Góp ý vào dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự:

Cần phân định rõ vị trí, quyền hạn, trách nhiệm các chủ thể tố tụng

Thứ Năm, 02/04/2015, 08:59
Bộ luật Tố tụng hình sự được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI kỳ họp thứ tư thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004.

Đây là đạo luật rất quan trọng, quy định về trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của những người tham gia tố tụng, của các cơ quan, tổ chức và công dân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. 

Sau khi thay thế Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 1988 và các luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật này, BLTTHS năm 2003 cùng với Bộ luật Hình sự năm 1999 và các đạo luật có liên quan khác tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ hơn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Quá trình triển khai thực hiện BLTTHS năm 2003 cơ bản đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. 

Tuy nhiên, trước những yêu cầu của công cuộc đổi mới và thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, BLTTHS năm 2003 đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc cần được tổng kết, đánh giá để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. 

Theo đó, Quốc hội khóa XIII đã ra nghị quyết về việc xây dựng dự án BLTTHS (sửa đổi), dự kiến sẽ trình Quốc hội khóa XIII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện các quy định trong BLTTHS (sửa đổi) là vấn đề rất lớn; do vậy, bài viết nhỏ này chỉ xin được nêu về một số vấn đề sau:

Về quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án BLTTHS (sửa đổi). Để xác định phạm vi, định hướng và xây dựng các nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, việc làm rõ quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án BLTTHS (sửa đổi) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. 

Chúng tôi cho rằng, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2003 phải bám sát và phù hợp hơn với thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và cải cách tư pháp, theo đó cần quán triệt các quan điểm chỉ đạo cơ bản sau đây: 

Một là, việc sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2003 phải nhằm mục đích bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, cụ thể và đồng bộ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; phòng ngừa và ngăn chặn âm mưu “diễn biến hòa bình”, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong công tác xây dựng và áp dụng pháp luật. 

Hai là, phù hợp với Hiến pháp, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động tố tụng hình sự. 

Ba là, thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, các yêu cầu khác về cải cách tư pháp, tuân thủ các quy định của Hiến pháp liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. 

Bốn là, việc sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2003 phải được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật này thời gian qua; kế thừa những quy định còn phù hợp, đang phát huy tác dụng, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; chỉ sửa đổi những quy định thực sự có vướng mắc, bất cập; những vấn đề chưa rõ, còn có ý kiến khác nhau, đang trong giai đoạn thử nghiệm, hiệu quả chưa rõ ràng thì chưa nên quy định. Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng pháp luật về tố tụng hình sự của một số quốc gia có sự tương đồng với Việt Nam. Theo đó, việc tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài phải hết sức thận trọng, bảo đảm tính khả thi khi vận dụng vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam. 

Năm là, bảo đảm các trình tự, thủ tục tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, tránh làm xáo trộn về mặt tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; phát huy vai trò và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; bảo đảm tốt hơn quyền dân chủ của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức; khắc phục và hạn chế oan sai trong bắt, giữ, giam, điều tra, truy tố, xét xử.

Về mô hình tố tụng hình sự Việt Nam: Cần tiếp tục duy trì mô hình tố tụng hình sự hiện hành; đồng thời, tiếp thu những yếu tố hợp lý của mô hình tố tụng hình sự tranh tụng, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam như nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa. 

Tiếp tục khẳng định mối quan hệ giữa Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhưng có sự phân định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi cơ quan trong hoạt động tố tụng hình sự. 

Theo đó, Cơ quan điều tra chịu trách nhiệm hoàn toàn về hoạt động và kết quả điều tra, Viện Kiểm sát chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động truy tố và thực hành quyền công tố tại phiên tòa, Tòa án chịu trách nhiệm về hoạt động xét xử vụ án hình sự.

Về hệ thống những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự: Cần sửa đổi để làm rõ hơn nội dung của một số nguyên tắc thể hiện tư tưởng nhân đạo, phân định rành mạch vị trí, quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể tố tụng; tăng cường tính dân chủ, minh bạch trong hoạt động tố tụng hình sự; hạn chế sự lạm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng; bảo đảm quyền, lợi ích của những người tham gia tố tụng như nguyên tắc xác định sự thật khách quan của vụ án; nguyên tắc trách nhiệm khởi tố vụ án; nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc không làm xấu đi tình trạng của bị can, bị cáo; nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, nguyên tắc công khai trong tố tụng hình sự.

Nguyễn Phương Anh
.
.
.