Cần có điểm bám vịn bờ kè kênh Tàu Hủ

Thứ Sáu, 12/12/2014, 11:07
Kênh Tàu Hủ chảy xuyên qua nhiều quận, huyện như Bình Tân, quận 8, quận 1,4,5,6… với tuyến chiều dài hơn 10km được lắp bờ kè, gắn hàng rào bảo vệ khá khang trang. Từ ngày dòng kênh được cải tạo, nơi đây trở thành chỗ hóng mát, chỗ hẹn hò của các cặp tình nhân, của người dân thành phố. Tuy nhiên dù khang trang, dù an toàn nhưng người dân nơi đây không khỏi lo lắng bởi bờ kè thẳng đứng nhưng không có chỗ bám vịn khi chẳng may có người rơi xuống dưới kênh. Đã có nhiều trường hợp người rơi xuống kênh tử vong chỉ vì không có chỗ bấu víu…

Trở lại hiện trường vụ hai người nghiện đang sử dụng ma túy dưới chân cầu Chà Và (nối quận 5 với quận 8) bị tổ tuần tra Công an phường 13, quận 8 (TP HCM) phát hiện nên bỏ chạy rồi nhảy xuống kênh Tàu Hủ với ý định bơi qua bờ phía quận 5 trốn thoát nhưng đuối nước chết một người.

Lúc hai đối tượng nhảy xuống kênh Tàu Hủ, thấy một người chấp chới anh Đỗ Minh Thuận ngụ ở quận 8 đang đẩy xe đi bán băng đĩa dạo đã nhảy xuống kênh định cứu nhưng không kịp. Dòng nước đẩy quá mạnh nên dù lặn mò một hồi lâu anh cũng đành bất lực lên bờ. “Nhảy xuống kênh đã khó vì có hàng rào an toàn nhưng khi leo lên bờ càng khó hơn. Tôi phải bám theo các miệng cống xả của người dân mới leo lên được. Phụ nữ với trẻ em mà ngã xuống dưới này coi như chết chắc!”- anh Thuận phân trần.

Đã có một số vụ chết đuối thương tâm đã xảy ra dọc kênh Tàu Hủ trong đó có trường hợp cháu L.T.G.M. (sinh năm 2007, ngụ đường An Bình, phường 5, quận 5). Cháu M. cùng một nhóm bạn đi vớt cá thì chẳng may trượt chân xuống kênh Tàu Hủ (đoạn trước Bệnh viện Nhiệt đới). Vì không biết bơi lại gặp bờ kè trơn không có chỗ bấu víu nên cháu M đã bị dòng nước đẩy đi.

Ông Nguyễn Thanh Văn (67 tuổi, nhà quận 5) người thường ra đại lộ Võ Văn Kiệt tập thể dục cho hay, bờ kè cao, khi nước cạn bờ kè thẳng dứng và cao hơn 3m. Tuy nhiên bờ kè lại không có chỗ cho người chẳng may rơi xuống kênh bấu víu. Dọc bờ kè có thiết kế thang bộ từ kênh lên đường nhưng khoảng cách giữa các cầu thang này quá xa.

Đúng như lời ông Văn, theo quan sát của phóng viên dọc bờ kè của kênh Tàu Hủ ít có chỗ bấu víu cũng như thang leo để có người chẳng may rơi xuống kênh còn có chỗ để bám víu nên thường những người rơi xuống kênh đều tử vong. Đoạn bờ kè có chiều cao thẳng đứng hơn 3m và không có một điểm cứu hộ nào phải kể đến khu vực từ cầu Chà Và đến cầu Lò Gốm. Ở khu vực này trong năm nay đã có ít nhất ba người rơi xuống kênh và thiệt mạng.

Việc lắp bờ kè để tránh người dân tiếp xúc với dòng kênh giúp tính mạng của người dân không bị nguy hiểm tạo ra không gian đẹp, an toàn là rất tốt. Tuy nhiên có nhiều trường hợp bất khả kháng như người dân hóng mát đùa giỡn leo lên hàng rào trượt chân rơi xuống, trẻ em hiếu động chui ra khỏi hàng rào vớt cá sảy chân. Những người từng chứng kiến các vụ việc thương tâm trên tại đoạn kênh gần nhà đều mong muốn, chủ đầu tư bờ kè, hay đơn vị thi công cần gắn những điểm bấu víu để người dân không may bị rơi xuống kênh có điểm để giữ tính mạng. Một số người dân cho rằng, cũng không quá khó, không tốn kém nhiều, chỉ cần khoảng 50m cần có một chiếc thang sắt nối từ dưới lòng kênh lên bờ thì cũng đủ để tính mạng những người chẳng may bị rơi xuống kênh có cơ hội được giữ lại.

Nghinh Phong
.
.
.