"Dở khóc dở cười" trong thi hành án dân sự

Thứ Bảy, 19/08/2006, 08:40

Câu chuyện tòa án xét xử cho đương sự... 0,29m làm đường đi, yêu cầu chuyển... bức tường ra chỗ khác, giao cho đương sự đất lấn chiếm của Nhà nước, hay "bỏ quên" người tham gia tố tụng... đã trở thành chuyện không hiếm gặp trong các vụ thi hành án.

Năm 2005, các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) trên cả nước thụ lý 533.344 vụ (số thụ lý mới chiếm 38,66%). Trong đó, 54,02% vụ có điều kiện thi hành, 38,75% vụ chưa có điều kiện thi hành, đình chỉ 9.054 vụ, ủy thác 17.487 vụ, trả lại đơn yêu cầu THA 12.865 vụ (chiếm 7,38%). Số tiền các cơ quan THA thu được chiếm 39,98%.

Tại Hà Nội,7 tháng đầu năm 2006, cơ quan thi hành án Hà Nội thụ lý 18.639 vụ, trong đó số vụ năm 2005 thi hành dở dang chuyển qua là 13.508 vụ. Trong khối lượng khổng lồ ấy chỉ có 7.439 việc có điều kiện thi hành.

Những bản án khó thi hành

Có lẽ, bản án TAND tối cao tuyên án có chi tiết di dời bức tường là bản án mà các cán bộ THA Hà Nội phải nhắc đến nhiều nhất. Đó là vụ tranh chấp quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất giữa cụ Đỗ Thị Lưu, ông Đỗ Thế Hồng, bà Đỗ Thị Hòa, ông Đỗ Thế Sính với ông Đỗ Quốc Hiến trú tại xóm 3, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Bản án "di dời bức tường" qua nhiều công văn trao đổi vẫn chưa THA được.

Bản án số 40/ DSST ngày 28/11/2002 của TAND huyện Từ Liêm quyết định: "Buộc ông Hiến phải chuyển toàn bộ cây cối và 01 bức tường ra khỏi diện tích 530m2 về phần đất của mình…". Bản án số 125/DSPT ngày 21/6/2005 của TAND tối cao cũng quyết định ông Hiến phải chuyển toàn bộ tài sản của mình ra khỏi phần đất trên. Thụ lý vụ án mà THADS TP Hà Nội không biết phải chuyển bức tường ra sao nên đành gửi công văn tới Tòa phúc thẩm TAND tối cao đề nghị giải thích bản án.

Tòa phúc thẩm trả lời như sau: "Chúng tôi nghĩ rằng việc di chuyển cả ngôi nhà hoặc các công trình khác còn khó khăn và phức tạp hơn mà cơ quan THA vẫn giải quyết được thì một bức tường trong vụ án này không phải là không thể giải quyết được... Còn giải quyết "chuyển" bức tường đi hay nhượng bán lại cho bên nguyên đơn là quyền của các bên đương sự. Nếu đương sự phải thi hành không tự nguyện chấp hành quyết định của bản án thì trách nhiệm của cơ quan THA "chuyển" bức tường đó đi bằng cách nào là do cơ quan THA quyết định". Vậy cứ theo cái lý của Tòa phúc thẩm thì THA TP Hà Nội phải mời "thần đèn" mới giải quyết dứt điểm được.

Một vụ việc khác: Ngày 16/5/1989, chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm 10 Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội chở tài sản của ông Nguyễn Hữu Dung (bố đẻ của chị Hoa) chuyển vào nhà bà Nguyễn Thị Vy (dì ruột của Hoa), vứt đồ đạc của bà Vy ra sân trong lúc bà đi vắng.

Bản án số 336/HSPT ngày 26/8/1991, TAND TP Hà Nội xử phạt buộc Hoa phải chuyển toàn bộ tài sản của mình ra khỏi nhà để trả nhà cho bà Vy và bồi thường 500.000 đồng. Bản án có hiệu lực pháp luật. Chị Hoa đã thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình.

Tuy nhiên, có một vướng mắc rất kỳ cục ở đây là Tòa án đã "bỏ quên" ông Dung và tài sản của ông vẫn đang ở trong nhà bà Vy. Nội dung quyết định của bản án không buộc ông Dung phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ gì, cũng không xác định ông là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên ông Dung và tài sản vẫn đương nhiên ở trong nhà bà Vy. Cho đến lúc này, bà Vy đã mất nhưng việc THA vẫn không thể thực hiện.

Nhắc đến vụ án Vũ Xuân Trường và đồng bọn buôn bán trái phép chất ma tuý chắc rằng ai cũng biết. Nhưng có lẽ, chẳng mấy người biết rằng, Vũ Xuân Trường đã bị lĩnh án tử hình từ hơn chục năm nay mà việc THA vẫn còn đang dang dở. Bản án số 336/HSPT ngày 26/8/1991 của TAND tối cao, ngoài hình phạt thích đáng đối với bị cáo, án còn tuyên: "Tịch thu ngôi nhà ở 129 đường Giải phóng của Vũ Xuân Trường, trừ căn phòng 14m2 ở tầng 2 cho 2 con Vũ Xuân Trường tiếp tục ở" nhưng lại không xác định lối lên cũng như việc sử dụng công trình phụ cho căn phòng đó như thế nào.

Vũ Xuân Trường đã bị tử hình, hai con của Trường vẫn sử dụng căn phòng tầng hai để ở. Mặc dù cơ quan THA cũng như các cơ quan chức năng khác nhiều lần có văn bản đề nghị Tòa án xem xét giải thích nhưng không được đáp ứng, nên không thể bán phần còn lại của ngôi nhà để thi hành đúng quyết định của bản án được.

Ông Nguyễn Văn Lạng, Chấp hành viên THADS TP Hà Nội cho biết, ngay đầu tháng 8 này, một công dân của quận Hoàn Kiếm cầm đơn đến xin THA trong một vụ chia thừa kế. Nguyên là một người trong mấy anh chị em của gia đình này đã bán mất phần thừa kế chung. Toà án xét xử, yêu cầu người bán đất phải trả lại tiền cho người mua, nhưng lại không yêu cầu người mua phải trả lại nhà cho người bán. Vậy là rắc rối bắt đầu phát sinh từ quyết định chưa trọn vẹn của tòa án.

Khó đạt được chỉ tiêu

Những ví dụ trên chỉ mới là những bản án có điều kiện thi hành mà còn vướng mắc với muôn vàn lý do như chờ giải thích, chờ thỏa thuận… chứ chưa nói đến những bản án không có điều kiện thi hành.

Các cơ quan THA dù có nỗ lực nhiều xem ra cũng khó đạt được chỉ tiêu theo Chỉ thị 01/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thực hiện trọng tâm công tác tư pháp năm 2006 cho khối THA là đạt 75% án có điều kiện thi hành

Việt Hà - An Bình
.
.
.