Bất an như lưu thông trên đường cao tốc

Thứ Bảy, 12/12/2015, 09:28
Tình trạng xe chạy quá tốc độ, xe chở khách dừng đỗ trả khách tùy tiện trên đường cao tốc, dân phá hàng rào, hộ lan, đi xe máy vào đường cao tốc, bán hàng quán, nước mui xe dọc hành lang đường cao tốc... đang làm cho việc lưu thông trên cao tốc trở nên bất an...

Cho đến thời điểm này, còn ít nhất 2 cháu bé (là chị em họ), là nạn nhân của vụ tai nạn xe khách kinh hoàng tại đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, xảy ra vào khoảng 20h30 phút tối 7-12, vẫn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Trong đó, một bé 5 tháng tuổi vẫn đang trong tình trạng hôn mê với chẩn đoán chấn thương sọ não, chảy máu trong.

Dù nguyên nhân vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng này vẫn đang được cơ quan Công an điều tra làm rõ, thế nhưng, nỗi đau của người gặp nạn và sự bất an của người dân khi lưu thông trên đường cao tốc thì vẫn hiện hữu…

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua địa bàn tỉnh Yên Bái và Lào Cai đã được xây dựng hàng rào lưới thép bảo vệ, nhưng gần đây xuất hiện hàng chục điểm rào bị phá hoại. Tại những điểm này, lều quán được dựng lên với đủ các dịch vụ như: Ăn uống, bơm nước mui xe tải, sửa chữa, làm lốp xe... gây mất trật tự an toàn giao thông(ATGT).

Theo ghi nhận của phóng viên, từ Km165 - Km117 cả hai chiều Hà Nội - Lào Cai và ngược lại, đoạn qua xã Gia Hưng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có hàng chục hộ dân dựng lều bạt ngay hàng rào thép gai để bán nước uống và bơm nước mui xe tải. Tương tự, tại Km 171+500 chiều Lào Cai - Hà Nội, hàng rào chắn thuộc xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên (Yên Bái), dù đơn vị quản lý đường cao tốc đã nhiều lần phải rào lại, song các hộ dân ở đây vẫn tự ý phá dỡ.

Ông Hoàng Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng thừa nhận rằng, sau khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chính thức đưa vào khai thác, đã xuất hiện nhiều vấn đề ATGT cần giải quyết. Tình trạng xe chạy quá tốc độ, xe chở khách dừng đỗ trả khách tùy tiện trên đường cao tốc, dân phá hàng rào, hộ lan, đi xe máy vào đường cao tốc, bán hàng quán, nước mui xe dọc hành lang đường cao tốc... đang là những hành vi có nguy cơ cao dẫn đến TNGT nghiêm trọng. 

Tương tự tại đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, dù mới đưa vào khai thác toàn tuyến chưa được một tuần, thế nhưng gần đây, nhiều xe ôtô khi đang lưu thông tại tuyến cao tốc Hà Nội –Hải Phòng, bất ngờ nhận những “cơn mưa đá” từ những học sinh và người dân, khiến cho cửa kính xe bị vỡ.

Ông Lê Xuân Tú, Phó Giám đốc Ban quản lý khai thác đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cho biết: Kể từ khi tuyến cao tốc này đưa vào vận hành, đã có ít nhất 5 vụ người dân ném đá vào xe đang lưu thông trên cao tốc. Trong đó, trên địa bàn tỉnh Hải Dương xảy ra 3 vụ, địa bàn TP Hải Phòng xảy ra 2 vụ. Cũng theo ông Tú, các xe ôtô tham gia giao thông trên tuyến đường cao tốc với vận tốc 120km/h, thì việc bị các học sinh, người dân ném đá sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của người ngồi trên xe.

Hàng quán mở ven đường cao tốc. Ảnh: Vũ Điệp.

Chưa dừng lại ở việc người dân tự ý mở đường, hay ném đá, chia sẻ tại hội nghị về ATGT trên đường cao tốc, ông Nguyễn Mạnh Thắng, quản trị diễn đàn ÔtôFun cho rằng, dọc các tuyến cao tốc như: Hà Nội-Lào Cai, hệ thống biển báo nhỏ và chưa đầy đủ ở các lối ra, dẫn đến nhiều lái xe chạy vượt qua và phải lùi lại. Hành vi lùi trên đường cao tốc sẽ rất nguy hiểm, rất dễ xảy ra tai nạn.

Bên cạnh đó, hệ thống trạm dừng nghỉ thiếu và không đồng bộ, nên khi giải quyết nhu cầu cá nhân, lái xe phải dừng đỗ trên đường. Ngoài ra, khi có sự cố, số điện thoại “đường dây nóng” tính hiệu quả không cao…

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, đến nay có khoảng 714km đường cao tốc đã được đưa vào khai thác. Theo kế hoạch đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 2.000km đường cao tốc. Bên cạnh những lợi ích trong việc vận hành, khai thác các tuyến đường cao tốc, có nhiều vấn đề liên quan đến ATGT, những nguy cơ phát sinh dẫn đến TNGT như: vi phạm quy tắc giao thông, tránh vượt, dừng đỗ trái quy định, vi phạm về tải trọng xe vẫn còn nhiều; Việc xâm phạm tài sản trên đường cao tốc vẫn nhức nhối. 

“Trong tương lai, kinh tế phát triển, thuế nhập khẩu xe ngày càng giảm nên lượng ôtô sẽ nhiều thêm. Điều này khiến nguy cơ tai nạn trên đường cao tốc tăng cao, nhất là nguy cơ xảy ra tai nạn liên hoàn. Vì vậy vấn đề xử lý ứng cứu, giải tỏa ùn tắc giao thông như thế nào cần đặt ra”, ông Hùng nói.

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh: Việc cần làm ngay, từ nay đến trước Tết Nguyên đán là cần rà soát lại về biển báo, vạch sơn kẻ đường trên tất cả các tuyến đường cao tốc, để người dân có môi trường lưu thông an toàn.  Đối với đơn vị quản lý đường cao tốc, khi có thông tin về xe quá tải, sau khi từ chối phục vụ, cần báo ngay cho Công an địa phương. Khi triển khai xử phạt “nguội” trên đường cao tốc, thiết bị phải được kiểm định theo đúng quy chuẩn của Bộ Công an và dữ liệu phải được truyền về Cục Cảnh sát giao thông để lãnh đạo Cục chỉ đạo xử phạt.

“Tới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ xây dựng kế hoạch chung đảm bảo ATGT trên đường cao tốc, để cho tất cả các cơ quan chức năng, các địa phương vào cuộc và sẽ được triển khai trong năm 2016”, ông Hùng khẳng định.

Theo thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2015, trên cả nước có 55 vụ TNGT xảy ra trên đường cao tốc. Quãng thời gian hay xảy ra tai nạn nằm trong khoảng 18h đến 24h.

 Còn tính từ đầu năm 2015 đến nay,  lực lượng CSGT đã phát hiện, kiểm tra xử lý trên 18 nghìn trường hợp vi phạm trật tự ATGT trên đường cao tốc; nộp Kho bạc Nhà nước trên 19 tỷ đồng; tạm giữ 33 phương tiện; tước GPLX trên 2.400 trường hợp. Trong đó, vi phạm quá tốc độ quy định trên 6.000 trường hợp; dừng đỗ không đúng quy định trên 3.000 trường hợp; đi mô tô vào đường cao tốc, trên 1.400 trường hợp.

Đặng Nhật
.
.
.