Xử lý cán bộ tiêu cực tại một huyện nghèo, vùng sâu của TP Cần Thơ:

Chuyện không nhỏ ở huyện

Chủ Nhật, 19/04/2015, 09:18
Một số cán bộ có liên quan đến sai phạm xảy ra ở huyện vùng sâu Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) bị xử lý qua loa, rồi được cơ cấu khá… tùy hứng. Phát hiện ra điều khó hiểu này, người dân và cán bộ đã lên tiếng, tố giác. Quá trình tìm hiểu vụ việc, PV Báo CAND thật sự bất ngờ khi nghe một cán bộ chủ chốt của TP Cần Thơ phát biểu, đại ý cho rằng ấy chỉ là những “chuyện nhỏ ở huyện”. Thực tế, chính cách xử lý, bố trí cán bộ thiếu nghiêm túc đã gây hoài nghi, bất bình trong dư luận tại địa phương.

Ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), câu chuyện khiến người dân bất bình nhất là chuyện lãnh đạo xã đã câu kết nhau lập hồ sơ khống công trình xây dựng đường giao thông nông thôn do dân góp vốn để bòn rút, chi vào việc đi… tham quan du lịch.

Ngay từ đầu đường vào ấp Thới Trường II, một người dân xin không nêu tên, bức xúc: “Con đường này và con đường bên ấp Thới Trung A, nhà nước chỉ bỏ ra hơn 12 triệu đồng, còn lại là tiền của dân chúng tôi góp vô cùng với mấy ghe đá, nhưng mấy ổng lại tìm cách quyết toán lại với… nhà nước”. Trước đó, bất bình với “sự thật không thể chấp nhận” này mà ông Nguyễn Văn Thum (bị bệnh hiểm nghèo, đã qua đời cuối tháng 3/2015), nguyên là Phó Bí thư Thường trực, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thới Xuân (nhiệm kỳ 2011-2016) cũng đã có đơn gửi đến cơ quan ban, ngành cấp trên, chỉ ra hàng loạt sai phạm của một số cán bộ chủ chốt của địa phương…

Đường giao thông này đã “giúp” một số cán bộ xã Thới Xuân có được chuyến du lịch ấn tượng.

Năm 2011, do còn nguồn tiền dư nên thường trực xã Thới Xuân đã lên kế hoạch cho cán bộ xã đi tham quan du lịch, sau đó sẽ “tìm cách” thanh toán. Ngày 22/6/2011, đoàn cán bộ khởi hành đi tham quan Nha Trang – Đà Lạt với tổng chi phí 81 triệu đồng, trong đó tiền ứng từ hoạt động phí của cơ quan là 41 triệu đồng, còn lại mượn của bà Lương Thị Cẩm Tú là vợ ông Lương Phát Đạt – Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã.

Để có tiền trả lại vợ, ngày 15/2/2012, ông Lương Phát Đạt chủ trì cuộc họp với đại diện các thường trực xã thống nhất lập khống 2 bộ hồ sơ công trình đổ đá dăm đường giao thông nông thôn tại ấp Thới Trường II và Thới Trung A, số tiền 86,386 triệu đồng - bằng với với nguồn ngân sách kết dư năm 2011. Thực tế 2 công trình này do nhân dân tự bỏ tiền xây dựng. Nhà nước chỉ hỗ trợ 12,5 triệu đồng và đã hoàn thành vào cuối năm 2011.

Từ tháng 2/2012, do bàn giao chức Chủ tịch UBND xã lại cho ông Hải nên ông Đạt đã chỉ đạo ông Hải ký làm hồ sơ, thủ tục theo chủ trương đã thống nhất - ký khống hợp đồng thi công với doanh nghiệp. Khi đã “lấy” được tiền (gần 84,170 triệu đồng), lãnh đạo xã Thới Xuân đã duyệt chi cho Giám đốc Công ty TNHH MTV TM-DV Vạn Sanh Phát hơn 8 triệu đồng (tương đương giá trị 10% hóa đơn khống của 2 công trình); chi trả lại ngân sách 7,5 triệu đồng đi du lịch Hà Tiên; chi trả chuyến đi du lịch Đà Lạt – Nha Trang 46 triệu đồng…

UBKT Huyện ủy đã có kết luận (với nội dung vừa kể trên) xác định: Đây là chủ trương cố ý làm trái Luật Ngân sách; vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Ngày 26/9 và 30/9/2013, UBKT lần lượt quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Đạt; khiển trách đối với ông Hải.

Điều khiến dư luận địa phương xì xầm chính là vào cuối năm 2013, ông Đạt lại được điều động giữ chức vụ Phó Chủ tịch MTTQ huyện. Trước đó, ông được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ. Ông Nguyễn Bá Tước – Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Cờ Đỏ, giải thích rằng: “Như vậy không phải là… đi lên. Biết là ông Đạt mới bị kỷ luật 3 tháng, nhưng do mình không chấp nhận ông Đạt làm ở cơ sở nữa nên mới điều lên làm đoàn thể, chứ biết làm gì bây giờ…?”.

Còn ông Hải, thời điểm gây ra vụ việc đang là Phó Chủ tịch UBND xã. Đến tháng 3/2012, ông Hải được bầu làm Chủ tịch UBND xã. Sau đó, ngày 12/12/2012, được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, thay thế ông Đạt. Và cuối năm 2013 - tức chỉ 3 tháng, khi quyết định kỷ luật còn chưa ráo mực thì đầu năm 2014, ông Hải đã được phê chuẩn ngồi vào vị trí “Chủ tịch HĐND” xã Thới Xuân.

Khi có đơn thắc mắc về việc ông Hải bị kỷ luật nhưng vẫn được thăng chức, ông Đinh Công Út – Phó trưởng Ban Nội chính Thành ủy Cần Thơ vào ngày 11/9/2014 ký văn bản, trả lời mà vội vàng nên quên… làm tính trừ: “Thời gian kỷ luật Đảng của ông Hải đã hết (1 năm) nên việc bổ nhiệm ông Hải giữ chức Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch HĐND là đúng”.

Ông Tước thì cho rằng: “Cái đó không trật vì đây là kiêm chức chứ chức chính là Bí thư. Sau khi thống nhất, Ban Thường vụ Huyện ủy mới giới thiệu để bầu ông Hải làm Chủ tịch HĐND xã”. Khi chúng tôi hỏi có căn cứ vào Luật Bầu cử HĐND, Luật Cán bộ, công chức… khi giới thiệu và bầu ông Hải, ông Tước nói… ông không rõ(?).

Càng bất ngờ hơn khi nhắc lại hành vi sai phạm của hai ông Đạt, Hải cũng như cách bố trí chức vụ có phần tùy hứng đối với hai cán bộ này, lãnh đạo Ban Nội chính Thành ủy Cần Thơ lại chẳng ngại ngùng phát biểu: “Chuyện này không phải là to tát gì, có mấy chục triệu đồng…”.

Trong khi đó, ông Võ Minh Luân - Trưởng phòng Theo dõi các cơ quan nội chính (Ban Nội chính Cần Thơ) cho rằng, ông Hải chỉ bị khiển trách. Với lại, chức “chủ tịch HĐND” thấp hơn “bí thư Đảng ủy” nên việc giới thiệu, bầu là phù hợp.

Khi chúng tôi viện dẫn Điều 82 của Luật Cán bộ, công chức (không cho nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong vòng 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật - từ khiển trách đến cách chức, cán bộ, công chức có hiệu lực) thì ông Luân nói do đã quá tin vào báo cáo của UBKT Huyện ủy và chỉ “chiếu” theo Điều lệ Đảng mà sơ ý không kiểm tra các văn bản khác(?).

Binh Huyền
.
.
.