Cụ bà thương binh 41 năm cho Nhà nước mượn đất chưa được bồi thường

Thứ Sáu, 06/10/2017, 09:38
Cụ bà Lê Thị Ngỗng, 84 tuổi là thương binh trong kháng chiến chống Pháp (hiện ở tại đường Trần Phú, tổ 8, phường Trưng Nhị, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) tìm đến Báo CAND trình bày nguyện vọng. Sau 41 năm Nhà nước thu hồi đất nhưng bà vẫn chưa được bồi thường.


Quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi thấy rằng, một sự việc nhỏ nếu không được giải quyết kịp thời sẽ gây bức xúc cho người dân, khiến khiếu kiện kéo dài.

Theo trình bày của bà Ngỗng, năm 1959, gia đình bà mua được 3 sào (1.080m2) đất của ông Đỗ Văn Khôi ở thôn Xuân Phương, xã Phúc Thắng (nay là phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên). Năm 1960 bà xây dựng nhà ở cấp 4 trên diện tích khoảng 60m2, phần đất còn lại được sử dụng trồng rau và cây ăn quả. Khi xảy ra chiến tranh phá hoại, gia đình bà đi sơ tán, để lại nhà đất.

Thời điểm gia đình bà còn ở nơi sơ tán, bà cho Xí nghiệp Apatit Phúc Yên mượn đất làm nhà cho cán bộ nhân viên ở tạm với sự đồng ý của Phòng Thị chính Thị xã Phúc Yên, chính quyền khu. Năm 1976, UBND thị xã Phúc Yên có quyết định để Xí nghiệp Apatit làm nhà ở.

Bà Lê Thị Ngỗng đứng trên diện tích đất trước đây bà đã ở và trồng cây cối.

Năm 2012, bà có đơn đề nghị cấp đất ở và đền bù diện tích đất đã thu hồi. Tuy nhiên, phương án giải quyết được cơ quan chức năng đưa ra không phù hợp nguyện vọng và không đảm bảo quyền lợi nên bà đã gửi đơn đến nhiều nơi.

Theo những tài liệu chúng tôi có được, bà Ngỗng có một giấy nhận nhượng đất ruộng từ ông Đỗ Văn Khôi ở xã Phúc Thắng từ năm 1959. Phòng Thị chính, thị xã Phúc Yên lập biên bản giải quyết đất làm nhà cho Xí nghiệp Apatit ngày 3-1-1975 với nội dung: “Sau khi trao đổi bàn bạc đã được sự đồng ý và thỏa thuận của bà Lê Thị Ngỗng đồng ý cho Cơ quan Apatit mượn tạm mảnh đất tư của gia đình bà để làm nhà tranh tre nứa lá cho cán bộ công nhân viên cơ quan ở với điều kiện không quá 3 năm… trong khi ở làm nhà phải đảm bảo toàn bộ cấy cối và hoa màu trên thửa đất tư của gia đình bà Ngỗng”.

Ngày 15-1-1976, Ủy ban hành chính thị xã Phúc Yên ban hành quyết định cho Xí nghiệp Apatit Phúc Yên được xây dựng trên khu vực đất của bà Ngỗng. Điều 2 của quyết định này yêu cầu Xí nghiệp Apatit làm đầy đủ thủ tục đền bù theo đúng quy định.

Điều 3: “Nhà bà Ngỗng khi nào cần thiết làm nhà thì Ủy ban hành chính thị xã Phúc Yên cắm cho chỗ đất khác theo quy định ở thành phố, thị xã”. Căn cứ vào các tài liệu trên, bà Ngỗng đề nghị được cấp trả 400m2 để cho các con làm nhà ở và được đền bù phần diện tích còn lại (trong tổng số 1.080m2 trừ đi 400m2) theo diện đất thổ cư.

Tại khu đất trước đó vốn là đất của gia đình bà Lê Thị Ngỗng, giờ đã là khu dân cư đông đúc. Thửa đất bà Ngỗng đòi lại hiện nằm trong đất khu tập thể Công ty TNHH MTV Nội thất Xuân Hòa với 5 dãy nhà tập thể xây dựng năm 1975, có 28 hộ nguyên là cán bộ công nhân viên Xí nghiệp Apatit cũ. Năm 1989, Xí nghiệp Apatit giải thể và chuyển giao toàn bộ đất cho Xí nghiệp xe đạp Xuân Hòa, nay là Công ty TNHH MTV Nội thất Xuân Hòa (Công ty Xuân Hòa).

Hiện nay Công ty Xuân Hòa đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp quyền sử dụng đất. Đó cũng là lý do mà bà Ngỗng đề nghị được đền bù theo diện đất thổ cư. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Vĩnh Phúc và UBND thị xã Phúc Yên lại cho rằng không có cơ sở để giải quyết quyền lợi cho bà Ngỗng theo diện đất ở mà chỉ bồi thường theo loại đất canh tác.

Theo Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc, Xí nghiệp Apatit Phúc Yên xây dựng trên khu vực đất của Hợp tác xã Tứ Khu, của bà Ngỗng và một công dân khác. Ngày 22-9-2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản chỉ đạo việc giải quyết đòi lại đất của bà Ngỗng theo hướng: “Giao UBND thị xã Phúc Yên lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho hộ bà Ngỗng diện tích 1.080m2 đất nông nghiệp bị thu hồi từ năm 1976 theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bà Ngỗng có nhu cầu đất ở, giao UBND thị xã Phúc Yên hướng dẫn viết đơn và xét giao cho bà Ngỗng 1 ô đất ở, quy hoạch trong nội thị theo quy định của pháp luật hiện hành”. Lý do mà UBND tỉnh đưa ra hướng giải quyết trên là do: “Ngày 15-1-1976, Ủy ban hành chính Thị xã Phúc Yên (cũ) đã thu hồi 1.080m2 đất của hộ bà Ngỗng và giao cho Xí nghiệp Apatit quản lý và sử dụng”.

Làm việc với phóng viên Báo CAND, ông Đào Anh Dũng, Trưởng phòng TN&MT, UBND thị xã Phúc Yên cho biết, quan điểm của thị xã là phải xem xét giải quyết quyền lợi cho bà Ngỗng vì bà chưa được bồi thường diện tích đất đã thu hồi.

Phương án bồi thường, hỗ trợ đã được lập và áp dụng hệ số cao thuộc mức quy định bồi thường đất nông nghiệp, không có cơ sở xem xét bồi thường 400m2 đất ở theo đề nghị của bà Ngỗng. Trường hợp bà Ngỗng có nhu cầu đất ở thì làm đơn xin giao đất, UBND thị xã sẽ xem xét giao đất nội thị có thu tiền sử dụng đất.

Nghiên cứu tài liệu về vụ việc, chúng tôi thấy rằng, kết quả kiểm tra, xác minh của Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc (Số 10/BC-STNMT ngày 23-1-2014) có thể hiện: “Năm 1960 gia đình bà Ngỗng đã xây dựng nhà ở cấp 4 và công trình phụ cấp 4 trên diện tích khoảng 60m2, phần diện tích còn lại được sử dụng để trồng rau và cây ăn quả, sử dụng đến khoảng năm 1972-1973 gia đình bà Ngỗng đi sơ tán, năm 1975 Xí nghiệp Apatit mượn lại diện tích đất trên để làm nhà tạm…”.

Kết quả xác minh này phù hợp với trình bày của bà Ngỗng là gia đình bà đã làm nhà để ở và sinh con trên diện tích đất này. Sau đó, Ủy ban hành chính thị xã Phúc Yên cũng trưng dụng đất giao cho Xí nghiệp Apatit Phúc Yên để làm nhà. Thực tế hiện nay diện tích đất này đang là khu dân cư.

Bởi vậy, nguyện vọng được đền bù diện tích đã bị thu hồi theo diện đất ở của bà Ngỗng là chính đáng. UBND thị xã Phúc Yên cần xem xét nguyện vọng này để có cách giải quyết phù hợp đảm bảo quyền lợi cho bà Ngỗng, vừa thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng.

Minh Phương
.
.
.