Chiêu “móc túi” người tiêu dùng của thợ sửa điều hòa

Chủ Nhật, 17/06/2018, 09:49
Dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, lắp đặt điều hòa đang “nóng” theo mùa. Và đi kèm với dịch vụ này là những mánh khóe “móc túi” người tiêu dùng của một bộ phận thợ sửa chữa điều hòa.

Hiện tại, đang vào ngày hè nắng nóng. Nhu cầu sử dụng điều hòa, máy làm mát của người dân không ngừng tăng. Dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, lắp đặt điều hòa theo đó trở nên “nóng”. Và đi kèm với dịch vụ này là những mánh khóe “móc túi” người tiêu dùng của một bộ phận thợ sửa chữa điều hòa.

Đi trên các tuyến phố thuộc khu vực nội thành Hà Nội vào những ngày này không khó để bắt gặp các cửa hàng, cơ sở lắp biển quảng cáo với nội dung “chuyên cung cấp, sửa chữa máy điều hòa, điện lạnh”. Lượng khách tìm đến các cơ sở này luôn tấp nập.

Không chỉ căng biển quảng cáo, rao vặt trên nhiều tuyến phố, không ít chủ cơ sở đã lập ra các trang web, forum để mời chào người tiêu dùng. Truy cập vào trang web tìm kiếm google.com.vn, điền từ khóa “chuyên sửa chữa điều hòa”, trong 0,49 giây trên giao diện màn hình xuất hiện hàng chục ngàn thông tin có liên quan. 

Hầu hết các trang web đều đăng tải những thông tin quảng cáo “hút” khách theo kiểu: “Đảm bảo uy tín, mọi hỏng hóc đều sửa chữa được”. Nhiều chủ nhân trang web còn chỉ ra hàng loạt “bệnh” và “thuốc trị bệnh” của điều hòa. Khi đọc những thông tin này, nhiều người tiêu dùng như lạc vào mê hồn trận.

Thực tế cho thấy, bên cạnh số thợ sửa chữa uy tín còn có sự xuất hiện của cánh thợ với những mánh khóe “móc túi” người tiêu dùng.

Cách đây không lâu, chị Thu, nhà ở phố Võng Thị, quận Tây Hồ (Hà Nội) bức xúc cho biết, do nắng nóng, chị có bật điều hòa để làm mát căn phòng, nhưng không những không tỏa khí mát, chiếc điều hòa hiệu LG loại 9.000 BTU của gia đình còn phát ra tiếng ro ro. 

Hôm sau, chị có điện thoại tới một cơ sở sửa chữa điện máy (theo số điện thoại in trong tờ rơi quảng cáo rao vặt) ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). 

Qua kiểm tra, hai nhân viên sửa chữa cho biết, chiếc máy điều hòa của nhà chị bị hết gas và chi phí cho việc nạp đầy gas là 500 ngàn đồng. Sau đó ít hôm, khi chồng chị đi công tác về, chị mới tá hỏa vì đã bị “chặt chém” bởi trước đó, chồng chị đã gọi nhân viên bảo dưỡng về nạp đầy gas rồi…

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những mánh khóe “móc túi” người tiêu dùng thường được nhân viên sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa sử dụng đối với những trường hợp không hiểu về thiết bị điện máy, điều hòa. 

Một số thợ sửa chữa điều hòa thường báo sai “bệnh” của điều hòa. Sau khi kiểm tra máy (trước đó không làm mát được), số thợ này cho rằng, máy bị hết sạch gas hoặc hỏng tụ, thậm chí là hỏng lốc máy trong khi “bệnh” không làm mát được của điều hòa chỉ là do lỗi vi mạch. Tất nhiên, lúc này, người tiêu dùng phải chi một khoản tiền gấp 2-3 lần so với bình thường. 

Ví như, để thay một chiếc lốc máy, người tiêu dùng phải chi một khoản lên đến cả 2 triệu đồng. 

Hay như đối với “bệnh” thiếu gas, thông thường chỉ cần bơm thêm gas là đủ, nhưng nếu người tiêu dùng không biết, thợ sửa chữa sẽ nói: “bình gas đã cạn kiệt và phải nạp đầy gas”. Nếu người tiêu dùng gật đầu đồng ý, thợ sửa chữa sẽ đút túi một khoản tiền không nhỏ.

Trước mê hồn trận cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa như hiện nay, theo khuyến cáo một số thợ sửa chữa điều hòa có kinh nghiệm, khi phát hiện máy điều hòa hỏng hóc, người tiêu dùng cần liên hệ đến các trung tâm sửa chữa có uy tín, có trụ sở cố định. Để khi có sự cố phát sinh, người tiêu dùng có cơ sở để phản ánh, kiến nghị giải quyết.

Huy Trần
.
.
.