Bữa cơm từ thiện cho thân nhân và người bệnh nghèo ở TP HCM:

Còn đó những nỗi niềm trăn trở

Thứ Ba, 21/06/2011, 09:53

Bữa cơm dành cho người nghèo từ sự đóng góp, hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân đã có hơn 10 năm nay tại bếp ăn từ thiện của một số bệnh viện (BV) ở TP HCM như BV Nhi Đồng 2, BV Ung Bướu… những bệnh nhân ở đây phần lớn đều từ tỉnh thành xa về thành phố nên bên cạnh nỗi lo bệnh tật cùng với nỗi lo chi phí tiền thuốc, tiền phòng, phí sinh hoạt… đè nặng lên đôi vai họ.

Vì thế, những bữa cơm đầy ắp tình người ấy không chỉ giúp bệnh nhân nghèo tiết kiệm chi phí ăn uống mà còn tạo cho họ niềm tin vào tình người, tiếp thêm sức mạnh để họ vượt qua bệnh tật.

Có mặt ở BV Nhi Đồng 2 lúc 3h chiều, được tận mắt chứng kiến cảnh hàng trăm bệnh nhân xếp 2 hàng dài nhận cơm từ thiện. Ai nấy đều vui vẻ vì không chỉ tiết kiệm được những bữa ăn đắt đỏ trong căn tin BV với giá từ 20.000-25.000 đồng/suất, mà còn cảm thấy hài lòng về thái độ phục vụ ân cần niềm nở của nhân viên nhà bếp.

Chia cơm từ thiện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Bếp ăn chay từ thiện này được thành lập từ năm 1998, trước đây nằm trong khuôn viên của BV Nhi Đồng 2, nhưng năm 2010, BV lấy đất chuyển sang kinh doanh căng tin máy lạnh nên bếp ăn phải chuyển về BV Hóc Môn.

Chỉ còn lại một khu đất nhỏ xíu trong góc khuất để làm văn phòng giao dịch chưa đầy 10m2 nên thức ăn được những người làm từ thiện nấu tận dưới Hóc Môn rồi vận chuyển lên BV Nhi Đồng 2 để phân phát cho người nghèo. Tất cả 15 thành viên của bếp ăn đều là nữ giới, họ làm việc không lương, có người gắn bó với công việc thiện nguyện từ khi bếp ăn từ thiện được hình thành.

Bà Nguyễn Thị Đắc, Bếp phó bếp ăn từ thiện BV Nhi Đồng 2 tâm sự: "Năm 2000, từ quê Bến Tre lên đây, ban đầu chỉ nghĩ rằng mình làm từ thiện giúp đỡ những người nghèo khổ xoa dịu nỗi đau bệnh tật. Nhưng không ngờ thấy công việc này ý nghĩa quá nên quên cả chuyện lập gia đình mà nguyện gắn bó suốt đời với việc thiện nguyện này, chắc cũng tại có duyên".

Hiện tại, mỗi ngày bếp ăn này phát 2.200 suất ăn chay miễn phí cho BV Hóc Môn 700 suất, Trung tâm Dạy nghề khuyết tật Hóc Môn 500 suất và 1.000 suất cho BV Nhi Đồng 2. Hoạt động của bếp ăn hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn tài trợ của các Mạnh Thường Quân và một số trung tâm từ thiện.

Lật cuốn sổ tay ghi chi chít danh sách Mạnh Thường Quân tài trợ, bà Võ Tuyết Anh, Bếp trưởng bếp ăn từ thiện cho biết thêm: "Có nhiều gắn bó và hỗ trợ kinh phí cho bếp ăn cả vài năm nay, như gia đình anh Thành ở quận 10 mỗi tháng góp 2 triệu đồng; Công ty Dầu thực vật trong chương trình bếp ăn yêu thương đã tài trợ 9 triệu đồng và 1 năm sử dụng dầu ăn; một số tiểu thương ở chợ đầu mối Hóc Môn cung cấp thực phẩm, rau củ hằng ngày… nói chung trừ những thứ đi xin được, tiền đóng góp mỗi tháng cũng khoảng 40-50 triệu đồng, nhờ vậy mà bếp ăn được duy trì và người bệnh cũng đỡ đi phần nào khó khăn.

Nhắc đến những kỷ niệm đáng nhớ nhất sau hơn 10 năm gắn bó với công việc từ thiện này, bà Tuyết Anh không khỏi bùi ngùi: Có nhiều em đáng thương lắm, gia cảnh nghèo khó, bố mẹ đành phải gạt nước mắt gửi con cho BV chăm sóc và điều trị vì phải lo về quê làm mướn lấy tiền chạy chữa cho con. Có bé ăn cơm từ thiện cả mấy năm ròng.

Nhiều khi thấy mấy cháu bé chạy thận tội quá, chúng tôi phải trích quỹ giúp mỗi em 300.000 đồng/tháng để hỗ phần nào tiền thuốc. Công việc cũng khá bận, mỗi năm chỉ về thăm gia đình có 1-2 lần nhân dịp đám giỗ, sau mỗi chuyến về ấy, người thân cho đồng nào các cô lại chia sẻ với các bé.

Tại BV Ung Bướu TP HCM, mỗi ngày cũng dành hơn 300 suất sữa và 1.300 suất ăn cho bệnh nhân chia làm 3 bữa: sáng cháo, trưa và tối: cơm mặn. Bếp ăn dinh dưỡng của BV Ung Bướu trước đây được cho tư nhân thuê, từ năm 2002, BV lấy lại và thành lập bếp ăn dinh dưỡng từ thiện, nơi đây đã giúp cho biết, bao bệnh nhân ung bướu có bữa cơm đủ chất để có sức giành giật với sự sống từ bàn tay tử thần.

Nhờ số tiền đóng góp của Mạnh Thường Quân, mỗi tuần khoảng 40- 60 triệu đồng mà bữa cơm từ thiện ở đây ngày càng tươm tất hơn. Ngót gần 10 năm gắn bó với công việc này, niềm vui của những đầu bếp nơi đây là được tận mắt thấy người bệnh ăn ngon miệng và sau 1 thời gian điều trị, cùng với sự hỗ trợ của thuốc men, bệnh nhân có thể xuất viện trở về với cuộc sống lao động thường ngày. "Có những người ở mãi miền Trung, miền Bắc khỏi bệnh gọi vào cảm ơn bếp ăn từ thiện đã đồng hành cùng họ vượt qua nỗi đau bệnh tật, những lúc ấy ông lại thấy lòng mình nao nao", ông Linh tâm sự.

Với những bệnh nhân từ tỉnh lên BV chữa bệnh thì việc được ăn những bữa cơm từ thiện là một hạnh phúc khó diễn tả bằng lời vì tiết kiệm được chi phí ăn uống. Chị Tư Bé, quê Bến Tre lên nuôi đứa con gái 4 tuổi bị viêm phổ cấp đã gần 1 tháng nay chia sẻ: Mỗi ngày tiền phòng 170.000 đồng/người, cộng với tiền ăn 60.000 đồng/người, có bếp ăn phát cơm từ thiện, đỡ tốn kém nhiều. Dù vậy, phía sau niềm vui và nụ cười của những đầu bếp từ thiện khi thấy bệnh nhân khỏi bệnh quay lại với cuộc sống đời thường là bao nhiêu nỗi niềm trăn trở. Với bếp ăn ở BV Nhi Đồng 2 là thiếu nguồn tài trợ...

Còn với bếp ăn dinh dưỡng ở BV Ung Bướu, ông Linh cũng mong muốn: "BV tạo điều kiện hơn nữa để mở rộng và cải thiện diện tích bếp ăn hiện có, cũng như trang bị một số máy móc chế biến thực phẩm. Hiện tại chỉ với 12 người mà phục vụ tới hơn 400 người ăn đã là quá tải nhưng không dám xin thêm người vì không gian quá hẹp".

Ông Linh cũng cho rằng, việc mở rộng hơi khó mà cái khó lớn nhất là quỹ đất để xây dựng bếp ăn. Bếp ăn phải được xây trong khuôn viên bệnh viện thì mới có sức thu hút Mạnh Thường Quân, chứ nếu đặt ở ngoài thì lại là câu chuyện khác rồi…

Thành Thắng
.
.
.