Hà Nội: Đang truy tìm thủ phạm chặt phá vườn quất

Thứ Năm, 27/01/2011, 09:57
Qua một đêm ngủ dậy, gần chục hộ trồng quất cảnh ở vựa quất Tứ Liên, nơi nổi danh quất cảnh đẹp của Hà Nội, tá hỏa, không tin vào mắt mình khi một số cây thuộc diện "hàng tuyển" có giá trị từ 3- 5 triệu đồng đã bị chặt vẹt mất phần ngọn.

Và theo các chủ vườn thì quất đã tạo thế mà cắt đi phần ngọn thì cây chẳng có giá trị gì. Những cây quất đang có giá 5- 6 triệu đồng giờ không biết bán cho ai. Chuyện phá hoại quất cảnh ở đúng thời điểm giáp Tết, thời kỳ người trồng quất thu hoạch thành quả lao động sau cả năm trời vất vả chăm bón, là sự việc hy hữu chưa từng xảy ra ở xứ quất cảnh này.

Chiều 26/1, chúng tôi có mặt tại vườn quất cảnh Út Nguyệt tại xã Tứ Liên. Đây là vườn quất chịu thiệt hại nặng nề nhất của đợt phá cây vừa rồi. Ông Út - chủ vườn bức xúc chỉ cho chúng tôi 7 cây quất đẹp nhất vườn của ông bị chặt ngọn. "Đây các cô xem. Cây này tôi đã bán cho khách giá 5 triệu đồng, thế mà không biết kẻ nào nỡ chặt mất ngọn.

Chủ vườn Út Nguyệt và cây quất 5 triệu đồng bị chặt phá.

Tôi khắc phục mãi mới bán được bằng giá gốc cho người ta là 650.000 đồng. Đây còn là cây bị nhẹ. Những cây khác giá đang từ 3- 4 triệu đồng/cây, giờ thì có cho cũng chẳng ai lấy. Cả một năm làm ăn, người ta muốn mua cái cây đẹp về chơi. Giờ mất ngọn, mất lộc rồi, người ta lấy làm gì?" - ông Út cho biết. "Sáng hôm ấy, tôi nghe nói nhà ông Viêm bị phá quất, mới bảo vợ con là sang chia buồn. Sang đến nơi, thấy mấy nhà nháo nhác, tôi mới giật mình, có khi nhà mình cũng bị. Chạy về kiểm tra, hóa ra nhà mình bị nặng nhất".

Tổng thiệt hại từ vườn của ông là khoảng 20 triệu đồng, bằng nửa năm lao động của cả gia đình. Bên cạnh vườn nhà ông, vườn quất Tài… cũng thiệt hại không kém. Ngọn của 6 cây quất to đẹp nhất, giá từ 3-6 triệu đồng/cây không cánh mà bay. Chủ vườn này đã tìm mọi cách khắc phục, bán đổ bán tháo, nhưng cũng chỉ bán được vài cây. "Còn lại thì chỉ có  ngắt quả mà bán lẻ".

Dọc cả dãy trồng quất ven sông Hồng, 7 nhà đều bị tình trạng tương tự. Nhà bị nhẹ nhất là 2 cây, thiệt hại khoảng 1 triệu đồng. Nhà nặng như ông Út, ông Viêm, ông Tài thì mất trên dưới 20 triệu. "Ác nhất là nó cứ chọn cây người ta mua rồi nó chặt. Nó chém hỏng hết cây, vứt vương vãi cành ngay tại vườn. Mà mấy cái cây ấy giờ cứ như phải vía, tôi rao bán rẻ cũng chẳng ai hỏi đến" - ông chủ vườn quất Viêm Thúy bức xúc.

Ông Viêm xót xa bên vườn quất bị chặt ngọn.

Cũng vì quất bị phá, mấy chục vị khách đã cất công đến đây trước cả tháng để đặt những cây ưng ý nhất đành ngậm ngùi chọn cây khác. "Chúng tôi phải gọi điện mời khách đến, giải thích lý do, rồi để họ chọn cây khác, bán ưu đãi hơn. Cực chẳng đã chứ chủ vườn cũng không ai muốn".

Được biết, người dân khu vực này sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, trồng ngô, cây bạc hà, rau… trong đó quất là một trong những thu nhập chính. Bắt đầu từ tháng 4, người dân vùng này bắt đầu lấy giống từ Văn Giang về trồng và chăm sóc. Ông chủ vườn quất Út Nguyệt cho biết, nếu mùa vụ tốt, được giá thì trung bình mỗi tháng người dân lãi được khoảng 3,5 đến 4 triệu đồng.

Như vậy một mùa Tết cũng thu được khoảng 40 - 50 triệu đồng. Đối với những hộ dân trồng quất ở Tứ Liên thì câu chuyện bị kẻ nào đó "đang tâm" chặt phá quất trong kỳ thu hoạch như thế này là chuyện xưa nay hiếm. Bởi những người trồng gần nhau thường là bà con chòm xóm, người thân trong dòng họ.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Hồng Cương, Phó Trưởng Công an phường Tứ Liên cho biết: Ngay khi được tin trình báo, chúng tôi đã đến hiện trường để tìm  hiểu, ghi hình hiện trường. Tuy nhiên, 7 hộ gia đình này đều không có mâu thuẫn với ai, nên chúng tôi loại trừ nguyên nhân do mâu thuẫn cá nhân. Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục điều tra truy tìm thủ phạm để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

 Trung tá Cương cũng cho biết thêm, cứ mỗi dịp Tết hàng năm, các vườn quất trên địa bàn phường Tứ Liên thu hút từ 3.000 - 4.000 lao động thời vụ đến hoạt động. Dù thời điểm tập trung đông nhất là từ 23 tháng Chạp đến 30 Tết Nguyên đán nhưng tình hình an ninh trật tự trên địa bàn không có nhiều xáo trộn. Như năm nay, trung bình mỗi cuốc xe ôm chở quất, xa hay gần cũng đều có giá 200.000 đồng/lượt.

Vì vậy xe ôm tận Giáp Bát, hay các tỉnh lân cận cũng về hoạt động. Tuy nhiên, từ trước đến nay ở vùng này chưa bao giờ xảy ra hiện tượng chặt phá cây hay đào trộm quất cảnh. "Tết năm nào chúng tôi cũng phát trên loa cảnh báo người dân tự bảo vệ tài sản, yêu cầu thương lái đến đánh quất và xe ôm chở quất phải đến khai báo tạm trú.

Những  người nghỉ đêm lại địa phương, chúng tôi đều quản lý được. Vì vậy, dù số người vãng lai trên địa bàn phường rất đông, tình hình an ninh trật tự vẫn được đảm bảo, trộm cắp rất ít xảy ra. Bởi thế chúng tôi cũng rất bất ngờ khi nhận được tin này" - Trung tá Nguyễn Hồng Cương cho biết.

Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, các hộ bị chặt quất đều ở khu vực bãi bồi, người dân mới cải tạo trồng quất từ 2, 3 năm nay, vườn quất giáp sông Hồng nên thời tiết lạnh cóng như thế này thường không có người ngủ lại trông bảo vệ cây. Những vườn ở khu vực khác thì người dân đều dựng lều trông cây.

Đây cũng có thể là sơ hở để một số đối tượng chặt phá quất. Công an phường Tứ Liên cũng cho biết, lực lượng tuần tra chuyên trách và bảo vệ đồng bãi còn mỏng, các nhà vườn cần nâng cao cảnh giác, thực hiện đúng các hướng dẫn, tuyên truyền để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra

Thu Uyên - Vũ Hân
.
.
.