Di tích lịch sử Vườn Cam Nguyễn Huệ (Bình Định) bị lấn chiếm, xâm hại:

Cần ngăn chặn kịp thời

Thứ Bảy, 28/03/2015, 12:29
Vườn Cam Nguyễn Huệ là một trong những căn cứ địa đầu tiên của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn cuối thế kỉ XVIII. Nơi đây vừa là vọng gác tiền tiêu bảo vệ vùng Tây Sơn thượng đạo, vừa là cơ sở hậu cần và luyện quân của nghĩa quân Tây Sơn. Trong kháng chiến chống Mỹ, khu vực này là một trong những căn cứ cách mạng vững chắc của huyện Vĩnh Thạnh nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.

Căn cứ địa nghĩa quân Tây Sơn (còn gọi Vườn Cam Nguyễn Huệ), thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ 20 năm trước. Khu di tích lịch sử Vườn Cam Nguyễn Huệ có tổng diện tích 262,5 ha. Tuy nhiên, hiện nay, trong quá trình phát nương làm rẫy, nhiều người dân đã không ngần ngại chặt phá để “xí phần” trồng cây keo lai, bạch đàn trái phép ngay trong vành đai khu di tích. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài nhưng không thấy chính quyền địa phương ngăn chặn.

Hệ quả, đến nay, khu vực phía Nam khu di tích đã “mọc” lên nhiều rẫy keo lai, có rẫy cây keo đã cao trên 2m. Riêng khu vực phía Bắc - ngay cạnh bia di tích, người dân ngang nhiên dựng hàng rào tre, gỗ “xí phần” đất canh tác. Trong các khoanh đất có rào chắn này, người dân trồng keo lai, dựng chuồng trại nuôi gia súc... khiến không gian di tích trở nên chật chội, rối rắm, mất mỹ quan.

Nhiều người dân đã xâm hại đến vành đai khu di tích Vườn Cam Nguyễn Huệ, tạo ranh giới để “xí phần” làm nơi chăn nuôi bò.

Ông Lưu Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh đã tỏ ra ngạc nhiên, cho rằng thực trạng khu di tích lịch sử Vườn Cam Nguyễn Huệ bị lấn chiếm, xâm hại chỉ mới nghe phóng viên phản ảnh. Tuy nhiên, sau đó ông Cường đã ghi nhận, tiếp thu và hứa sẽ chỉ đạo chính quyền sở tại kiểm tra, ngăn chặn.

Ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban Quản lý di tích (Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch), khẳng định: “Về mặt quản lý Nhà nước, để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm, xâm hại khu di tích lịch sử Vườn Cam Nguyễn Huệ thì trách nhiệm thuộc về UBND huyện Vĩnh Thạnh. Vì vậy, địa phương phải sớm có biện pháp ngăn chặn triệt để”.

Tuy vậy, ông Thọ cũng chỉ ra một số khó khăn. Trước hết, việc quy định khu vực bảo vệ của di tích này chưa hợp lý vì quá rộng, nhưng không đầu tư hàng rào nên không xác định được ranh giới. Ông Thọ cũng kiến nghị các cấp của tỉnh Bình Định, thời gian tới, cần đo đạc, quy hoạch lại diện tích bảo vệ, đồng thời, có sơ đồ cụ thể và hỗ trợ một phần kinh phí để tiến hành cắm mốc giới, bia di tích, nhằm tạo thuận lợi cho công tác bảo vệ, quản lý. Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Thạnh cần chỉ đạo xã Vĩnh Sơn phối hợp với các ngành chức năng có biện pháp xử lý rốt ráo các hành vi lấn chiếm, xâm hại làm ảnh hưởng đến di tích.

Hoàng Nguyên
.
.
.