Hàng loạt vụ ẩu đả vì tranh giành khách ở bến xe phía Nam

Thứ Hai, 24/01/2005, 14:59
Bến xe phía Nam được xây dựng và đưa vào hoạt động trên 10 năm, với diện tích 1,3 ha, thiết kế cho khoảng 500 lượt xe ra vào mỗi ngày. Nhưng ở đây lượng xe ra vào bến ngày một tăng (gần 1.000 lượt ôtô vận chuyển khách/ngày). Xe tăng, khách không tăng dẫn đến cung vượt cầu và nhà xe trở thành nơi "cò khách". "Cò" này giành khách với "cò" kia, thế là ẩu đả, cãi chửi nhau liên tục.

Trưa 6/1, cả Bến xe phía Nam náo loạn khi nghe tiếng la thất thanh của một phụ xe: "Cứu tôi với, thằng Hoài định giết tôi". Thấy hai phụ xe đánh nhau, một vài người định can, nhưng thấy Hoài đang hung hăng lăm lăm lưỡi AK thì tỏ vẻ ngán ngẩm. Tổ Cảnh sát hình sự của Trạm Cảnh sát Bến xe phía Nam (Trạm CSBXPN) có mặt ngay sau đó vài phút đã đưa cả hai về trạm. Do vết thương nặng, phụ xe Tạ Văn Hùng được đưa đi Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

 

Tìm hiểu ở Trạm CSBXPN, chúng tôi được biết, vụ ẩu đả trên xuất phát từ nguyên nhân tranh khách giữa hai nhà xe. Tháng 7/2004, chủ xe khách 36L-8623 đã có mâu thuẫn với chủ xe 29N-7077. Ngày 14/7/2004, nhà xe 29N-7077 đã thuê 4 thanh niên ở Hà Tây hành hung phụ xe 36L-8623. Công an huyện Thường Tín bắt được 1 trong 4 tên trên và đang tiếp tục điều tra.

 

Đến ngày 6/1, anh Hùng là phụ xe 36L-8623 đang đón khách tại bến thì tên Hoài, phụ xe 29N-7077 đã nhảy vào đánh anh Hùng. Hai bên giằng co một hồi, tên Hoài rút lê đã giấu sẵn trong người đâm vào tay, vào người anh Hùng nhưng không thành. Lợi dụng lúc anh Hùng sơ ý, Hoài đã đâm lưỡi lê vào đùi anh Hùng khiến anh bị thương. Trạm CSBXPN đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án lên Công an quận Hoàng Mai để điều tra xử lý tiếp.

Đây chỉ là một trong số hàng chục vụ gây rối trật tự công cộng (TTCC) do tranh giành khách gây ra. Theo Trạm CSBXPN thì hầu như tuần nào ở đây cũng xảy ra đánh nhau do tranh khách. Thậm chí có thời gian ngày nào cũng có, hoặc có ngày xảy ra 2 đến 3 vụ. Trong số hàng trăm vụ vi phạm bị lập biên bản xử phạt hành chính thì chủ xe, phụ xe mang biển kiểm soát của Thanh Hóa chiếm con số nhiều nhất do đây là tuyến có số đầu xe quá tải. 8h sáng 14/12/2004, do sốt ruột vì chưa đủ khách mà lại tới giờ phải rời bến, Phạm Văn D., ở Quảng Xương, Thanh Hóa, chủ xe 36L... thấy Đỗ Xuân Hà, là sinh viên đang học ở Hà Nội tranh thủ ngày nghỉ ra "cò" khách cho mẹ là chủ xe 36L-6683 đã tức tối ra mặt. Có một khách đi Thanh Hóa mà cả hai nhà xe cùng nài nỉ khiến người khách bực mình chẳng đi xe nào. Cả hai bên lời qua tiếng lại, máu "yêng hùng" nổi lên, D. leo lên xe rút tuýp sắt nhảy xuống vụt liên tiếp vào đầu và mặt Hà khiến anh ngã lăn ra đất phải đưa đi cấp cứu.

Giải quyết không xuể

Tình trạng gây rối TTCC do tranh giành khách, tranh giờ xếp khách diễn ra như cơm bữa đã 2 năm nay. Theo Trung tá Nguyễn Bá Riến, Trạm trưởng Trạm CSBXPN thì sở dĩ tồn tại tình trạng trên là do thời gian quy định xếp khách cho một chuyến xe đã bị rút ngắn. Nếu như trước đây, xe chất lượng cao đi một số tỉnh có thời gian từ 30 phút đến 1h/chuyến thì nay chỉ còn từ 8 đến 10 phút/chuyến. Vào những ngày cao điểm như 30/4, mùng 2/9 thì không sao, nhưng vào ngày thường là sinh ra chuyện. Có xe khi ra khỏi bến mà chỉ có vài ba khách. Nếu tính tiền đầu tư mua xe, tiền xăng xe... thì bị lỗ nặng.

 

Do lượng xe hiện nay đã cung vượt quá cầu, buộc các chủ xe, phụ xe (mỗi xe thường có 2 phụ) ào ra ngoài bến, thậm chí ra cả đường để mời chào khách. "Khách hàng là thượng đế"- nếu khách nào còn chần chừ chưa muốn đi phải nói dối là bị đau chân thì ngay lập tức phụ xe bế hoặc cõng lên xe ngay, mặc kệ khách phản ứng. Được xác định là một đầu mối giao thông quan trọng của Thủ đô, hàng ngày có rất nhiều khách du lịch quốc tế đi lại bến xe này, nếu cứ tái diễn mãi hình ảnh trên, liệu họ nghĩ gì?

Đồng chí Riến cho biết thêm, nếu ngày nào có khoảng 30 nghìn khách thì không sao, nếu chỉ 10 đến 15 nghìn khách là sẽ có đánh nhau. Hết giờ trong bến mà còn chần chừ là xe sau gây chuyện đánh nhau liền. Cả Trạm Cảnh sát chỉ có 13 cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ trật tự trong và ngoài bến, có những lúc họ làm không xuể khi các vụ gây rối TTCC tăng chứ không giảm. Nhiều vụ nếu Công an không can thiệp kịp thời sẽ trở nên nghiêm trọng và phức tạp. Năm 2004, Trạm CSBXPN đã lập biên bản xử phạt 2.657 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 180 triệu đồng, trong đó phần lớn là các vụ gây rối TTCC do tranh giành khách. Nếu ngày nào xảy ra 2 đến 3 vụ ẩu đả là cán bộ, chiến sỹ của Trạm phải ăn bánh mì thay cơm.

Giải pháp nào cho tình trạng trên?

Giải pháp tối ưu mà các nhà xe "sợ" nhất hiện nay là xử phạt mạnh và giữ xe (nếu xe đang có khách thì yêu cầu khách xuống đi xe khác). 200 nghìn đồng là mức phạt cho một lần đánh nhau bằng tay không và 2 triệu đồng cho mức phạt nếu lái, phụ xe nào dùng hung khí đánh nhau. Để đảm bảo ANTT trong dịp Tết Nguyên đán, Trạm CSBXPN đã phối hợp với Xí nghiệp Quản lý bến tăng cường lực lượng cần thiết ở các khu vực xếp khách đi các tỉnh, khu vực sân để đảm bảo trật tự...

Thực hiện kế hoạch 60 ngày đêm (từ ngày 15/12/2004 đến 15/2/2005) do Công an thành phố phát động, Trạm CSBXPN đã giải quyết 4 vụ va chạm đánh nhau, 1 vụ trộm cắp, 2 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm, bắt 14 đối tượng nghiện ma túy lang thang làm "cò mồi", xử lý hàng trăm trường hợp lợi dụng vào bến để mời khách đi xe ôm. Với mục tiêu đưa Bến xe phía Nam trở thành bến xe "An toàn, văn minh, trật tự đô thị", Trạm CSBXPN và Xí nghiệp Quản lý Bến xe phía Nam đã giải quyết cơ bản không còn tình trạng hàng rong, xe ôm gây lộn xộn trong bến.

Tuy nhiên, sự quá tải về số lượng xe ra vào bến nhiều khi gây ùn tắc ra đến đường Giải Phóng và là nguyên nhân chính gây nên tình trạng tranh khách đánh nhau giữa các nhà xe. Theo đồng chí Riến thì biện pháp để hạn chế tình trạng trên là Xí nghiệp Quản lý Bến xe phía Nam nên bố trí lực lượng sắp xếp các phương tiện đỗ, đón, chờ khách, phân luồng để không xảy ra xung đột. Dù đã có nhiều biện pháp xử lý nghiêm khắc, nhưng nhiều lái, phụ xe vẫn coi thường tính mạng của chính mình và của hành khách

Trần Hằng
.
.
.