Gia tăng các vụ phá rừng ở địa bàn giáp ranh

Thứ Ba, 20/04/2021, 06:30
Thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tăng cường phối hợp kiểm tra, bắt giữ, xử lý nhiều vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Tuy nhiên, tình trạng chặt phá rừng, đặc biệt là những cánh rừng nằm sâu thuộc địa bàn giáp ranh vẫn tiếp diễn.

Những năm trở lại đây, khu vực giáp ranh địa bàn các xã Hồng Vân, Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) với huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị thường xảy ra tình trạng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép.

Mới đây nhất, rừng tại tiểu khu 256 thuộc địa bàn xã Hồng Thủy tiếp tục bị “lâm tặc” đốn hạ lấy gỗ. Đây là khu vực rừng phục hồi do UBND xã Hồng Thủy quản lý và xã hợp đồng với nhóm các hộ dân do ông Nguyễn Văn Sỹ (ở thôn Pa Ây, xã Hồng Thủy) làm trưởng nhóm để bảo vệ rừng và hưởng lợi theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Rừng tại tiểu khu 256, xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế) bị “lâm tặc” đốn hạ.

Từ trung tâm xã Hồng Thủy, men theo con đường mòn đi qua nhiều khu vực đồi dốc mới đến được khu vực rừng bị “lâm tặc” chặt phá thuộc lô 1, 2, khoảnh 12 và khoảnh 8 thuộc tiểu khu 256. Dọc đường đi vào khoảnh 12, một số thân cây gỗ Bạng đường kính từ 60-70cm bị đốn hạ trơ gốc, thân cây đã bị cưa xẻ vận chuyển ra ngoài, chỉ còn dấu vết mùn cưa, bìa gỗ.

Theo ông Ngô Hữu Phước, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm A Lưới, qua kiểm tra trong các ngày 14 và 15/4 cho thấy, khu vực này có các gốc cây thuộc chủng loại như Bạng, Phò Lái, Xoan đường kính từ 45-70cm bị chặt hạ. Trong đó có 4 gốc cây đã được lực lượng Kiểm lâm kiểm tra, phát hiện bị chặt hạ vào tháng 3 mới đây.

Theo ông Phước, khu vực này là địa bàn phức tạp, nằm sâu trong rừng tự nhiên, địa hình hiểm trở nên dù lực lượng đơn vị đã tăng cường phối hợp với BĐBP, các nhóm hộ được giao khoán bảo vệ rừng tổ chức kiểm tra, đẩy đuổi “lâm tặc” nhưng tình trạng khai thác lâm sản trái phép vẫn tiếp diễn.

Ông Nguyễn Văn Sỹ còn cho biết, địa bàn Hồng Thủy nằm ở khu vực giáp ranh với tỉnh Quảng Trị nên nhiều năm qua, các đối tượng “lâm tặc” đến từ tỉnh Quảng Bình cấu kết với một số đối tượng tại địa phương để chặt phá rừng lấy gỗ tại các khu vực rừng được giao cho các nhóm cộng đồng quản lý. Việc nhóm người từ ngoài địa phương lẻn vào khai thác gỗ rất khó kiểm soát, khi bị đẩy đuổi thì các đối tượng chạy qua các thôn, bản giáp ranh lẩn trốn.

“Lâm tặc thường sử dụng phương tiện xe máy tự chế, xe hết niên hạn, gắn biển số giả để vận chuyển gỗ trái phép. Các đối tượng rất manh động và tìm mọi mánh khóe để đối phó với Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng; chúng thường phá rừng về đêm vì lúc này lực lượng chức năng sử dụng đèn pin, phương tiện tuần tra thì chúng dễ phát hiện và tẩu thoát. Đã có nhiều vụ “lâm tặc” chèn ép xe máy, xe công vụ của lực lượng Kiểm lâm, chống lại người thi hành công vụ”, ông Sỹ cho hay.

Ngoài vụ phá rừng tại tiểu khu 256 thuộc địa bàn xã Hồng Thủy, trước đó, tại lô 1, khoảnh 15 thuộc tiểu khu này được giao khoán cho nhóm hộ ông Hồ Đại Phú (thôn Pa Ây, xã Hồng Thủy) quản lý bảo vệ rừng cũng xảy ra tình trạng bị lâm tặc chặt phá. Đó là chưa kể nhiều vụ vận chuyển lâm sản trái phép ở địa bàn xã Hồng Thủy, Hồng Vân cũng bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. 

Điển hình, vào đầu tháng 4/2021, tại km 321+700 đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận thôn Kêr (xã Hồng Vân, huyện A Lưới), lực lượng BĐBP tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân phát hiện, bắt giữ đối tượng Nguyễn Đình Văn (SN 1981, trú ở xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) vận chuyển 7 phách gỗ cỡ lớn. Tiếp đó, lực lượng chắc năng bắt giữ thêm đối tượng Trần Văn Anh (Sn 1969, trú ở thôn Kêr, xã Hồng Vân) sử dụng xe mô tô 3 bánh vận chuyển trái phép 6 khúc gỗ tròn nên đã lập biên bản xử lý theo quy định.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ năm 2016 đến năm 2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các đơn vị chủ rừng bắt giữ, xử lý 2.736 vụ vi phạm; tịch thu hơn 2.624m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách trên 20,2 tỷ đồng; xử phạt hành chính 699 vụ, xử lý hình sự 18 vụ. Lực lượng các đơn vị đã tổ chức 2.417 đợt truy quét với 60.922 công, xử lý, tịch thu 955,579m3 gỗ, 82 máy cưa xăng, tháo dỡ 375 lán trại và 8.239 bẫy các loại.

Lực lượng Kiểm lâm đã bám sát địa bàn rừng, kết hợp với ứng dụng ảnh viễn thám, kiểm tra và kịp thời phát hiện, ngăn chặn 311 vụ phá rừng với tổng diện tích 69,38 ha tại các địa bàn các huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy. Diện tích rừng bị phá đều thuộc trạng thái rừng nghèo, chủ rừng là UBND xã, các Ban Quản lý rừng phòng hộ và hộ gia đình, cộng đồng, nhóm hộ được giao rừng tự nhiên. Đặc biệt, tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2021, lực lượng Kiểm lâm đã bắt giữ và xử lý 73 vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp, tịch thu hơn 42,6m3 gỗ các loại, nộp ngân sách hơn 137 triệu đồng.

Trước thực trạng phá rừng diễn ra phức tạp, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu các lực lượng huy động sức mạnh tổng hợp cũng như sự chung tay, góp sức của người dân, chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức truy quét nạn phá rừng, khai thác rừng trái phép tại những khu rừng tự nhiên, rừng giáp ranh. Cương quyết điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, tiếp tay cho “lâm tặc” phá rừng.

Liên quan đến việc các đối tượng từ địa phương khác đến địa bàn tỉnh chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, ông Phương yêu cầu lực lượng chức năng tổ chức quản lý chặt chẽ công tác tạm trú, tạm vắng, những người không có nhiệm vụ vào rừng, nhất là những khu vực dễ bị tác động. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm, nhận thức của người dân cũng như vận động nhân dân tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng, tố giác tin báo tội phạm để kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Anh Khoa
.
.
.