Hải Phòng:

Cần tiếp thu phản ánh của người dân về Nhà máy Kính Trường Sơn xả khói gây ngạt

Thứ Hai, 23/09/2013, 11:06
Suốt nhiều tháng qua, người dân các xã An Thắng, An Tiến và thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão, Hải Phòng) liên tục phản ánh với cơ quan chức năng về hiện tượng Nhà máy Kính Trường Sơn trong khu vực liên tục xả khí thải gây ô nhiễm môi trường. Khí thải phát sinh từ ống khói của nhà máy khiến người dân phải sống trong bầu không khí hôi hám, ngột ngạt và khó thở.

Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, tiếp cận từ xa cũng đã thấy cột khói của Nhà máy Kính Trường Sơn cuồn cuộn bay lên bao trùm toàn bộ ngọn núi Xuân Sơn, phủ kín bầu trời của các thôn Quyết Tiến 1, 2, xã An Thắng. Ông Bùi Duy Nguyên, Trưởng Công an xã An Thắng cho biết, nhà máy này tồn tại và hoạt động đã nhiều năm nay, nhưng hiện tượng xả khói mù mịt mới xảy ra từ đầu tháng 6/2013 đến nay. Theo tường trình của lực lượng Công an xã, qua tuần tra phát hiện ban đêm là thời điểm xả khói nhiều nhất. Khói xả ra vào buổi đêm có mùi khó chịu, gây ngột ngạt, khó thở, nhiều người hít phải thấy tức ngực. Đặc biệt, những hôm thời tiết ẩm ướt cộng với gió Bắc, khói quẩn dày đặc phủ kín tỉnh lộ 360. Dày đến mức người tham gia giao thông qua đây cũng rất khó khăn. Thực tế đã xảy ra phương tiện đâm va nhau vì khói che mờ không nhìn thấy nhau để tránh.

Anh Vinh ở thôn Quyết Tiến 1, xã An Thắng bức xúc kể: “Nhà tôi chỉ cách nhà máy kính có 1 ngọn núi nên khi nhà máy hoạt động xả khói, các hộ dân chung quanh khu vực, trong đó gia đình tôi phải hứng chịu nhiều nhất. Lúc đầu, mọi người cứ tưởng là sương mù, nhưng càng ngày khói càng nhiều, khiến chúng tôi mất ăn, mất ngủ. Nhiều trẻ con trong thôn hít phải khói nên bị ho, viêm họng phải đi khám tại Bệnh viện Nhi Đức”. Tại xã An Tiến và thị trấn Trường Sơn kế cận, hàng nghìn hộ dân cũng đã chịu ảnh hưởng bởi khói thải lan tỏa bao trùm gây nhiều tác hại. Bức xúc về vấn đề này, dân các xã thị trấn đã có đơn phản ánh tới chính quyền các cấp đề nghị có biện pháp kiểm soát khí thải của Nhà máy Kính Trường Sơn.

Khí thải từ Nhà máy Kính Trường Sơn khiến người dân khu vực xung quanh luôn ngột ngạt và khó thở.

Giải thích về hiện tượng này, ông Phạm Tiến Anh, Giám đốc Nhà máy Kính Trường Sơn cho biết, do có nhiều nguyên nhân, nhà máy ngừng hoạt động từ năm 2011 và mới hoạt động trở lại từ tháng 6/2013. Vị giám đốc này thừa nhận sau khi tái hoạt động, lãnh đạo nhà máy có nhận được kiến nghị của các hộ dân và của UBND xã An Thắng về việc khói bụi của nhà máy gây ảnh hưởng tới đời sống các hộ dân. Ngày 7/8, nhà máy mời các bên liên quan tới chứng kiến việc lấy mẫu quan trắc môi trường tại thời điểm nhà máy đang hoạt động. Tuy nhiên, do các bên không thống nhất được thời gian, địa điểm nên việc tiến hành quan trắc môi trường chưa diễn ra.

Còn theo bà Vũ Thị Tuyết, Phó trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện An Lão, khói từ Nhà máy Kính Trường Sơn thải ra với lượng khá đậm đặc kéo dài suốt 3 tháng qua là điều không bình thường. Do đó, phòng yêu cầu nhà máy xem xét lại dây chuyền công nghệ, quy trình xử lý khí thải. Nếu có sự cố cần khắc phục ngay. Đồng thời, phối hợp với các bên khẩn trương thực hiện việc quan trắc môi trường lấy kết quả làm căn cứ trả lời các hộ dân.

Tuy nhiên, Giám đốc Nhà máy, ông Phạm Tiến Anh vẫn khẳng định với chúng tôi: “Nhà máy được xây dựng theo tiêu chuẩn ISO 14001:2004, ống khói cao 72m và dùng dầu FO để đốt nên khói không có độc hại gì đối với đời sống người dân. Hơn nữa, nguyên liệu để sản xuất kính gồm cát trắng và các phụ gia cần thiết nên khói thải ra không có bất cứ chất gì gây nguy hại đến sức khỏe. Đến thời điểm này, phía nhà máy đã làm hết… trách nhiệm đối với các bên liên quan”.

Cơ sở để xác định Nhà máy Kính Trường Sơn thải ra loại khói có độc hại hay không, lượng khói nhiều hay ít so với tiêu chuẩn cho phép là cần có quan trắc của đơn vị chức năng về môi trường. Tiếc rằng, việc chưa thống nhất về thời điểm quan sát đo đạc là lý do khiến người dân phải tiếp tục sống trong bầu không khí ô nhiễm.

Theo chúng tôi, trách nhiệm làm các bước thủ tục để đánh giá tác động môi trường sau khi nhà máy tái hoạt động là trách nhiệm thuộc về Nhà máy Kính Trường Sơn. Tiếp đó, Sở TNMT cũng cần tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của nhà máy, nhất là khâu kiểm tra khí thải. Kết quả đo đạc, kiểm tra cần thông báo công khai để người dân được biết. Nếu không đáp ứng đủ điều kiện sản xuất an toàn cần phải cáo buộc nhà máy dừng hoạt động để khắc phục sự cố môi trường, cải tiến công nghệ. Về phía nhà máy, không thể lấy lý do vì chưa thống nhất thời điểm lấy mẫu kiểm tra để tiếp tục hoạt động, tiếp tục xả khói và tiếp tục làm gia tăng sự bức xúc của người dân các xã, thị trấn sinh sống chung quanh khu vực nhà máy

Minh Lê
.
.
.