Dư luận tranh cãi với quy định phạt lỗi vượt đèn vàng

Thứ Ba, 02/08/2016, 08:33
Sau khi đăng bài viết tranh luận về quy định mới phạt lỗi vượt đèn vàng theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-8, Báo điện tử CAND nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc và hàng nghìn comment trên fan page. Để rộng đường dư luận, chúng tôi tổng hợp và trích đăng một số ý kiến của bạn đọc...


Bạn Vương Lam đưa ý kiến: “Tôi cho là có thêm một vạch đường nữa để xác định được đi hay phải giảm tốc dừng lại… Ta tạm tính tốc độ cho phép trong thành phố là 50km/h = 13,89m/s. Ta cũng tính, một chiếc xe để từ tốc độ 50km/h dừng lại được về 0 là 10m, thời gian cũng khoảng trong 3s. Vậy ta sẽ kẻ một vạch, tạm gọi là vạch dừng đèn vàng, cách vạch dừng đèn đỏ là 13m. Tức là nếu xe vượt qua vạch đèn vàng mà đèn hiệu mới chuyển sang đèn vàng thì xe đó tiếp tục được đi qua, nếu xe chưa vượt qua vạch đèn vàng mà đèn tín hiệu đã báo đèn vàng rồi thì xe đó phải giảm tốc độ và dừng lại khi tới gần vạch kẻ đường dừng đèn đỏ”.

Bạn Binh Hoang bình luận: “Phạt lỗi vượt đèn vàng là không hợp lý, vì khi tín hiệu đèn xanh còn 1 giây, chúng ta không thể dừng lại, đành phải vượt lên đèn vàng. Nhưng có người CSGT lại lấy đấy làm lý do để phạt tiền người vi phạm khi tham gia giao thông là không đúng”. Có ý kiến không đồng tình với quy định phạt lỗi vượt đèn vàng và cho rằng: “Nếu phạt lỗi vượt đèn vàng thì tốt nhất là chỉ dùng đèn xanh, đèn đỏ”…

Dư luận chưa đồng tình với quy định phạt lỗi vi phạm tín hiệu đèn giao thông theo Nghị định 46.

Mặc dù rất nhiều ý kiến phản đối quy định vừa được đưa ra, nhưng có vẻ như nhiều người chưa thực sự hiểu rõ thời gian qua mình tham gia giao thông như thế nào và bị phạt lỗi đã hợp lý chưa. Bạn Hà Kiến Giang cho rằng: “Suy cho cùng, quan trọng nhất là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Lực lượng CSGT nên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thay vì đẩy mạnh bắt phạt như hiện nay. Như thế sẽ khiến dân tin yêu CSGT hơn vì sẽ tránh được vô vàn tiêu cực…”.

Rõ ràng, người đã cố tình vi phạm giao thông thì ngay cả đèn đỏ cũng vẫn vượt qua. Mặc dù tranh cãi về việc tăng mức phạt đối với vi phạm đèn vàng, nhưng có lẽ không nhiều người hiểu rằng, việc phạt lỗi vi phạm đèn vàng đã được áp dụng từ khi thực hiện Nghị định 171.

Khoản 3, Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Tín hiệu đèn giao thông có 3 mầu: Tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát nhường đường cho người đi bộ qua đường”. 

Như vậy có nghĩa là vượt đèn vàng đã được Luật quy định là hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và bị xử phạt vi phạm hành chính. 

Tại Nghị định 171 đã quy định mức xử phạt đối với hành vi vượt đèn vàng là từ 600.000-800.000 đồng đối với ô tô “lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông trừ hành vi vi phạm quy định tại điển k Khoản 4 điều này (lỗi vượt đèn đỏ - pv)”. Nghị định 46 tăng mức phạt lên từ 1,2 – 2 triệu đồng đối với ô tô và 300.000 – 400.000 đồng đối với xe máy “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”.

Qua trao đổi với một số CSGT nhiều kinh nghiệm làm nhiệm vụ trên đường chúng tôi được biết, lỗi vi phạm vượt đèn vàng đã được xử phạt rất nhiều theo Nghị định 171. Ngay cả với phương pháp xử phạt nguội qua camera cũng vậy. 

Tuy nhiên, không phải điểm giao thông nào cũng có camera theo dõi nên lỗi vi phạm vượt đèn vàng dễ gây tranh cãi vì thời điểm đèn vàng có thể coi là thời điểm nhạy cảm trong lúc giao thời, dễ phát sinh tranh cãi giữa cán bộ xử lý và người tham gia giao thông.

Vượt đèn vàng có thể do vô ý nhưng vượt đèn đỏ là lỗi cố ý. Nhưng theo các CBCS CSGT thì người vượt đèn vàng thường gây nguy hiểm hơn vượt đèn đỏ bởi họ cố tình nhấn ga đi với tốc độ nhanh, đến giữa đường dễ va chạm mạnh với người ở phía bên kia.

Góp ý trên tinh thần xây dựng, bạn Ngoc Son Pham bình luận: “Theo quan điểm của tôi là người tham gia giao thông là thiết kế đèn tín hiệu đếm lùi thì khoa học hơn bởi vì đèn vàng vẫn là loại đèn làm người tham gia giao thông bị lỡ trớn. Hay ví dụ đang xanh không biết thế nào là vàng cũng bị lớ trớn lại cho là vượt ẩu. Cho nên tất cả các loại đèn phải tính bằng số học lùi thì người không biết cũng phải biết”…

Dù Nghị định mới đã được ban hành và bắt đầu áp dụng, nhưng các cơ quan chức năng vẫn cần lắng nghe ý kiến người dân để đưa ra phương án tối ưu, quy định rõ ràng, dễ hiểu nhằm mục đích là đảm bảo an toàn giao thông, tránh quy định mập mờ khiến người dân khó hiểu, cũng nhằm tránh tình trạng người thực thi nhiệm vụ xử ép, xử oan người tham gia giao thông.

V.H.
.
.
.