Có dấu hiệu “ấm” dần trở lại

Thứ Tư, 24/08/2011, 10:21
Sau một thời gian rơi vào tình trạng ảm đạm do hệ thống ngân hàng thắt chặt tín dụng cho vay bất động sản (BĐS) thì chỉ trong ít ngày qua, những thông tin tốt liên quan đến chính sách vĩ mô về tài chính, đầu tư bất động sản.

Điển hình như các chinh sách: Tín dụng cho vay bất động sản sang đầu năm 2012 sẽ được nới lỏng hơn, BĐS được đưa ra khỏi nhóm cho vay phi sản xuất, cộng với tác động từ việc công bố quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050… đã khiến cho các giao dịch bất động sản dù vẫn còn ít, nhưng đã bắt đầu rục rịch trở lại.

Thị trường đã bớt phần ảm đạm

Thời gian vừa qua, trong bối cảnh BĐS bị siết chặt tín dụng kéo theo việc thị trường im ắng là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 8, khi Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 chính thức được công bố đã khiến các nhà đầu tư yên tâm hơn khi bỏ tiền đầu tư.

Thời điểm này khi giá nhà đang dần trở về với giá trị thực cũng đã khiến những người có nhu cầu ở thực có tiền mặt trong tay yên tâm để "xuống tiền". Khảo sát tại các sàn giao dịch BĐS tại khu vực đường Lê Văn Lương, mặc dù phân khúc chung cư cao cấp giao dịch dường như vẫn dậm chân tại chỗ, thì các căn hộ chung cư diện tích nhỏ từ 60-70m2 có giá trị từ 1,5 đến 2 tỉ đồng/căn được khách hàng quan tâm rất nhiều.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Vạn Phúc cho biết, cơn trầm lắng của thị trường dường như đã xuống đến đáy và đang tìm đường đi lên. Trong một tuần qua, sàn giao dịch BĐS Vạn Phúc giao dịch thành công 5 căn hộ, tuy nhiên vẫn là các loại căn hộ trung bình, diện tích từ 60-90m2... 

Nhiều khu nhà cao tầng đã mọc lên tại Thủ đô.

Nhiều chính sách khai thông thị trường BĐS

Nói về nguyên nhân dẫn đến việc thị trường BĐS rơi vào tình trạng ảm đạm trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, ngoài nguyên nhân do ngân hàng thắt chặt tín dụng, còn có những nguyên nhân khác, như chủ đầu tư không phân biệt được loại hàng hóa thiết yếu và không thiết yếu (nhà ở cao cấp, nhà ở bình dân, BĐS nghỉ dưỡng…) để dẫn đến tập trung nhiều vào các dự án nhà ở cao cấp, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, khi thị trường bão hòa sẽ dễ đổ vỡ.

Việc mất cân bằng này cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến thị trường bất động sản trầm lắng. Phân khúc nhà trung bình nhu cầu vẫn rất lớn, nhưng hầu như chẳng có nhà để bán, trong khi chung cư cao cấp lại không bán được, vì ngoài khả năng chi trả của những người có nhu cầu thực.

Bên cạnh đó, để khai thông cho bất động sản không chỉ là về vốn, mà cần sớm nghiên cứu thành lập mô hình Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà... TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, thị trường BĐS phụ thuộc vào việc ổn định nền kinh tế, kiềm chế lạm phát. Việc phục hồi thị trường BĐS phải có thời gian.

Nếu kiên quyết thực hiện theo NQ 11 thì lạm phát bắt đầu giảm mạnh trong năm 2012, lãi suất bắt đầu giảm, Ngân hàng TW sẽ nới lỏng hơn tín dụng cho BĐS, các dự án sẽ bắt đầu có hiệu quả. Hy vọng tháng 9 lãi suất giảm, còn việc giảm bao nhiêu thì phải tính toán. Lãi suất đã bắt đầu giảm 1-2% trong một vài tuần trở lại đây

Để thị trường bất động sản phát triển ổn định, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, năm 2006, quy định doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải có vốn điều lệ 6 tỷ, con số quá ít, nên ai cũng có thể tham gia vào. Vậy nên quá nhiều doanh nghiệp hoạt động dựa vào ngân hàng, dẫn đến bị lệ thuộc.

Thời điểm hiện tại là lúc phải nâng cao điều kiện để sàng lọc doanh nghiệp. Bên cạnh đó phải nâng cao bộ máy. Một sàn giao dịch làm đại lý cho nhà đầu tư thì quy định rất chặt chẽ, trong khi công ty kinh doanh BĐS lại quy định quá đơn giản

Phan Hoạt
.
.
.