Hải Phòng: Dự án đô thị Hồ Sen Cầu Rào 2 bao giờ mới hoàn thành?

Thứ Sáu, 03/08/2007, 17:07
Dù thuộc loại trọng điểm, có ý nghĩa to lớn về chiến lược phát triển đô thị Hải Phòng khang trang, hiện đại, dự án khu đô thị Hồ Sen - Cầu Rào 2 sau nhiều năm khởi công vẫn là dự án trên giấy, chỉ vì những vướng mắc về... giải phóng mặt bằng.

Khu đô thị mới Hồ Sen - Cầu Rào 2 (HSCR2) là một dự án rất lớn được phê duyệt khởi công cách đây đã trên 5 năm với ý nghĩa như một bước đột phá chưa từng có về quy hoạch phát triển không gian đô thị Hải Phòng.

Khu đô thị trong mơ

Phạm vi dự án đô thị mới Hồ Sen - Cầu Rào 2 (HSCR2) nằm trọn vẹn và chiếm phần lớn diện tích trên địa bàn quận Lê Chân. Chỉ riêng đất phục vụ cho việc xây dựng đã là 509 ha, quy mô dân số cho khu đô thị mới này lên đến 54.000 người.

Theo quyết định phê duyệt, Khu đô thị HSCR2 được xác định là khu dân dụng đô thị được cải tạo chỉnh trang và xây dựng mới phát triển về phía Nam của thành phố; có đầy đủ các chức năng quan trọng của một đô thị hiện đại như nhà ở chuyên biệt hóa các loại chung cư cao tầng, thấp tầng, khu cao ốc, khu biệt thự đơn lập, song lập, khu nhà có vườn liền kề; các trung tâm mang tính công cộng - dịch vụ - thương mại tổng hợp, văn phòng công sở cấp thành phố, quận và cấp đơn vị; văn hóa, thể dục - thể thao, cây xanh - công viên - hồ điều hòa; giao thông và các chức năng khác.

Toàn bộ dự án được chia làm 3 khu vực quy hoạch: Khu A từ ngã tư Tô Hiệu đến QL5, khu B: Từ QL5 đến đường Ngô Gia Tự kéo dài và khu C: từ đường Ngô Gia Tự kéo đến bờ Nam sông Lạch Tray.

Ngoài các hạng mục chính mở ra một đô thị mới, xóa bỏ cảnh quan chèn ghép, chật chội, bức bối và quá tải của đô thị hiện tại, hàng loạt công trình kỹ thuật hạ tầng khác cũng sẽ được hình thành, trong đó có các tuyến giao thông vô cùng quan trọng như đường nối HSCR2, cầu Rào 2... làm tiền đề mở rộng đô thị chung Hải Phòng về phía Đông, Nam thành phố.

Lễ khởi công tiểu dự án khu đô thị nối đường Lạch Tray - HSCR2.

Có thể nói rằng, vào thời điểm những năm đầu thế kỷ XXI, với ý tưởng quy hoạch như trên, Khu đô thị HSCR2 xứng đáng được gọi là khu đô thị trong mơ, lúc nào cũng đặt ở vị trí ưu tiên nhất trên bàn nghị sự của các cấp, ngành nhằm tập trung những giải pháp điều hành triển khai dự án.

Vướng mắc quá lớn

Song thật trớ trêu, bất chấp ý tưởng tốt, chủ trương đúng, kế hoạch hay, dự án này là một trong những dự án điển hình về sự ách tắc, chậm tiến độ và vướng mắc triền miên. Vì vậy, sau rất nhiều năm triển khai, tổng quỹ đất thu hồi giải phóng mặt bằng cho Ban quản lý dự án này mới chỉ đạt chừng 30%.

Nhưng phần đất ít ỏi thu hồi được rất xôi đỗ, chỉ đủ để bố trí mặt bằng làm các lễ khởi công cho các tiểu dự án như cầu Rào 2, Khu đô thị nối đường Lạch Tray - HSCR2.

Nguyên nhân của sự ách tắc vẫn là những nguyên nhân muôn thuở, người dân không chấp nhận giá đền bù, không ưng ý địa điểm tái định cư. Thậm chí có cả những nguyên nhân rất "lạ". Đó là, có khá nhiều đối tượng sẵn sàng không đồng ý bất cứ thỏa thuận nào được đưa ra từ phía chính quyền, các ngành chức năng(?).

Vì dự án trên phạm vi quá lớn lại có quá nhiều vướng mắc, để tránh bị... treo, UBND TP chỉ đạo nếu vướng mắc về tổng thể thì sẽ tiến hành giải toả từng phần. Theo đó, tiểu dự án đô thị nối từ đường Lạch Tray hiện tại đến đường HSCR2 (chưa hình thành) do Công ty cổ phần Xây lắp thương mại Hải Phòng làm chủ đầu tư đã được khởi công xây dựng từ 1/9/2006.

Dù chỉ là dự án nhỏ, gắn việc xây dựng tuyến đường nối dài 1,2km với việc phát triển khu dân cư 2 bên trục đường mới nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Giai đoạn 1 của dự án này liên quan đến trên 400 hộ dân phường Đông Hải (quận Lê Chân) thuộc diện phải di dời bàn giao mặt bằng.

Đến nay, sau rất nhiều nỗ lực, đã có hơn 300 hộ dân chấp thuận phương án bồi thường hỗ trợ của TP, bàn giao mặt bằng cho dự án. Các trường hợp còn lại đã cố tình không chịu nhận bồi thường hỗ trợ mặc dù các cấp chính quyền của thành phố, quận đã nhiều lần họp dân thuyết phục vận động giải thích, giải quyết các kiến nghị của các hộ này theo đúng chế độ chính sách của Nhà nước.

Về phía chủ đầu tư, do sức ép về tiến độ, Công ty cổ phần Xây lắp thương mại đã vận dụng đến những cơ chế ngoài chính sách nhằm ưu ái cho các hộ thuộc diện này. Cụ thể: Theo quy định của Nhà nước, đối với các hộ đất lấn chiếm không được tiêu chuẩn tái định cư, nhưng ở đây chủ đầu tư đã đề nghị thành phố cho 100% hộ dân cả đất thổ cư và lấn chiếm được tái định cư.

Riêng các hộ có đất thổ cư hợp pháp còn được hỗ trợ thêm về giá đất tái định cư... Vậy nhưng, đến thời điểm này vẫn còn 17 hộ dân có nhà cửa, 3 hộ canh tác rau màu khu vực nghĩa địa ven bờ Đầm Chung không chấp hành quyết định thu hồi đất của TP.

Quá trình vừa tuyên truyền, vận động, vừa kiên quyết không tiếp tục nhượng bộ, đến ngày 30-7 mới có 4 hộ tự nguyện nhận bồi thường hỗ trợ. Số còn lại vẫn nhất định không giao đất với mục đích đòi được nâng giá đền bù hỗ trợ đất và vật kiến trúc hoa màu...

UBND TP cho biết, những gì tốt nhất có thể làm được cho các hộ dân thì thành phố đã làm rồi, làm hết khả năng. Song những người này đã cố tình đi ngược lại chủ trương đường lối, cản trở thực hiện dự án mang tính chiến lược của Hải Phòng. Do đó, cần phải áp dụng những hình thức bắt buộc là cưỡng chế, tháo dỡ, di dời.

Cũng theo chính quyền thành phố, kể từ nay, việc vận động tuyên truyền, hỗ trợ ngoài chính sách, quy định Nhà nước cũng cần có giới hạn. Nếu như các hộ không tự giác chấp hành thì thành phố buộc phải áp dụng những hình thức kiên quyết hơn nhằm bảo đảm cả dự án lớn không bị ách tắc dài hơn nữa

Lê Minh Triết
.
.
.