Hà Nội: Quyết liệt "xoá" đại lý Internet gần trường học

Thứ Tư, 01/09/2010, 09:56
Nếu đại lý Internet cách trường học 205m, 210m... thì xử lý như thế nào? Tại cuộc họp chiều 31/8 của Sở Thông tin Truyền thông (TTTT) Hà Nội với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TTTT Lê Nam Thắng, vấn đề này một lần nữa được khẳng định sẽ thực hiện theo: "Điểm b, Khoản 1, Điều 4 Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND quy định "đại lý Internet phải có địa điểm cung cấp dịch vụ cách cổng ra vào của các trường học tối thiểu 200m".

Dùng thước dây đo khoảng cách đại lý Internet đến trường học

Quy định cắt đường truyền đến đại lý Internet từ 23h hôm trước đến 6h sáng hôm sau; chấm dứt hoạt động đại lý Internet cách trường học dưới 200m bắt đầu thực hiện từ 1/9. Quá trình triển khai thực hiện quy định này, các quận, huyện tại Hà Nội rà soát, kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet trên địa bàn.

Việc làm này được các ngành, các cấp vào cuộc một cách quyết liệt và nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Tuy nhiên, từ việc ráo riết quản lý dịch vụ Internet, Sở TTTT Hà Nội nhận thấy, nhiều đại lý không tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý Internet, để người sử dụng tuỳ tiện truy cập vào các trang thông tin thiếu lành mạnh gây phương hại đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bản sắc văn hoá.

Ông Chánh thanh tra Sở TTTT cho biết, Sở đã thanh tra, kiểm tra mang tính chất diện rộng để có đánh giá chung về hoạt động kinh doanh Internet. Từ đó, phát hiện vi phạm cơ bản là không chấp hành điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ Internet. Đó là, không có thông tin về người sử dụng dịch vụ; không có sổ ghi chép thông tin khách hàng; không đáp ứng yêu cầu âm thanh; 100% đại lý Internet phục vụ game onlie.

Trong quá trình kiểm tra đại lý Internet gần trường Mầm non Hoa Sen, số 111 D6, Giảng Võ thấy tại đây có 120 máy, cấu hình cao. Đoàn kiểm tra yêu cầu chuyển địa điểm trước 16/8, yêu cầu nhà cung cấp cắt đường truyền nhưng cả chủ đại lý và doanh nghiệp cung cấp mạng không thực hiện. Tối 30/8, khi kiểm tra phát hiện chủ đại lý dùng đến 3 đường truyền. Đây là cách làm đối phó bởi nếu cắt đường truyền này, họ sẽ sử dụng đường truyền khác.

Đại diện Phòng Văn hoá Thông tin (VHTT) thị xã Sơn Tây cho biết, trên địa bàn có 19 đại lý Internet cách trường học dưới 200m. Ngày 20/8, Phòng VHTT mời chủ đại lý lên họp, làm cam kết đóng cửa vào ngày 30/8 và chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên vấn đề nảy sinh là: đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, việc cấp giấy phép kinh doanh của các quận, huyện do Phòng Tài chính Kế hoạch cấp, không có ràng buộc với Phòng VHTT nên vô hình trung lại thành kinh doanh không điều kiện; cự ly cách cổng trường 200m nảy sinh bất hợp lý vì có những đại lý mở ra sát trường nhưng nếu đi vòng từ cổng ra lại cách hơn 200m.

Học sinh chơi game lại thích vào những nơi kín đáo. Vị đại diện này đưa ra đề xuất nên lấy khoảng cách, đại lý Internet cách trường (bất cứ vị trí nào) 200m không được hoạt động. Về vấn đề này, đại diện Phòng VHTT quận Hà Đông nêu giải pháp, để có con số chính xác về các đại lý Internet gần trường học, những người thực thi buộc phải dùng thước dây để đo. Và tại Hà Đông, hiện có 62 đại lý Internet gần trường học và tính đến ngày 31/8, mới có 32 đại lý dừng hoạt động.

Không quản lý được nếu nhà cung cấp đường truyền không phối hợp

Tại cuộc họp, đại diện doanh nghiệp FPT vắng mặt không lý do. Ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở TTTT cho biết, trong việc xử lý đại lý Internet ở số 111 D6, Giảng Võ, FPT đã không cắt đường truyền như yêu cầu của Sở mặc dù đã cam kết bằng văn bản chấm dứt hợp đồng với đại lý này trước ngày 30/8.

Điều này thể hiện sự thiếu thiện chí của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong việc giúp cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Trong khi đó, đại diện nhà cung cấp dịch vụ VDC cho biết, đã nhận được danh sách các đại lý Internet gần trường học do Sở TTTT cung cấp và hứa sẽ cắt đường truyền vào ngày 1/9.

Ngoài ra, vị này còn khẳng định sẽ cập nhật trên hệ thống, đúng thời điểm 23h ngày 1/9 sẽ cắt đường truyền đến các đại lý và chỉ cấp lại sau 6h ngày hôm sau. Còn doanh nghiệp Viettel thì hỗ trợ các chủ đại lý Internet gần trường học bằng cách hỗ trợ cho đại lý khi chuyển đổi địa điểm kinh doanh; giảm giá 23-6h.

Ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở TTTT Hà Nội cho rằng, để quản lý hoạt động này cần thường xuyên duy trì. Đối với các nhà cung cấp đường truyền, đừng vì lợi ích mà không làm việc đó. FPT không đến dự là thiếu nghiêm túc.

Quản lý tốt dịch vụ Internet là việc làm cấp bách hiện nay. Hà Nội quyết liệt với công tác này cho thấy quyết tâm của thành phố đối với vấn đề mà cả xã hội đang quan tâm

Nên nhìn nhận, đánh giá đại lý Internet một cách khách quan. Để quản lý tốt, nên áp dụng tổng hợp các biện pháp. Đó là nâng cao nhận thức; các biện pháp hành chính (thanh tra, kiểm tra, xử phạt); biện pháp kỹ thuật. Tuy nhiên, biện pháp kỹ thuật không được lạm dụng vì cùng với nó là chặn cả thông tin tốt. Đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội, là cả một hệ thống.

Thứ trưởng Bộ TTTT Lê Nam Thắng

Cao Hồng
.
.
.