Chuyện khó hiểu liên quan đến 70 bài báo khoa học của một tiến sĩ trẻ

Thứ Ba, 22/09/2015, 08:30
“Tôi từng được Hiệu trưởng quyết định khen thưởng do có 7 bài báo khoa học (KH) đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế. Tuy nhiên, sau lần khen thưởng đó, dù tôi tiếp tục dày công nghiên cứu để có đến 70 bài viết khác được sử dụng nhưng phía nhà trường đã khước từ tôi với đủ lý do hết sức khó hiểu” – TS Nguyễn Phước Minh đã bày tỏ bức xúc như thế khi anh tiếp xúc với PV Báo CAND.
Theo xác minh của chúng tôi, khi được Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh mời về làm giảng viên cơ hữu giảng dạy tại Trung tâm Công nghệ sau thu hoạch, Khoa Nông nghiệp thuỷ sản (đơn vị trực thuộc trường) vào đầu tháng 7/2013, TS Nguyễn Phước Minh mới 32 tuổi, nằm trong tốp TS trẻ của trường. Quá trình công tác tại đây, TS Minh rất tích cực tham gia các phát động của nhà trường, trong đó có hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ (KHCN), cụ thể là viết bài gửi cộng tác các tạp chí KH trong và ngoài nước.

Theo Quyết định (QĐ) 2043/QĐ-ĐHTV ngày 28/8/2014 của Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, các tác giả có bài báo KH được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế thì được khen thưởng tương ứng với các mức khác nhau theo phụ lục kèm theo QĐ 2043.

“Thực hiện tinh thần quyết định này, tôi đã lập đề nghị trình hồ sơ lên Phòng KHCN và Đào tạo sau ĐH để được xét khen thưởng, với 3 đợt lần lượt là ngày 11/12/2014 (có 15 bài), 12/12/2014 (31 bài) và 13-12-2014 (10 bài); tổng số tiền khen thưởng là 342 triệu đồng. Tuy nhiên, ngày 4/3/2015, Phòng KHCN và Đào tạo sau ĐH có Công văn số 39 trả lời tôi rằng các bài báo của 3 đợt đề nghị này không được thanh toán theo QĐ 2043 mà sẽ được thực hiện theo QĐ 689/QĐ-ĐHTV ngày 25/2/2015 của Hiệu trưởng nhà trường” – TS Minh cho biết.

Điều khiến TS Minh cùng nhiều đồng nghiệp của anh cảm thấy khó hiểu chính là trước đó, TS Minh từng được Hiệu trưởng trường ĐH Trà Vinh ban hành QĐ 3188/QĐ-ĐHTV ngày 9/12/2014 khen thưởng với số tiền 38,242 triệu đồng “vì có 7 bài báo KH đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế”.

TS trẻ Nguyễn Phước Minh.

Bức xúc trước việc lúc được, lúc không, TS Minh cho rằng lãnh đạo nhà trường giải quyết như vậy là “không thoả đáng, thậm chí trái pháp luật”. Theo phân tích của TS Minh, 56 bài báo của anh được công bố chính thức và được anh tập hợp, đề nghị nhà trường khen thưởng ở thời điểm mà QĐ 2043 đang vẫn còn hiệu lực, tức là trước thời điểm QĐ này được thay thế bởi QĐ 689/QĐ-ĐHTV ngày 25/2/2015. Điều khó hiểu hơn hết là trước khi ban hành QĐ 689, ngày 8/12/2014, Trưởng phòng KHCN và Đào tạo sau ĐH đã ký, ban hành Thông báo số 217/TB-KHCN&ĐTSĐH về việc tạm ngưng khen thưởng cho các bài báo KH theo QĐ 2043....

Cơ sở pháp lý mà vị Trưởng phòng dựa vào để ra thông báo “vô hiệu hóa” QĐ 2043 là “căn cứ vào tình hình thực tế và sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường”. Và sang ngày hôm sau, cụ thể ngày 9/12/2014, Hiệu trưởng trường lại ký ban hành QĐ 3188, khen thưởng cho TS Minh như đã kể trên và vẫn “căn cứ QĐ 2043”. 

“Về nguyên tắc, muốn thay thế một QĐ nếu cho rằng nó không còn phù hợp thì vẫn phải bằng một QĐ mới của người có thẩm quyền. Đằng này, cấp dưới lại ban hành thông báo để vô hiệu hóa một QĐ của cấp trên. Đã thế sau đó ban hành một QĐ có liên quan lại căn cứ vào nội dung QĐ vừa bị nội dung thông báo vô hiệu hóa ngày hôm trước…” – TS Minh bức xúc.

TS Minh kể thêm: “Tôi đã làm đơn khởi kiện ra Tòa nhưng sau đó trường có vận động và tôi đã rút đơn kiện vì nghĩ đến mối quan hệ lâu dài.”.

Theo mục 3, Phụ lục kèm theo QĐ 689, các tác giả đứng tên là viên chức của ĐH Trà Vinh (trừ các bài viết theo quy định của nghiên cứu sinh, học viên cao học) có bài báo KH được đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục danh sách các tạp chí KH được trích dẫn của hãng Thomson Reuters thì được thưởng 600 USD/bài và được hỗ trợ chi phí xuất bản 50 USD/bài. Cho rằng mình đã viết được 14 bài theo đúng tiêu chí được  thưởng của QĐ 689, nên ngày 17/7/2015, TS Minh đã lập đề nghị xét khen thưởng cho số bài viết này, với tổng số tiền 198,744 triệu đồng. Tuy nhiên, tại cuộc họp vào ngày 31/7/2015, TS Minh đã bị nhà trường khước từ bởi lý do “ông Minh không phải là viên chức của trường”.

Trước khi đưa ra lý do này, vào ngày 30/5/2015, lãnh đạo nhà trường ký thông báo (số 1134) với TS Minh “căn cứ vào điều lệ của trường”, trường sẽ ký lại hợp đồng mới không sử dụng thuật ngữ “giảng viên cơ hữu”. Trường đề nghị trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo này, TS Minh phải ký lại hợp đồng; nếu quá hạn, hợp đồng ban đầu (số 91/HĐ-ĐHTV ngày 1/7/2013) sẽ chấm dứt hiệu lực từ ngày 1/8/2015.  

Một ngày trước khi ban hành Thông báo 1134, nhà trường tổ chức họp với TS Minh, nêu tinh thần từ chối thưởng cho anh (đối với 14 bài viết đề nghị ngày 17/7/2015) bởi lý do những bài viết của anh không thuộc danh mục của Thomson Reuters trích dẫn. Kết luận của biên bản họp, phía trường cho phép TS Minh có thêm thời gian để cung cấp thêm minh chứng; không hề đề cập đến việc anh có phải là “viên chức” hay không.

Theo chúng tôi, lãnh đạo trường ĐH Trà Vinh cần xem xét lại một cách kỹ càng, thấu tình, đạt ý những đề đạt, kiến nghị của TS Nguyễn Phước Minh liên quan đến 70 bài báo KH của anh đã được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế để không bị cho rằng “ít nhất 2 lần nhà trường đã lẩn tránh trách nhiệm”.

Binh Huyền
.
.
.