Bờ sông An Lão sạt lở đe dọa cuộc sống hàng chục hộ dân

Thứ Năm, 10/09/2015, 14:51
Vào mưa mưa lũ, các hộ dân ở xã An Tân (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) có nhà dọc bờ sông An Lão lại sống trong cảnh thấp thỏm lo âu vì bờ sông bị sạt lở, xâm thực. An cư để lạc nghiệp vẫn niềm mong mỏi của người dân nơi đây.

Theo UBND xã An Tân, hiện có 80 hộ dân sinh sống trên địa bàn 2 thôn Thuận An và Thuận Hòa đang sống trong vùng nguy hiểm khi bờ sông An Lão bị sạt lở. Bên cạnh đó, gần 10 ha đất canh tác nằm trên địa bàn thôn Thuận Hòa cũng đang đứng trước nguy cơ bị “hà bá” nhấn chìm.

 

Tình trạng sạt lở ven sông An Lão ở xã An Tân, huyện An Lão vẫn diễn biến phức tạp.

Đối mặt với hiểm nguy

Được sự chỉ dẫn của người dân ở thôn Thuận An (xã An Tân), chúng tôi đã ra tận bờ sông An Lão - nơi bị sạt lở nặng nhất. So với bụi tre còn sót lại bên bờ sông cũ, lòng sông được khoét sâu, sạt lở vào bờ đến 40m và kéo dài khoảng 3km. Ông Nguyễn Thành Lập - 85 tuổi, ở đội 7, thôn Thuận An -  một hộ dân có nhà ở sát bờ sông kể: “Trước đây, trước mặt nhà tôi còn có một dãy nhà khác và 100m đất soi trồng dâu, trồng sắn… nhưng bây giờ, thì dãy nhà nằm ở đằng đó đã bị đổ sập, đất soi cũng không còn. Nước sông chỉ còn cách móng nhà của tôi chừng 4m”.

Chung nỗi lo, ông Nguyễn Ẩn - một người dân sống ở cạnh nhà ông Lập - phân bua: “Gia đình tôi sống ở đây đã gần 10 năm, nạn sạt lở đã xuất hiện từ lâu và năm nào cũng có. Thế nhưng, hai năm nay, tình hình càng trở nên phức tạp và dữ dội hơn. Vườn nhà tôi năm trước còn cách bờ sông đến 10m, nay còn chưa đầy 5m. Đặc biệt, mỗi khi có mưa lớn, nước chảy xiết, đất và cây cối dọc bên bờ sông đổ xuống nước ầm ầm; cảnh này ban ngày còn đỡ, chứ xảy ra vào đêm không ai dám chợt mắt”.

Về vấn đề này, ông Lê Phước Lưu - Chủ tịch UBND xã An Tân - khẳng định: “Qua mỗi mùa mưa, nhiều ha đất cùng với nhiều tài sản, hoa màu của người dân đã bị nước lũ cuốn đi; đồng thời, “ăn” sâu vào trong mỗi năm 1 - 2m. Đến nay, khoảng cách từ bờ sông đến nhà dân có nơi chỉ còn chừng 4 - 5m, trong đó, tập trung chủ yếu ở thôn Thuận An. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra, e rằng nhiều diện tích đất canh tác, kể cả khu dân cư ở đây sẽ đối diện với nguy cơ bị “hà bá” nhấn chìm. Đó là chưa kể 5 ha đất sản xuất nông nghiệp khác ở cánh đồng Thuận Hòa đã bị nước lũ cuốn phăng trước đó”. 

Nhiều hộ dân ở xã An Tân cho rằng: Nguyên nhân khiến nạn sạt lở bờ sông An Lão gia tăng qua từng năm, một phần do ảnh hưởng bởi tình hình mưa lũ; phần nữa, do nạn khai thác cát bừa bãi trước đó làm lòng sông bị biến dạng; từ đó, khiến dòng chảy bị thay đổi nên mỗi khi nước từ thượng nguồn đổ về lại xoáy sâu vào chân đê, gây trượt lở.

Nhiều diện tích đất canh tác trên cánh đồng Thuận Hòa (thôn Thuận Hòa, xã An Tân, huyện An Lão) bị nước lũ cuốn phăng sau sự cố sạt lở bờ sông An Lão trước đó.

Sớm được an cư?

Trả lời câu hỏi, giải pháp nào để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân ở xã An Tân đang sống trong vùng sạt lở dọc bờ sông An Lão, ông Nguyễn Văn Tặng, Giám đốc Ban quản lý dự án huyện An Lão, cho hay: “Thời gian tới, không chỉ những hộ dân ở xã An Tân, mà tất cả các hộ dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai như vùng bị ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở đất… trên địa bàn huyện sẽ được các cơ quan hữu quan của tỉnh và UBND huyện hỗ trợ di dời đến nơi an toàn”.

Cụ thể theo lời ông Tặng, thì mới đây, huyện An Lão đã lập dự án xây dựng khu tái định cư di dời dân ra khỏi vùng thiên tai Gò Núi Một ở xã An Tân với diện tích 12 ha, kinh phí 29 tỉ đồng, nhằm di dời 200 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Đến nay thời điểm này, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đã hoàn tất. Hiện nay, Ban quản lý dự án huyện An Lão đang trình duyệt kế hoạch đấu thầu để lựa chọn đơn vị thi công có năng lực để triển khai công tác đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là điện, đường, hệ thống thoát nước và nguồn nước sinh hoạt để bà con yên tâm. Đồng thời, UBND huyện An Lão đã lên kế hoạch và triển khai công tác bình, xét chọn đối tượng cần di dời xuống các địa phương để sớm triển khai. Theo kế hoạch cuối năm 2016, công tác đầu tư hạ tầng và bình, xét chọn đối tượng di dời sẽ hoàn thành, khi đó bà con nằm trong diện di dời sẽ được ngành chức năng huyện An Lão cấp đất, hỗ trợ vốn để xây dựng nhà, để ổn định cuộc sống. Bà ở xã An Tân sống dọc sông An Lão cũng không ngoại lệ.

“Trong khi chờ dự án hoàn thành, trước mắt, để đảm bảo an toàn cho bà con trong mùa mưa lũ năm nay, chúng tôi đã đề nghị UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện (trong đó có xã An Tân), chủ động thành lập đội thanh niên xung kích, lên kế hoạch di dời các hộ dân sinh sống ở vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ bị sạt lở lên khu vực cao ráo, an toàn hơn”, ông Nguyễn Văn Tặng, Giám đốc Ban quản lý dự án huyện An Lão, đề nghị.

“Thời gian qua, để bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân có nhà dọc bờ sông An Lão, đồng thời, hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, chính quyền địa phương cùng nhân dân đã tích cực gia cố đê, đóng cọc tre và đắp đất tại những khu vực xung yếu. Đồng thời, trồng thêm cây tre, cây chuối dọc triền sông để giữ đất. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời”

Ông Phạm Văn Độ, Phó Chủ tịch UBND xã An Tân.
Hoàng Nguyên
.
.
.