Có hay không những khuất tất tại Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng?

Thứ Hai, 18/06/2007, 17:46
Thầy Đông, người được coi là "bị lãnh đạo Trường THPT Ngô Quyền trù dập", hết sức bất ngờ và phẫn nộ trước thông tin cho rằng mình là nạn nhân của bộ máy lãnh đạo nhà trường chuyên quyền, độc đoán, trù dập...(?)

Tiền thân là Trường Bonal ra đời cách đây đã 87 năm, THPT Ngô Quyền là một trong số ít ngôi trường có tuổi đời thuộc loại cao nhất nước. Đồng thời được xếp vào loại danh giá nhất Hải Phòng trong khối THPT.

Nhưng thời gian gần đây, một số thông tin dưới nhiều hình thức, thiếu khách quan khi nêu những hiện tượng tiêu cực, khuất tất của Ban giám hiệu xung quanh việc thu tiền khảo thí, chuyển trường, trù dập giáo viên... Những thông tin này đã làm cho không khí sinh hoạt trong trường dù đang đợt nghỉ hè vẫn vô cùng căng thẳng.

Để làm rõ những vấn đề này, chúng tôi đã làm việc với Ban giám hiệu và nhiều cán bộ giáo viên trong trường.

Không có sự thật nào bị che giấu

Tin bàn luận rằng Ban giám hiệu nhà trường đã nghĩ ra cách mới để móc túi học sinh bằng cách tự tổ chức các đợt thi thử để thu tiền trái quy định. Theo suy diễn này, với sỹ số 800 học sinh năm học 2006 - 2007, với mức thu 40.000đ/học sinh thì số tiền thu về không phải ít.

Việc sử dụng nguồn thu này cũng không rõ ràng, cũng không thấy cập nhật vào hệ thống sổ sách kế toán nhà trường. Tuy nhiên, thầy Nguyễn Văn Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhận định như trên là hoàn toàn sai sự thật.

Theo thầy Phú, năm học 2006 - 2007 đối với cấp THPT có rất nhiều đổi mới trong công tác dạy và học cũng như hình thức thi đánh giá chất lượng học sinh, tốt nghiệp và thi tuyển đại học, cao đẳng.

Trước yêu cầu về đổi mới, Hội phụ huynh, các giáo viên chủ nhiệm của Trường THPT Ngô Quyền đã thống nhất đề xuất với Ban giám hiệu xin được tổ chức các đợt thi thử theo mô hình liên kết. Theo đó, trường đã đồng ý cho Trung tâm Tri thức (Hải Phòng) tiến hành tổ chức các đợt thi thử như thật với tiêu đề là khảo sát đại học và theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT.

Trong đó có nhiều cán bộ giáo viên nhà trường được Trung tâm Tri thức huy động nhằm bảo đảm tính khách quan, đánh giá sát thực chất lượng kỳ thi, dù là thi thử. Lệ phí thu cho việc thi thử như thật này do đơn vị tổ chức là Trung tâm Tri thức ấn định với mức 40.000đ/học sinh cho cả năm học.

Toàn bộ việc thu, thanh toán khoản tiền này được giám sát chặt chẽ theo đúng quy định. Tuy nhiên, để tránh những điều tiếng, tranh cãi không cần thiết, Sở GD&ĐT Hải Phòng, cơ quan chủ quản của trường đã yêu cầu nhà trường chấm dứt việc tổ chức thêm các kỳ thi thử kể từ năm học tới.

Thông tin tiếp theo là việc tiếp nhận chuyển trường của một học sinh  lớp 10 là Đỗ Thái Mỹ từ Trường THPT Bán công Thực hành (thuộc ĐH Hải Phòng) về Trường THPT Ngô Quyền là sai quy chế. Về việc này, Ban giám hiệu cho biết, nhà Trường không có thẩm quyền tiếp nhận đối với học sinh nói trên vì em Mỹ trúng tuyển lớp 10 tại một trường không thuộc hệ thống như trường Ngô Quyền mà do Sở GD&ĐT tiếp nhận. Sở cũng đã căn cứ vào hồ sơ học sinh, phiếu trúng tuyển (với điểm số 12,5) và đơn xin chuyển trường của học sinh này rồi giao cho Trường Ngô Quyền tiếp nhận.

Rất tiếc là hồ sơ, phiếu điểm của học sinh này đã được sửa đổi ngay từ nơi học tập tại Kiến An nhằm hợp thức hoá tiêu chuẩn được Sở xét duyệt chuyển về Trường Ngô Quyền. Những sai sót này thật đáng tiếc và là duy nhất trong việc chuyển trường chứ không mang tính phổ biến và không thuộc về trách nhiệm của trường.

Người được kêu oan cũng giật mình

Ngoài ra còn có chuyện kêu oan cho người bị trù dập mà chính người được kêu hộ cũng giật mình. Đó là trường hợp của giáo viên dạy toán Nguyễn Tiến Đông. Tại kỳ thi tuyển lớp 10 năm học 2006, do vi phạm quy chế thi, một số cán bộ giáo viên đã bị thi hành kỷ luật với hình thức không được đứng lớp, trong đó có thầy Đông.

Tuy nhiên, trước những nỗ lực sửa chữa sai lầm, lập công chuộc tội, đến tháng 1/2007, đơn vị cơ sở, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã có 2 cuộc họp đánh giá kết quả công tác của thầy Đông. Theo đó, 100% ý kiến đề xuất cho thầy Đông trở lại đứng lớp.

Căn cứ vào kết quả này, ngày 29/1/2007, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phú đã ký văn bản đề nghị Sở GD&ĐT về việc bố trí cho thầy Đông trở lại giảng dạy tại trường từ học kỳ II - niên khóa 2006 - 2007. Thế nhưng sự thật này lại bị bóp méo rằng thầy Đông như là một nạn nhân của bộ máy lãnh đạo nhà trường chuyên quyền, độc đoán, trù dập...(?)

Trao đổi với chúng tôi, thầy Đông hết sức bất ngờ và phẫn nộ về việc một số cá nhân đã mạo danh nghĩa và sự việc của thầy để đầu đơn khiếu kiện. Đáng ngạc nhiên hơn khi một số báo chí không tìm hiểu ngọn nguồn sự việc, đã vội vàng đăng tải trên mạng Internet những thông tin vô căn cứ làm hại thanh danh cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

Phần thưởng và danh hiệu là hoàn toàn xứng đáng

Tin cũng tung rằng Hiệu trưởng đã dùng quyền hành riêng để giành lấy thành tích tập thể trở thành thành tích cá nhân, và cuối cùng là được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

Về việc này, chúng tôi đã gặp rất nhiều cán bộ giáo viên trong trường cũng như cơ quan chủ quản là Sở GD&ĐT, ý kiến nhiều chiều khác nhau nhưng tựu trung đánh giá rất cao về năng lực quản lý, phẩm chất đạo đức và khả năng huy động, tập hợp cán bộ giáo viên trong trường thành một khối đoàn kết, chăm lo công tác trồng người.

Trước khi về Trường Ngô Quyền, thầy Phú là Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện An Dương) và là người có công đầu trong việc xây dựng trường này trở thành Trường THPT đầu tiên của TP Hải Phòng được công nhận chuẩn quốc gia vào năm 2000.

Đến năm 2003, thầy Phú được Sở GD&ĐT phân công về Trường THPT Ngô Quyền và chỉ 2 năm sau đó, Trường Ngô Quyền cũng đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, được xếp vào top 100 trường có số lượng học sinh trúng tuyển các trường đại học, cao đẳng cao nhất nước với tỷ lệ bình quân từ 70 - 75%/năm. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt trên 99%.

Đến năm 2005, tập thể nhà trường được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba. Với những thành tích này, cá nhân Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phú đã được Hội đồng thi đua khen thưởng từ cấp cơ sở đến thành phố sau nhiều lần xét duyệt khách quan đã thống nhất đề nghị Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba là hoàn toàn xứng đáng.

Vào thời điểm này, toàn trường đang nỗ lực chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2007 - 2008 được cho là chu kỳ nhạy cảm. Chính vì vậy, những thông tin không khách quan, thiếu chính xác được tung ra trở nên rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín và bề dày truyền thống của một ngôi trường lớn

Lê Minh Triết
.
.
.