được quy hoạch tổng thể, chưa được kè bờ và tình trạng sông rạch bị lấn chiếm, bị sạt lở, bị ô nhiễm nghiêm trọng đã làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân thành phố, nhất là những người dân đang sống trên và ven kênh rạch.
Đức Thắng
.
.
.