Cuộc “đại phẫu” lực lượng quản lý rừng ở Quảng Nam

Thứ Ba, 10/04/2018, 14:32
Việc quản lý, bảo vệ rừng sẽ phân cấp mạnh về địa phương cấp huyện, quy rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện về việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

Sau hàng loạt vụ phá rừng gây rúng động dư luận cả nước thời gian gần đây, sáng 10-4, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với Sở NN&PTNN, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng lãnh đạo huyện Nam Giang, Phước Sơn để thực hiện cải tổ bộ máy quản lý, bảo vệ rừng từ cấp cơ sở.

Đây là một buổi họp kín, phóng viên báo chí không được tham dự. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên CAND sau cuộc họp, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết nội dung cuộc họp đã thảo luận, tranh luận thẳng thắn về công tác tổ chức, cán bộ của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng.

Tỉnh Quảng Nam đang triển khai nhiều biện pháp mạnh sau các vụ phá rừng liên tiếp được phát hiện.

Ông Thanh nhấn mạnh tại cuộc họp đã thống nhất giao Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam xây dựng đề án kiện toàn, tổ chức lại bộ máy kiểm lâm, Ban quản lý rừng. Trước mắt, sẽ áp dụng thí điểm tại huyện Nam Giang từ tháng 5-2018 để rút kinh nghiệm, triển khai trên địa bàn toàn tỉnh từ đầu năm 2019.

Theo đề án này thì việc quản lý, bảo vệ rừng sẽ phân cấp mạnh về địa phương cấp huyện, quy rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện về việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

Điểm đáng chú ý là sắp xếp, tách Hạt Kiểm lâm thuộc Ban quản lý rừng giao về cho địa phương quản lý, chứ không phải như hiện nay Giám đốc Ban quản lý rừng kiêm luôn Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm của Ban quản lý rừng.

Trên thực tế, hiện Quảng Nam có 170 xã, song chỉ có 70 cán bộ kiểm lâm phụ trách xã. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tăng cường ít nhất 1 xã có 1 kiểm lâm địa bàn, một số xã có rừng nhiều có thể có 2-3 kiểm lâm địa bàn. Số kiểm lâm địa bàn này chịu sự quản lý, chỉ huy trực tiếp của Chủ tịch UBND xã.

Và, việc giao khoán rừng sẽ được triển khai đến cộng đồng thôn. Từ thôn sẽ thành lập các Đội quản lý rừng, tuyển chọn những thanh niên đủ sức khỏe, đủ điều kiện theo quy định để thực hiện tuần tra, bảo vệ rừng và được hưởng chế độ cao.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đã giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh rà soát, thống kê số kiểm lâm già yếu để có sự chuyển đổi phù hợp. Đối với các kiểm lâm già thì chuyển về địa bàn đồng bằng, còn kiểm lâm yếu sức khỏe sẽ khuyến khích nghỉ hưu sớm theo chế độ hiện hành.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm kiểm soát tình trạng phá rừng tự nhiên.

“Tỉnh Quảng Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm chấn chỉnh lại đội ngũ quản lý, bảo vệ rừng từ cấp cơ sở. Qua đó, mong rằng sẽ kiểm soát được tình trạng phá rừng tự nhiên như hiện nay”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Trong một diễn biến khác, liên quan đến vụ phá rừng xảy ra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, ông Đinh Văn Hồng, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh, cho biết toàn bộ số cây gỗ bị đón tại hiện trường thuộc các khoảnh 4, 5, 7 Tiểu khu 309 thuộc địa bàn thôn Pà Xua và Pà Rồng, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang.

Hiện tổ công tác của Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh vẫn đang tiến hành kiểm tra đo đếm và lập biên bản,  tiếp tục xác minh xử lý theo quy định của pháp luật.

Riêng cá thể voọc chà vá chân xám bị giết hại trong Khu bảo tồn mà báo chí phản ánh, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh đã có Công văn số 34/CV-HKL gửi Công an huyện Nam Giang nhờ xác minh đối tượng; và cũng đã cử cán bộ phối hợp với UBND xã Tà Bhing xác minh các đối tượng khai thác, săn bắn động vật rừng.

Còn Đại tá Lê Quang Vịnh, Trưởng Công an huyện Nam Giang, cho rằng việc truy xét đối tượng liên quan các vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn thời gian qua vẫn đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin gì thêm.
Ngọc Thi
.
.
.