Cao ốc khu trung tâm TP Hồ Chí Minh: Bao nhiêu thì vừa?

Thứ Hai, 13/11/2006, 14:29
Quy hoạch mật độ phát triển cao ốc như thế nào, những tuyến đường nào dành cho phát triển cao ốc, số lượng bao nhiêu, cao mấy tầng… vẫn là bài toán khó với TP Hồ Chí Minh.

Trái với cái "lạnh" trong giao dịch bất động sản thời gian qua, thị trường cao ốc văn phòng cho thuê tại TP Hồ Chí Minh đang "nóng" hơn bao giờ hết. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, sự kiện Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị APEC 14 và chúng ta chính thức là thành viên WTO sẽ tạo ra những làn sóng đầu tư mới từ các tập đoàn lớn của nước ngoài.

Và như vậy, thị trường cao ốc văn phòng cho thuê tại đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh. Thành phố sẽ quy hoạch việc phát triển cao ốc văn phòng như thế nào để vừa đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội, vừa không phá vỡ kiến trúc tổng thể, đồng thời giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông mỗi ngày từ các cửa ngõ đổ về nội đô là yếu tố cần được cân nhắc kỹ trong kế hoạch chỉnh trang - quy hoạch chi tiết khu trung tâm thành phố.

Giá cho thuê văn phòng trong các cao ốc hiện nay tại quận 1, 3 ở mức 15-25 USD/m2/tháng, giá thuê trong các khách sạn 4-5 sao thì đã lên đến trên 30 USD. Nhưng muốn thuê được không dễ, phải đặt cọc trước vài tháng đến hàng năm mới có, thậm chí có nhiều dự án vừa mới triển khai xây dựng đã được đăng ký hết. Theo thống kê, khu vực này hiện đã có khoảng 60 cao ốc và khách sạn cho thuê văn phòng, chưa kể những tòa nhà văn phòng nhỏ có chiều cao từ 5 -15 tầng.

Nhu cầu của thị trường lớn như vậy nên còn nhiều công ty trong nước, đặc biệt là sự xuất hiện của các đoàn doanh nghiệp - doanh nhân nước ngoài đến thành phố tìm hiểu với mong muốn đầu tư vào lĩnh vực này và "ngắm nghía" địa bàn khu vực trung tâm. Nhất là sau khi thành phố có văn bản khẳng định tiếp tục duy trì và ổn định khu trung tâm hành chính tại khu vực hiện hữu chứ không dời về khu đô thị mới Thủ Thiêm như dự tính.

Bên cạnh đó, việc xây dựng cao ốc văn phòng thường đi kèm với kinh doanh nhà hàng - khách sạn, siêu thị - trung tâm mua sắm hoặc căn hộ cao cấp càng thu hút người dân vùng ven dồn về đông hơn.

Chưa kể xu hướng phát triển xe ôtô nhanh như hiện nay sẽ càng gây kẹt xe cục bộ cũng như thiếu bãi đậu xe, mà giải pháp mở rộng đường khu vực này là không khả thi bởi giá đền bù: 2/3 trong số hơn 1.000 tỷ đồng của dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi dùng chi phí cho công tác đền bù giải tỏa là một ví dụ.

Mật độ dân số ở khu vực này vốn đã rất cao, quận 1 là 26.000 người/km2, quận 3 là 40.500 người/km2, cộng với hàng loạt trường cao đẳng, đại học, dạy nghề tập trung tại đây và lượng khách du lịch đến thành phố ngày càng tăng, tạo áp lực lớn về cơ sở hạ tầng dịch vụ, giao thông.

Quy hoạch mật độ phát triển cao ốc như thế nào, những tuyến đường nào dành cho phát triển cao ốc, số lượng bao nhiêu, cao mấy tầng… vẫn là bài toán khó với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà không phá vỡ kiến trúc tổng thể và giữ được môi trường. Đây là những việc lãnh đạo thành phố cần phải chỉ đạo cương quyết các cơ quan chức năng thực hiện

Đức Thắng
.
.
.